Từ đó, bí ẩn về vùng đất cổ Con Moong này được các nhà khoa học, ngành chức năng khai mở, với nhiều dấu tích của người Việt cổ.
Hàng loạt hang phát hiện về người Việt cổ
Hang Con Moong nghĩa là hang Con Thú. Theo lý giải của người dân địa phương thì nơi này xưa có rất nhiều thú tập tụ về đây. Hang hình bán nguyệt, có hai cửa thông nhau: một cửa quay về hướng Đông Nam, một cửa quay về hướng Tây Nam. Một trong những lý do người dân gọi đây là hang Con Thú vì tại cửa hướng Đông Nam có một tảng đá nằm trước cửa hang, tạo hình con hổ phủ phục canh trước cửa.
Qua lần khai quật lần 1, các nhà khoa học có cơ sở để nhận định địa tầng hang Con Moong có ý nghĩa to lớn góp phần phân chia các giai đoạn phát triển thời đại đá nước ta, cũng như làm cơ sở để so sánh với một số di tích thời đại đá ở Đông Nam Á.
Từ những giá trị khoa học về lịch sử ở hang Con Moong, những năm gần đây, các nhà khoa học ở Viện khảo cổ học Việt Nam phối hợp với các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm khoa học Nga tiếp tục khai quật lần 2, lần 3, lần 4 tại hang Con Moong. Đồng thời, tiếp tục phát hiện và khai quật một số hang khác cũng trên địa bàn xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) như hang Lai, hang Lý Chùn, Hang Mang Chiêng, hang Diêm...
Một số hình ảnh trong bài tại hang Diêm, hang Con Moong và hang Mang Chiêng ở xã Thành Yên, huyện Thạch Thành. Ảnh: Hoàng Lam
Theo đánh giá mới nhất của các nhà khoa học thì các di tồn văn hóa còn lưu lại trên địa tầng hang Con Moong đã kể lại câu chuyện hết sức lý thú về truyền thống cư trú hang động, truyền thống sử dụng công cụ đá, sự tiến triển về loại hình, về kỹ thuật chế tác công cụ, về sự biến đổi của khí hậu và sự thích ứng con người trong suốt nhiều vạn năm.
Đó là câu chuyện về sự thay đổi từ kỹ nghệ công cụ đá để rồi sau đó xác lập ở đây các yếu tố văn hóa đá cũ Sơn Vi, rồi Đá mới Hòa Bình và đến các văn hóa sau Hòa Bình, kiểu Đa Bút ở chính thung lũng này. Với kết quả khai quật hang Con Moong, đã bổ sung thêm một kỹ nghệ mảnh đá Quartz thuộc giai đoạn Late Pleistocene ở Việt Nam.
Đó là câu chuyện về sự chuyển biến về cổ khí hậu, môi trường khu vực xung quanh hang Con Moong và sự thích ứng của cư dân cổ Con Moong từ 6 vạn năm cho đến 7 nghìn năm trước. Sau thời kỳ băng hà, khí hậu ấm dần, con người cư trú ở hang thường xuyên hơn, chuyển dịch nhiều về phía cửa hang. Vào giai đoạn này, các dấu tích hoạt động của con người còn lưu lại hết sức ấn tượng ở địa tầng khu cửa hang, với địa tầng vỏ ốc chất dày trên 3 m và hàng trăm công cụ lao động bằng đá, bằng xương, sừng, vỏ nhuyễn thể, có sự phát triển kế thừa từ Sơn Vi, qua Hòa Bình đến Đa Bút...
Trong các mùa điền dã từ 2010-2013, đoàn khảo cổ hợp tác Việt- Nga đã khảo sát, khai quật và nghiên cứu một số hang động xung quanh hang Con Moong như: hang Lai, hang Đắng, Mái đá Mộc Long, hang Mộc Long, hang Mang Chiêng, hang Diêm, hang Bố Giáo và hang Lý Chùn.
Đáng chú ý, trong thời gian các nhà khoa học khai quật tại hang Mang Chiêng (lần 2), hang Con Moong (lần 4), một học sinh của Trường THCS xã Thành Yên đã cung cấp cho các nhà khoa học một hang mới có tên là hang Diêm ở núi làng Sánh, thôn Thành Tân, xã Thành Yên.
Qua khảo cổ ban đầu với những hiện vật tìm thấy được cho thấy hang Diêm có mối quan hệ chặt chẽ về giá trị khoa học lịch sử với hang Con Moong. Đợt khai quật vừa qua (tháng 11/2013), các nhà khoa học đánh giá hang Diêm là di tích cư trú lâu dài của con người, được phản ánh qua vết tích bếp, di tích thải ra sau bữa ăn của con người như xương răng động vật, vỏ các loài nhuyễn thể, chất thành tầng dày trên 1,2 mét.
Vùng đất thiêng
Các xã Thành Yên, Thạch Cẩm, Thành Mỹ, Thành Minh thuộc huyện Thạch Thành ngày nay trước đây thuộc tổng xứ Mõ Sơn (có sách ghi là Mọ), còn gọi là xứ Mường Mõ. Nhiều người kể rằng, xưa vùng này có nhiều thú dữ. Trong đó, hổ được coi là vị chúa sơn lâm, cai quản cả một vùng rộng lớn, trong đó có cả nơi họ đang sinh sống. Ở thung Lòi có dãy núi Làn In có những phiến đá rất to. Ngày nay, vào ngày mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng, nhiều người nhìn thấy những tấm đá đỏ rực lửa trên dãy núi này.
Thuộc địa phận hành chính của xã Thành Yên, nhưng hang Con Moong và các hang khác ở đây lại nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương. Chẳng biết có phải ở một cánh rừng đặc biệt không mà nơi đây có những địa danh kỳ bí đến tận bây giờ người dân vẫn chưa lý giải được. Như ở làng Lống Đá (tiếng Mường gọi là Lống Thụ) thuộc thôn Yên Sơn 2, gần núi đá, cách quèn (nghĩa là dốc hoặc đèo) Dấu Trâu chừng 500 mét, trên đường đi vào thung Lắm, người dân gọi đây là nơi có những ngôi mộ lạ.
Cách hang Con Moong không xa, ở thôn Thành Trung, xã Thành Yên có hang Tình Yêu được nhiều người dân vẫn thường lui tới bởi vào mùa lạnh thì nước trong hang rất ấm, mùa hè thì nước lại mát. Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, ở đây còn có những món ăn ngon mà thiên nhiên ban tặng đó là ốc đá tròn, ốc suối dài, con chấu chôm, cá niếc (loài cá làm tổ dưới đất sâu, mùa mưa mới chui ra khỏi tổ), con pu pu...
Ông Trương Văn Gương- Chủ tịch UBND xã Thành Yên cho biết: “Hiện nay, hàng tháng có hàng trăm lượt du khách đến thăm, tìm hiểu về hang Con Moong. Tuy nhiên, từ tuyến tỉnh lộ vào đến hang Con Moong gần 10 km đang là đường cấp phối, nên mỗi khi mưa thì đường lầy lội, ách tắc, rất khó đi. Cần thiết thành lập ban quản lý hang Con Moong đặt tại địa phương, để thuận lợi cho việc giới thiệu, bảo vệ hệ thống hang này ”.
Từ kết quả khai quật vừa qua, các nhà khoa học đã kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa nên tập trung xây dựng hệ thống chống nước mưa từ trần rớt xuống lòng hang, nhằm tránh sự phá hủy địa tầng. Để xây dựng hồ sơ di sản đặc biệt cấp Quốc gia, tiến tới xây dựng hồ sơ di sản thế giới, Thanh Hóa cần đầu tư kinh phí điều tra, khảo sát xung quanh.
Sau 4 mùa điền dã, đến tháng 11/2013, đoàn hợp tác khoa học giữa Viện Khảo cổ học Việt Nam và Viện Khảo cổ học - dân tộc học Novosibirsk (Nga) đã hoàn thành khai quật hố 14 mét vuông tại hang Con Moong. Đợt khai quật vừa qua (tháng 11/2013) đã đào tới đá vôi hay nền hang, xác nhận địa tầng di chỉ dày 9,5 m. Đây là một trong số di chỉ có địa tầng dày và được bảo tồn tốt hiện nay ở Việt Nam và Đông Nam Á.