Bệnh viện lập chốt thu phí như BOT

TP - Hầu hết các bệnh viện lớn ở Hà Nội, như Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản Trung ương, Nhi Trung ương… đều lập các trạm barie để thu tiền hoặc ngăn phương tiện lưu thông vào viện, đi thông suốt một chiều. Đây là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng các bệnh viện.
Xe taxi đỗ thành 2 -3 làn trước cổng Bệnh viện Bạch Mai chiếm hơn nửa đường

Theo khảo sát của PV báo Tiền Phong trong nhiều ngày, tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng các bệnh viện lớn ở Hà Nội diễn ra thường xuyên. Dù không phải giờ cao điểm, cổng Bệnh viện Nhi Trung ương trên đường La Thành vẫn xảy ra ùn tắc. Theo quan sát của PV, tại cổng bệnh viện này trên đường La Thành và đường Chùa Láng đều có chốt barie để thu tiền vé ô tô cá nhân và xe taxi vào bệnh viện.

Ùn ứ, tắc nghẽn

Một số lái xe taxi cho biết, vì không muốn mất tiền phí vào bệnh viện trên nên họ cho xe đi chậm hoặc đỗ lại trước cổng bệnh viện để đón khách. Theo ghi nhận của PV, mỗi khi một xe taxi hay ô tô cá nhân đỗ lại để đón khách hoặc người thân, ngay lập tức, các xe phía sau phải dừng lại, tạo nên cảnh tắc nghẽn cả đoạn đường trước cổng bệnh viện. Đặc biệt, trước cổng Bệnh viện Nhi trên đường Chùa Láng, có thời điểm, hơn chục xe taxi đỗ hàng dài đợi đón khách, chiếm hơn nửa đường, khiến các phương tiện khác khó di chuyển.

Tương tự, tại cổng Bệnh viện Bạch Mai trên đường Giải Phóng và đường Phương Mai cũng có các trạm barie để thu tiền ô tô cá nhân và taxi vào bệnh viện. Tùy thời gian dừng đỗ mà có mức thu khác nhau, thấp nhất là 20.000 đồng/lượt.

“Các bệnh viện không nên đổ trách nhiệm giải quyết ùn tắc giao thông trước cổng cho cơ quan quản lý. Việc thu tiền ngay khi xe ra vào bệnh là nguồn thu không nhỏ, nên có sự kiểm soát chặt chẽ”, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh

Việc lập trạm barie và thu phí trên là một trong những nguyên nhân khiến nhiều xe taxi đỗ trước cổng bệnh viện đón khách, vì không muốn mất tiền vào bệnh viện. Có thời điểm, các xe taxi đỗ thành 2-3 làn trước cổng bệnh viện trên đường Giải Phóng, khiến các phương tiện tham gia giao thông khác phải di chuyển rất chậm chạp, gây ra ùn ứ, tắc nghẽn.

Tại cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương trên đường Triệu Quốc Đạt và Tràng Thi cũng có các trạm barie. Một số lái xe taxi cho hay, các xe taxi không được phép tự do vào bệnh viện đưa đón khách, trừ trường hợp chở người cấp cứu và người bệnh ra viện (có giấy xuất viện kèm theo).

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, bệnh viện này có ký kết hợp đồng với một hãng taxi để đưa đón bệnh nhân và người nhà người bệnh. Việc các xe taxi của công ty trên đỗ chờ vào bệnh viện đón khách gây ra tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương trên đường Triệu Quốc Đạt.

Bệnh viện Việt Đức cũng lập trạm barie và thu phí đối với ô tô cá nhân và taxi vào bệnh viện quá 5 phút. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có quy định cấm xe taxi vào đón khách trong bệnh viện (trừ trường hợp chở người cấp cứu) và thu phí ô tô cá nhân vào bệnh viện quá 15 phút.
Tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng các bệnh viện trên khiến người tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn, đồng thời, việc vận chuyển bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng.

“Nhiều lần tôi chở người bệnh, gặp cảnh ùn tắc trước cổng các bệnh viện,  việc di chuyển rất khổ sở. Đặc biệt, vận chuyển bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch có thể bị chậm trễ, gây nguy hiểm đến tính mạng”, anh Nguyễn Văn H, một lái xe cấp cứu nói.

Không mở cổng, tháo chốt vì lợi ích kinh tế?

Làm việc với PV báo Tiền Phong, đại diện một số bệnh viện cho rằng, trách nhiệm giải quyết ùn tắc giao thông trước cổng các bệnh viện thuộc về cảnh sát giao thông, cơ quan quản lý của phường và quận sở tại.

Trong văn bản trả lời báo Tiền Phong, Bệnh viện Phụ sản Trung ương xác nhận, có ký hợp đồng với một doanh nghiệp taxi đưa đón bệnh nhân trong bệnh viện. Khi PV đề cập giải pháp cho ô tô vào đưa đón bệnh nhân có thể chạy thông xuyên qua 2 cổng trên đường Triệu Quốc Đạt và Tràng Thi để giảm ùn tắc giao thông, đại diện bệnh viện này cho biết: “Vấn đề này không thuộc phạm vi giải quyết của bệnh viện nên bệnh viện sẽ trao đổi lại với công an giao thông địa phương để đưa ra hướng khắc phục”.

Ông Nguyễn Minh Thành, Phó phòng Hành chính và quản trị Bệnh viện Việt Đức cho hay, thời gian tới, bệnh viện chưa thể mở các cổng số 9 trên đường Tràng Thi và cổng số 7 và 8 đường Quán Sứ cho ô tô ra vào đưa đón bệnh nhân để giảm ùn tắc giao thông trước cổng Phủ Doãn vì đang cải tạo hệ thống nước thải, còn cổng trên đường Tràng Thi dành cho các tổ chức và cá nhân đến liên hệ làm việc (không khám chữa bệnh - PV).

Ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, bệnh viện không chấp nhận giải pháp để xe ô tô cá nhân và taxi ra vào tự do trong bệnh viện hoặc dừng trên 15 phút mới tính phí. “Các xe taxi vào tự do có thể đi lòng vòng hoặc đi chậm đón khách, dễ gây ùn tắc trong bệnh viện”, ông Hùng lý giải.

Trong văn bản trả lời báo Tiền Phong, đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, nếu thực hiện giải pháp cho xe taxi vào bệnh viện đón khách theo hình thức không tính phí dưới 15 phút sẽ tạo hiện tượng quay vòng đón khách, gây lộn xộn. Bởi vậy, bệnh viện chưa thay đổi quy định không cho phép taxi vào đón trả khách, trừ xe chở bệnh nhân cấp cứu không có khả năng đi lại.

Không bỏ lợi ích, ùn tắc, bệnh nhân có thể chết ngay cổng viện

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, việc các bệnh viện lập các barie thu tiền có nguyên nhân chính là tận thu tiền của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Chính việc qua chốt thu tiền như BOT khiến nhiều xe không qua chốt, gây ùn ứ, bệnh nhân cấp cứu có thể chết ngay trước cổng viện vì ùn tắc giao thông.

Ông đề nghị, ô tô vào bệnh viện dưới 15 phút không nên tính tiền, còn trên 15 phút có thể thu phí gửi xe theo quy định. Công nghệ kiểm soát, thu phí cũng phải hiện đại, nhanh chóng. Đây là một giải pháp có thể giảm thiểu ùn tắc giao thông trước cổng các bệnh viện và mới đây Bộ GTVT cũng đã bắt buộc áp dụng đối với các sân bay. Việc này rất đơn giản và cần có chỉ đạo cấp trên với các bệnh viện về giải pháp này.

Đối với các bệnh có nhiều cổng (hầu hết các bệnh viện lớn mà PV khảo sát đều có nhiều cổng) nên mở các cổng để các xe ô tô ra vào bệnh viện thông suốt, vào một cửa, dừng xe ở khoảng trống đủ rộng và ra một cửa khác, tốt nhất không thu tiền.

Các bệnh viện không nên đổ trách nhiệm giải quyết ùn tắc giao thông trước cổng cho cơ quan quản lý. Việc thu tiền ngay khi xe ra vào bệnh là nguồn thu không nhỏ, nên có sự kiểm soát chặt chẽ.