Hệ thống chụp CT bị hỏng có liên quan gì đến chứng nhận kim cương kia? Tôi hỏi người đứng đầu Bệnh viện 115 mới vỡ lẽ, để đạt được chứng nhận này, toàn bộ quy trình từ khi bệnh nhân đột quỵ vào cấp cứu, thăm khám, xét nghiệm, chụp CT Scan của bác sĩ điều trị, đến mời hội chẩn, dùng thuốc phải diễn ra trong tổng thời gian 45 phút. Thế nhưng, máy CT Scan ở phòng cấp cứu hỏng nhiều tháng không đấu thầu sửa chữa được, nhiều bệnh nhân đột quỵ không thể can thiệp trong 45 phút theo tiêu chuẩn "Kim cương" của Hội Đột quỵ thế giới nên đành chấp nhận bị đánh… rớt hạng.
Việc rớt hạng với các bác sĩ nơi đây có lẽ không quan trọng bằng việc họ để mất đi “thời gian vàng” cứu bệnh nhân đột quỵ. Nhưng còn cách nào khác khi cơ chế là vậy, máy CT Scan hỏng, sửa chữa lớn thì phải đấu thầu, mua sắm mấy tháng mới có. Nó không giống như bệnh viện tư nhân hư thì bỏ tiền mua có liền!
Câu chuyện vướng trong mua sắm, đấu thầu khiến bệnh viện ở nhiều tuyến thiếu trước hụt sau diễn ra hầu khắp mọi nơi. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, máy xạ trị, CT Scan mua của hãng độc quyền nên khi hư hỏng các linh kiện kèm theo máy phải mua đúng loại của hãng đó mới sử dụng được. Nhưng thầu cũng không dễ. Nếu ghi rõ mua bóng đèn của hãng cụ thể, thì bị coi là vi phạm chỉ định thầu, nên nhiều tháng nay, nơi đây cũng không thể thầu được. Vậy là bệnh nhân phải chịu thiệt thòi vì không có máy để chụp chiếu.
Còn các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long thì “có hàng mà không xài được”. Chuyện là, bệnh viện này được đầu tư trang thiết bị y tế với hàng chục chủng loại gồm máy thở, MRI, chụp X-quang, gây mê…theo khoản vay vốn ODA của chính phủ Áo có trị giá gần 12 triệu euro. Nhưng sau khi 7 container thiết bị cập cảng Cát Lái, TPHCM thì số thiết bị này không được thông quan do Bộ Y tế chưa cấp giấy chứng nhận lưu hành. Kết quả, nhiều tháng nay, máy thở thì đắp chiếu ở cảng còn bệnh nhân khoa cấp cứu phải thở…nhờ máy thở ở nơi khác.
Còn nhớ vào ngày 22/10 vừa qua, ngay sau khi được phê chuẩn bổ nhiệm, tân Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã chia sẻ với báo chí rằng, nhiệm vụ trước mắt mà bà nhắm tới là tập trung chỉ đạo tháo gỡ, vướng mắc của việc thiếu thuốc, trang thiết bị… Đến nay, câu chuyện thiếu thuốc, những vướng mắc về trang thiết bị ở các bệnh viện vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, nhiều nơi bác sĩ vẫn ta thán, người bệnh vẫn mệt mỏi chờ đợi để được… chụp chiếu. Mọi người ví von, thiếu thuốc, trang thiết bị là căn bệnh trầm kha lâu nay. Thế nhưng, nói như giám đốc một bệnh viện, khi biết bệnh mà không điều trị, không có giải pháp nó sẽ trở thành bệnh mãn tính, nan y thì có lẽ khó thể cứu vãn.
Nhưng thực tế có một căn bệnh còn khó chữa hơn, đó là bệnh “sợ trách nhiệm”. Hôm qua, trong phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, Thủ tướng Chính phủ nhắc lại hiện tượng này. Và, theo người đứng đầu Chính phủ nếu ai không dám làm thì hãy xin nghỉ, đứng sang một bên.