Bí ẩn quan tài không đáy trên đỉnh hang ma Ba Tổng

Lật nắp lên, chúng tôi thấy chiếc quan tài đã bị thủng đáy chỉ còn lớp tro bụi, dưới lỗ thủng có hai bát hương bằng gốm đặt trên lớp đất mùn đen xám.
Chiếc quan tài bằng thân gỗ nguyên khối được gác trên một vách đá

Chuyện về hang ma Ba Tổng

Từ bao đời nay, người dân bản Hợp Thành, xã Phượng Tiến (Định Hóa, Thái Nguyên) vẫn kể cho nhau câu chuyện huyền bí về vùng đất cấm trên dãy núi Ba Tổng. Đó là một hang đá nằm trên đỉnh núi cao gần 1 km so với bản Hợp Thành. Nhưng để leo lên được hang cần phải vượt qua nhiều vách đá dựng đứng rất nguy hiểm. Điều khiến người dân La Trí sợ không chỉ là vách núi đá cao dựng đứng mà còn là câu chuyện về hang ma có chiếc quan tài không đáy.

Trong bản chỉ có vài người phát hiện và có gan vào hang ma nhưng không dám bén mảng lên đó lần thứ hai. Một trong số ít đó có ông Đỗ Xuân Nghìn năm nay chuẩn bị bước sang độ tuổi lục tuần, người được mệnh danh là vua đi rừng ở vùng núi Phượng. Tuy nhiên, ông Nghìn cũng từng thề độc sẽ không bao giờ vào lần thứ hai.

Ông Đỗ Xuân Nghìn, người được mệnh danh là vua đi rừng Phượng sửng sốt khi có người hỏi thăm về hang ma Ba Tổng

Ngồi trong ngôi nhà tranh dưới chân núi trúc, ông Nghìn trầm tư hút điếu thuốc lá nhớ về ngày phát hiện ra hang ma. Đó là những năm 90 của thế kỷ trước, trong một lần đi khai thác gỗ nghiến trên núi để bán, trời đổ mưa như trút, ông cùng một người bạn tri kỷ tên là La Văn Tình vào một vách núi tạm trú. Nước mưa từ trên núi chảy xuống bao nhiêu đều bị nuốt tuột vào trong vách đá khiến cả hai ngạc nhiên tiến sâu vào trong và bất ngờ phát hiện một hang đá sâu hun hút. Cả hai tò mò châm đuốc xuống hang.

“Lúc đó dưới hang róc rách tiếng nước chảy, không gian tối đen như mực, tuyệt nhiên không có một tia sáng hay tiếng động nào. Càng xuống sâu, không khí càng lạnh và ngọn đuốc cũng nhỏ dần. Dừng chân để châm đuốc sáng hơn, cả tôi và ông Tình hoảng hồn khi ngay trước mắt là chiếc quan tài màu đỏ có 4 chân được gác trên hốc đá. Cả hai anh em một mạch chạy lên cửa hang và xuống núi. Về bản hỏi, tôi mới được các cụ cho biết đó chính là hang ma, bao đời nay là khu vực cấm địa của người dân La Trí”.

Các cụ có kể lại rằng, hang ma đó là nơi mai táng một ông quan kèm theo nhiều vàng bạc châu báu, người hầu và lính gác. Hang ma ngự trên đỉnh núi Ba Tổng nên gọi là hang ma Ba Tổng. Sở dĩ dãy núi có tên như vậy vì nơi đây gồm ba đỉnh núi của ba xã khác nhau Phượng Tiến – Trung Hội – Lam Vĩ và trước đây trong thời loạn lạc, từng có ba vị quan tổng chạy lên núi trốn giặc ngoại xâm.

Nghe ông Nghìn kể hồi lâu, tôi đề nghị xin được lên núi vào hang mục sở thị chiếc quan tài không đáy chôn vàng. Tuy nhiên ông Nghìn tỏ vẻ lo lắng vì từ ngày phát hiện cũng chưa vào hang thêm lần nào nữa. Sau một hồi lâu chờ đợi, cuối cùng tôi cũng được toại nguyện với điều kiện phải lên núi vào buổi sáng hôm sau và làm theo sự sắp xếp của người dẫn đường là ông Nghìn.

Quan tài không đáy

Sớm tinh mơ, ông Nghìn dậy chuẩn bị đồ nghề lên núi. Hành trang là những vật dụng đơn giản gồm dao rựa, đèn pin, dây thừng và một chai rượu. Ông không quên đặt vào tay tôi một nhánh tỏi tía đã được bóc vỏ dặn xoa khắp người và đưa cho chúng tôi mỗi người một bộ quần áo đi rừng. Theo giải thích của ông Nghìn, xoa tỏi là để tránh tà ma, còn bộ quần áo dài chống muỗi và vắt rừng hút máu. 

Sau khi chuẩn bị xong xuôi, ông Nghìn cầm chiếc bi-đông bằng nhôm cũ đã bị bạc trắng đựng rượu nếp chia mỗi người uống một hơi thật dài lấy dũng khí lên đường. Con đường độc đạo lên hang ma Ba Tổng là một con dốc dựng đứng kéo dài với nhiều vách đá hiểm trở. Cỏ dại mọc um tùm. Những vách đá nhô ra nuốt trọn lối đi như thách thức người lên núi bằng cả tính mạng. Mỗi lẫn vượt được qua một vách đá, cả nhóm phải dừng chân lấy sức, ông Nghìn nhóm lửa xua muỗi rừng.

Mỗi khi vượt qua được một vách đá hiểm trở, ông Nghìn lại đốt lửa xua muỗi nghỉ lấy sức tiếp tục hành trình lên hang ma

Hơn một tiếng vượt qua rất nhiều vách đá hiểm trở, tôi và một chiến hữu mới được dẫn tới hang ma trong truyền thuyết ở bản Hợp Thành. Trước mắt tôi là một vách đá hoang sơ được ngụy trang kín đáo bởi rừng mai, bụi rậm. Cửa hang rộng khoảng 20 m2. Thoạt nhìn thì ai cũng sẽ nghĩ đó chỉ là một vách đá cụt bình thường như bao vách đá khác. Nhưng cuối vách đá có một hốc nhỏ chỉ vừa một người qua là lối đi duy nhất có thể vào hang ma Ba Tổng.

Đường vào hang ma Ba Tổng rất hiểm trở

Cả đoàn chưa kịp lấy lại sức, ông Nghìn nhanh nhẹn thắp nén hương ở cửa hang với lời khấn bằng tiếng địa phương. Còn ông Tình dùng dao rựa chặt hai thân mai to khỏe nhất, róc hết mắt để làm thang xuống hang. Lúc này, trong bi-đông còn bao nhiêu rượu, ông Nghìn chia đều cho 4 người uống hết và bật đèn pin dẫn cả đoàn vào hang. Bước qua hốc đá chắn trước miệng hang vào bên trong, chúng tôi thấy một không gian rộng lớn nhưng rất tối. Chiếc đèn pin không thể rọi tới đáy hang. Ông Nghìn cắm thân mai xuống làm thang và xung phong xuống đầu tiên, sau đó lần lượt từng người xuống. Cứ như thế hai lần thang nữa, chúng tôi mới đặt chân tới dưới hang.

Chiếc quan tài bằng thân gỗ nguyên khối được gác trên một vách đá

Phần đáy chiếc quan tài bị thủng

Trong hang ma Ba Tổng, không gian tối đen như mực và im lặng đến khác thường. Ông Nghìn rọi đèn xung quanh vị trí có vết than củi cháy dở. Sâu vào hang chừng 30 m, không gian bên trong càng mở rộng và những tia sáng dần dần biến mất chỉ còn một vệt sáng từ chiếc đèn pin trên tay ông Nghìn. Ánh đèn dẫn chúng tôi tới ngã ba của hang. Rẽ phải khoảng 5 m, chiếc quan tài không đáy hiển hiện trước mắt. Nó có hình trụ dài khoảng 2,5 m, đường kính khoảng 50-60 cm, là một thân gỗ nguyên khối được tách làm hai nửa úp vào nhau.

Chúng tôi lật nắp lên, phát hiện đáy áo quan đã bị thủng, bên trong chỉ còn một lớp tro bụi dày, xoay xoay đèn qua khe thủng, cả nhóm người thấy có 4 khúc gỗ là chân áo quan và hai chiếc bát vỡ miệng được trang trí bằng lớp men màu xanh dương có một chữ Hán ở giữa. Bên cạnh hai chiếc bát gốm đặt trên lớp đất mùn màu đen xám còn có nhiều chân hương và một lớp bột màu trắng giống màu xương cốt. Ông Nghìn cho biết, thời điểm phát hiện lần đầu tiên, ông thấy còn có vài mẩu xương sọ người bị vỡ nhưng tới nay không còn gì. Loại gỗ làm áo quan vẫn nguyên vẹn màu sắc và hình khối như vậy.

Hai chữ "thập thiên" được viết lên vách đá đã bạc màu.

Ông Nghìn dẫn tôi sang ngách bên trái, cách khoảng 4 m còn có một hố sâu như cái chậu, nơi được cho là để chôn cất kho vàng của vị quan. Tại đây trên một vách đá đối diện phẳng còn phát hiện hai chữ “Thập Thiên” bằng chữ Hán. Bên dưới hai chữ “Thập Thiên”, ông Nghìn chỉ cho tôi vị trí mà trước đây phát hiện một tảng đá hình vuông khoảng 30 cm. Trên tấm đá còn có 3 dòng chữ Hán và có người mang đi nhờ thầy tào quanh vùng nhưng không ai dịch được. Mãi về sau, một người tên Giao mang lên Lạng Sơn nhờ người dịch và phát hiện bí mật về quan tài không đáy - cách an táng chôn người sống để giữ khối vàng bạc châu báu khổng lồ.

Theo Hoàn Nguyễn 
Theo Zing