Nhơn Hải là xã bãi ngang nằm trong vùng bán đảo Phương Mai thuộc TP. Quy Nhơn, có chiều dài bờ biển 15km. Vùng biển xã Nhơn Hải là khu vực mang tính đặc trưng về đa dạng sinh học của hệ sinh thái rạn san hô vùng ven biển Bình Định. Với địa hình có nhiều đảo nhỏ, các bãi đá ngầm, bãi rạn san hô và thảm thực vật ngầm, những năm gần đây, Nhơn Hải nổi lên là điểm đến du lịch biển hấp dẫn du khách. Ngoài sự tò mò về một công trình "tường thành" bí ẩn trên biển, nơi đây còn biết đến với vẻ hoang sơ, bình dị, thân thuộc của một làng biển.
Theo người dân địa phương, không rõ tường thành có từ bao giờ. Tuy nhiên, hàng chục năm về trước họ đã nhìn thấy mỗi khi thủy triều rút xuống. Bờ tường thành như một "con đường giao thông" trên biển, bởi chiều ngang rất rộng có thể đi lại thoải mái.
Để tận mắt chứng kiến vẻ đẹp "công trình" bí ẩn này, một ngày giữa tháng 8 chúng tôi tìm về Nhơn Hải. Theo như lời kể của người dân nơi đây, tường thành cổ chỉ hiện lên một vài lần trong tháng khi thủy triều rút sâu, thường thì vào mùng 1 và ngày rằm (âm lịch) sẽ nhìn thấy rõ nhất. Chỉ tay về hướng phía xa trước mặt cửa biển xã Nhơn Hải, bà Phạm Thị Kim Liên (55 tuổi) nói, cũng chẳng biết nó có từ bao giờ, từ thời ông cha của bà đã nghe kể về bức tường này. Bà Liên nhớ lại lúc nhỏ bà cũng thường theo gia đình lặn hái rong mơ, hải sản khu vực bờ tường này. “Cả một đoạn dài bao quanh, khi nước rút cạn thì tàu lớn không thể nào vào bờ được, chỉ có những chiếc tàu nhỏ mới luồn lách qua những đoạn ngắt quãng mới vào được”, bà Liên kể.
Ông Trần Văn Hiệp (58 tuổi) cho hay, trước đây, ông có đục vài lỗ để làm chỗ neo tàu thuyền thì phát hiện tường thành xây dựng bằng thứ chất dẻo như hồ, không phải xây bằng đá hay gạch. Theo ông Hiệp, nếu tường xây bằng đá thì đục vào sẽ vỡ ngay còn tường thành thì không. Có một điều đặc biệt nữa mà ông Hiệp chia sẻ đó là, hàu biển bám sống ở bờ thành này sau một thời gian đều chết. Các bậc cao niên kể lại xưa kia vùng đất này là đất của người Chiêm Thành (Chăm Pa) sinh sống, tường thành này được xây dựng có thể vừa để chắn sóng biển vừa phòng thủ sự xâm lấn.
Theo thư tịch cổ để lại, người Chăm Pa xây dựng 4 thành lớn tại Bình Định, gồm Thị Nại (huyện Tuy Phước), Đồ Bàn (thị xã An Nhơn), Cha (thị xã An Nhơn), Uất Trì (huyện Tây Sơn) và một số thành nhỏ khác. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa phát hiện tư liệu nào nhắc đến bờ thành được xây dựng ở vùng biển làng chài xã Nhơn Hải.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải nói, cũng nghe người xưa kể lại chứ không thấy có một tài liệu nào nói về tường thành này. Vừa qua, Phòng Văn hóa và Thể thao của TP Quy Nhơn cùng Bảo tàng tổng hợp Bình Định đã mời các chuyên gia tới lấy mẫu để thẩm định. Đặc biệt, nơi đây thời gian qua trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch. Sắp tới địa phương sẽ đề xuất phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nhơn Hải, trong đó xây dựng phương án đưa địa điểm này vào hoạt động trải nghiệm.
Tường thành nối liền vách đá thôn Hải Nam ra đến đảo Hòn Khô của thôn Hải Đông (xã Nhơn Hải). Bề mặt tường thành phẳng, rộng hơn 10m nhưng độ cao chưa xác định được, chiều dài khoảng hơn 2km. Người dân xã Nhơn Hải cho biết, tại thôn Hải Giang, cách bờ thành nói trên hơn 5km khi thủy triều xuống cũng sẽ nhìn thấy đoạn thành dài khác ở gần bờ. Hai đoạn bờ thành này có kết cấu giống nhau nên nhiều người cho rằng đó là một tường thành kéo dài.
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Bình Định cho hay, ngày trước ông từng ra khu vực "tường thành" này để kiểm tra và cũng ngờ ngợ với suy nghĩ ban đầu là một công trình do người Chăm Pa làm để lại do khu vực này từng là nơi cư trú của người Chăm. Tuy nhiên sau đó, một số người bạn của ông làm công tác địa chất tại một trường đại học ngoài Hà Nội có vào để cùng với ông đi kiểm tra và lấy mẫu, thì cho rằng đây là một bờ san hô cổ do thiên nhiên hình thành từ hàng mấy triệu năm về trước. Có thể, đây là một rạn san hô cổ chứ không phải các rạn san hô như hiện nay.
Theo TS Hòa, trong quá trình hình thành địa chất, việc hình thành nên bờ san hô cổ này cũng là một điều chưa thể giải thích được. Còn về sau này người Chăm Pa có dùng làm bờ cảng hay không thì cũng chưa có tài liệu nào nói.