Bệnh nhân thanh lọc cơ thể kể chuyện- Kỳ I: Nửa đường đứt gánh

TP - Nếu bạn không biết gì về đề-tốc (detox) tức thanh lọc cơ thể, là bạn lạc hậu. Nhưng đời đâu đơn giản, rằng ai cũng “lên điểm” chỉ sau ít ngày tiến hành “chiến dịch”; và đoạn trường ai có qua cầu mới hay... 

Lão Khoa và thím Vinh. Ảnh: Như Ý

Ôi từ không đến có, xảy ra như thế nào?

Đó là một ngày chuẩn bị bước sang tháng bảy âm- tháng cô hồn, tôi đang cắm mắt vào mấy cái mô hình ngộ nghĩnh của cuộc thi Ý tưởng Trẻ thơ bày ở công ty Honda, tòa nhà Parkson thì người quen - nhà thơ Trần Đăng Khoa hiện ra (anh làm giám khảo cuộc này), xỉa cho một nhát vào người, bảo: “Thím phải học ta, thanh lọc cơ thể đi! Thím nhìn ta có ngon không? Giảm 10 cân, 12 phân bụng, bệnh tật bay hết!”.

Nửa năm không gặp, quả thật trông ông “thần đồng vĩnh viễn” (từ mà tôi tặng cho anh) lạ hẳn: Bụng thon hơn, cân nặng hợp lý hơn dù vẫn “phúc hậu”, và gương mặt thì nhẹ nhõm đi. 

Ôi từ không đến có/Xảy ra như thế nào” (thơ Xuân Diệu). Về sau này khi lão Khoa vào bệnh viện với dáng điệu tất tả để thăm người một ngày hai lần cấp cứu, tôi có đùa anh “Xét mình công ít tội nhiều, can tội xui trẻ con ăn cứt gà” song nếu không gặp lão Khoa thời khắc ấy, có lẽ sớm muộn gì tôi cũng chọn một chương trình đề tốc nào đó, vấn đề chỉ là thời gian! 

“Anh làm thế nào?” “Rất đơn giản, rẻ tiền, chỉ 12 ngày mà hiệu quả thần tốc! Công thức thế này nhé...”. Anh vừa nói tiếp hai câu đã bị tôi cắt ngang, nói nốt phần còn lại, và “Ai xui anh?”. “Con bé Thương Huyền nhà tạo mẫu”. “Em biết nó, gọi là Huyền Designer. Nó cũng xui em hai năm nay mà không dám theo”.

Huyền đã thanh lọc ba lần trong hai năm, không phải để giảm cân vì người cô vốn gọn, mà để “người thanh sạch, da sáng hết nám, đầu óc thư thái, có sức mà làm việc” và cô đã đạt mục đích. Bạn trai theo gương cô làm một lần, đuổi được 6-7 cân gì đó với khối mỡ bụng kha khá, thanh thoát cả người lẫn mặt. Đàn chị của Huyền- nhà thiết kế Minh Hạnh cũng thế, bảo là giải độc xong thấy nhẹ nhàng sảng khoái. Như vậy, ít nhất đã có bốn tấm gương sáng ngời trước mắt tôi!

Chục năm trước tôi dùng thực phẩm chức năng Herbalife ròng rã do bạn ở Mỹ gửi cho, khi ấy nó còn chưa vào Việt Nam. Thấy tương đối ổn song có lẽ cũng bởi tuổi tác hồi đó khác. Còn dạo này, phát sinh một bệnh mà đi khám, bác sĩ bảo là “Hội chứng đường hầm cổ tay”, một loại bệnh nghề nghiệp của các vị làm nghề viết lách, biên tập, dân công sở ngồi nhiều gõ máy tính nhiều. Bàn tay phải tê mỏi dã man, càng về đêm càng tê. Vật lý trị liệu kết hợp uống thuốc không ăn thua. Da dẻ bao năm tử tế tự nhiên cũng đốc chứng. Tóm lại rất vấn đề, chưa kể giảm cân dù ít dù nhiều thì ai chả muốn!

Chương trình thanh lọc này khuyến cáo không dành cho người huyết áp thấp và tim mạch. Tôi có tiền sử huyết áp thấp, đi ô tô ngoại tỉnh phải dán miếng cao sau gáy mới yên tâm nhưng hơn năm nay huyết áp lại không đến nỗi. 

Và quan trọng (hay tai hại) như đã nói, là “lão Khoa”- như anh tự gọi- trông thuyết phục quá, nói cũng thuyết phục! Ta nói cho thím biết nhé, ta tiểu đường này, tiền liệt tuyến này, mỡ máu, đủ cả. Thế mà giờ chỉ số đẹp như mơ! Ta cũng đã theo chương trình Low Carb nhưng giảm cân xong lên lại còn kinh hơn, bệnh tật vẫn đấy còn chương trình này ấy à...

Giờ G đã điểm hai tuần sau đó. Mấy hàng ớt đỏ Đà Lạt (tức ớt chuông, loại ớt ngọt không cay) buổi sáng ấy ở chợ Châu Long có bao nhiêu tôi vét hết để dùng cho ba ngày. Sẽ phải bốn lần mua ớt như vậy. Rồi tham khảo mấy đồng nghiệp trẻ nên mua nước mía siêu sạch với chả siêu bẩn ở đâu. 

Nhìn đám nguyên liệu sẽ được dùng làm thức ăn của tôi, người nhà phán: Ớt gì to như quả đu đủ, chắc ớt Tàu chứ có mà Đà Lạt! Còn nước mía, người ta viết đầy về mía tự nhận siêu sạch mà lại có giòi do không vệ sinh máy ép, gu-gờ mà đọc. Mía cả siêu sạch siêu bẩn, ngọt kiểu vô lý! Thấy bảo nhúng cả cây mía vào xô nước đường, gì chả ngọt!

Cuộc cách mạng nho nhỏ này sẽ diễn ra như sau: Sáng ngủ dậy uống một lít nước lọc ấm, bỏ thìa muối. Cả ngày không ăn gì mà chỉ uống một thứ gọi là “nước pha”, gồm nước mía hòa với nước ớt xay như xay sinh tố, lọc bỏ bã, vắt thêm quả chanh.

Với khoảng 2 lít nước pha gồm nước mía+ nước ớt+chanh, tôi chia làm 5-6 cốc vại (mỗi cốc vắt một quả chanh) uống cả ngày. 

Khi nào đói, uống. Giữa buổi có thể tăng cường nước lọc. Nước muối loãng khó uống nhất, lờ lợ, cảm giác khó chịu gần giống hồi nhỏ ốm phải nuốt thuốc muối, sunfat ma-giê. 

Nước mía+ớt ngon không ngờ! Lúc đầu định 800 ml đến 1 lít nước mía/ngày nhưng sau thấy ngọt quá vả lại chuyên gia Thương Huyền bảo “ngọt quá dễ béo” nên giảm bớt. 

Ớt ngọt mới đầu chơi 7-8 lạng/ngày sau bớt còn khoảng nửa cân. Nước muối loãng mục đích làm mềm thành ruột, kích thích tháo chất thải nhanh, sát trùng. Nước mía để tăng, giữ thân nhiệt trong quá trình nhịn ăn, khỏi bị xỉu. Còn chanh+ớt: Chất xúc tác làm sạch thành ruột, đánh tan mỡ thừa và tống tạp chất kiểu rác rến khỏi người.

“Ôi từ không đến có/Xảy ra như thế nào” (thơ Xuân Diệu). Về sau này khi lão Khoa vào bệnh viện với dáng điệu tất tả để thăm người một ngày hai lần cấp cứu, tôi có đùa anh “Xét mình công ít tội nhiều, can tội xui trẻ con ăn cứt gà” song giả sử không gặp lão Khoa thời khắc ấy, có lẽ sớm muộn gì tôi cũng chọn một chương trình detox tức giải độc, thanh lọc nào đó, vấn đề chỉ là thời gian!

Giấc mơ phàm tục

Nghe nói chỉ cần qua đẹp ba ngày đầu thì những ngày sau sẽ trở nên bình thường. Tôi qua đẹp những sáu ngày!

Hằng ngày, nhắn tin báo cáo đồng bọn. Không ngờ sáu ngày chẳng ăn gì mà đi lại nhung nhăng, họp hành, yoga vô tư, không hề hấn. “Thế có giảm được hoa nào không” (hoa: một phần mười của lạng). “Có, toàn chỗ không khiến. Tình hình này chả mấy chốc không lồi mà lõm”. “Chuẩn luôn. Con Yến bạn mình đề-tốc xong, hiện trường còn mỗi hai con ốc vặn, vĩnh viễn không lên lại”. “Sao con Huyền bảo về sau ăn lại, nó lại đầy vun như cũ”...

Không chỉ nhắn tin, điện thoại mà còn ghi chép. Khoa học, cẩn trọng thế chứ lỵ! Nghĩ bụng rồi 12 ngày cũng trôi veo veo thôi. Ban ngày không thấy đói ăn khát uống gì nhưng qua ngày thứ tư thì những giấc mơ phàm tục bắt đầu xuất hiện.

Sáng, tôi dậy muộn, kể cho con gái: “Đêm qua mẹ mơ mẹ với bác Hà (bà chị Thu Hà, NSƯT) đang ở một khách sạn sang trọng lắm trong Sài Gòn, đi ngang qua một khách sạn khác còn sang trọng hơn thì nhìn thấy một dãy bàn ăn dài vô tận trang trí rất đẹp. 

Bác Hà bảo tội gì không vào mua ăn thử, chị có mang thẻ tín dụng đây. Thế là bác đứng ở cái bàn to nhất, lần lượt vần từng tảng cừu nướng, cá hồi hun khói...; cứ mỗi tảng bác lại xẻo một dẻo đưa mẹ, mẹ chỉ việc ngồi một chỗ thái hạt lựu xơi hết món này món khác, ngon kinh hoàng. Ăn mãi ăn mãi, mở mắt ra đã 8 giờ sáng!”. Con gái cười rũ: “Con thương mẹ quá! Mẹ thanh lọc nhanh nhanh để khỏi phải mơ”.

Thời gian trôi đã chậm lại còn nhè đúng vụ mỗi ngày được mời một tiệc nhỏ, ba ngày một tiệc lớn, toàn chỗ thân tình đáng dự. Chả nhẽ cứ nhận lời rồi vác theo chai nước ngồi chầu mồm.

Tôi vốn có cái thú đi chợ cóc sớm tinh mơ ven hồ Trúc Bạch bởi mọi thứ rẻ và tươi, người bán là dân ngoại thành không đanh đá như chợ Châu Long. Giờ thì chưa mò ra chợ, chỉ cần ngồi tưởng tượng đã trào dâng một tình yêu tha thiết đối với rau củ quả, tôm cua cá... 

Ngày thường đâu đến nỗi thế, nhất là vừa ăn vừa lo an toàn vệ sinh thực phẩm. Giờ, chỉ nghĩ đã xốn xang, từ món muối vừng, trứng muối ăn với gạo lứt trở đi, sao mà nó ngọt, bùi đến thế. Cá mú loại nào cũng đáng yêu (mọi khi nghĩ nát óc không biết ăn gì, chợ Hà Nội nghèo chủng cá quá). Từ chiếc bánh đa kê cho đến củ khoai củ ráy đều thuộc hàng “cao lương”, đã ngon lại tốt, đáng ăn hàng ngày... 

Tóm lại chẳng cần mỹ vị, đặc sản ghê gớm, từ rày phải dặn lòng và kêu gọi người nhà tổ chức lại chuyện uống ăn, chợ búa sao cho tối ưu, bởi ẩm thực Việt Nam là nhất thế giới!

Và cuộc gọi

Mơ mộng như thế mới được mấy hồi...

14/8 là ngày họp sơ kết thi đua, sẽ mất vài giờ nên tôi bê theo chai “nước pha” đã đồng hành với mình đến ngày thứ sáu. Tình cờ ngồi cạnh đồng nghiệp Xuân Ba, giơ ra khoe “Thấy chai nước của em hấp dẫn không”. Nó trong veo có màu đỏ tươi của ớt đỏ thẫm pha với mía màu cỏ úa, rất đẹp. 

Sáng hôm sau mở mắt ra. Trời, nhà đảo tròn, quay tít! Đồ đạc lộn ngược. Đang nằm trên giường mà tưởng ngã đến nơi, tay dang ra bấu chặt thành giường như hành khách tàu Titanic! Khoang ngực lõm xuống, hơi thở phập phồng yếu ớt.

Mắt nhắm nghiền, nằm một lúc thấy càng quay cuồng tôi bảo người nhà bấm hộ máy gọi chuyên gia Huyền “Huyền ơi sao chị chóng mặt quá, cổ không quay được, chưa bao giờ như thế”. “Thế chị dừng đi, nấu nồi cháo tiết ăn, nhớ cho gừng thái chỉ, ấm bụng”. Sau này Huyền bảo lúc ấy tưởng tôi không đủ bản lĩnh theo được chương trình nên nại cớ để uống ăn trở lại. 

Chưa bao giờ tìm hiểu căn bệnh rối loạn tiền đình nên tôi không biết chóng mặt buồn nôn đất trời lộn ngược là biểu hiện của nó. Lại thở quá yếu, nói không ra hơi, nghĩ bụng hậu quả nhịn ăn đây, giờ mới phát tác, và nghĩ mình bị hạ đường huyết nên tôi nhờ người nhà pha cho cốc nước gừng nóng với mật ong trong khi chờ cháo nhuyễn, có thể dằn bụng. 

Nhưng rồi càng lúc càng lả đi, đầu óc quay quay cơ hồ không thể trở mình chứ đừng nói ngồi dậy, thở khó, vừa thử he hé mắt thấy cửa nhà cây cối lộn tùng phèo. Cố chịu chừng hơn một giờ nữa, lần đầu tiên trong đời tôi phải bảo người nhà gọi một cuộc thế này: “Alô 115 có phải không ạ”!

(Còn nữa)