Bến trên núi Ngọa Long

TP - Ở đây là vùng núi đá, chẳng có sông nhưng có nhiều “bến”. Đó là cách gọi “chợ đầu mối” của bà con dân tộc thiểu số ở một vùng của huyện Tri Tôn, An Giang. Bến là nơi trao đổi, lưu thông hàng hóa, chủ yếu là nông sản.
Thu mua xoài của dân ở bến Ô Tà Sóc đem trên núi xuống.

Ngọa Long Sơn (núi rồng nằm) còn gọi là núi Dài, cao 554m với độ dốc trên 25 độ. “Con rồng” đá dài khoảng 8.000m, nằm dọc theo Tỉnh lộ 955B, chiếm một diện tích rộng lớn thuộc 4 xã Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc và Lê Trì của huyện Tri Tôn, An Giang. Trên núi có nhiều loại gỗ quý như căm xe, lăng ổi, bời lời, quế, gõ mật, dầu... tạo thành rừng rậm, là nơi trú ngụ của một số loài chim muông và thú rừng như nai, mang, heo rừng, trăn, rắn... Qua nhiều năm tháng bị sơn dân khai phá, núi Dài ngày nay đã vắng bóng khá nhiều chim thú, cây gỗ quý.

Trên đỉnh núi là 2 xã Lương Phi và Lê Trì, có nhiều đường mòn và suối với trên 300ha đất rải rác được nông dân biến thành vườn rẫy.  Lối vào Ô Tà Sóc là con đường nhựa nhỏ dài chừng 2,5km, mát dịu với những cánh rừng tầm vông chạy dài hai bên đường trông thật đẹp mắt. Lẫn trong màu lá tầm vông là những cây xoài, mít, đào lộn hột xanh biếc. Nơi đây ta bắt gặp cái tên “bến”. Hỏi ra mới biết “bến” là?chợ đầu mối, nơi hàng hóa và hoa quả của người Khmer từ trên núi chuyển xuống.

 Bến Ô Tà Sóc thuộc ấp Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, nằm êm đềm giữa nhiều bóng cây rậm mát, ngay con đường dẫn lên núi. Trong chiến tranh chống Mỹ, từ năm 1962 đến năm 1967, nơi đây được chọn làm căn cứ của Tỉnh ủy An Giang và cơ quan trực thuộc.

Trời đã xế chiều nhưng bến Ô Tà Sóc vẫn khá nhộn nhịp. Ông Thạch Tiều (66 tuổi) cho biết, tên gọi Ô Tà Sóc có nghĩa là suối ông Sóc. Ông có 7 công đất trên núi, trồng một số loại cây ăn trái, nhiều nhất là xoài, chuối... Khai thác đất núi thành đất vườn rẫy, ngoài việc tăng thu nhập cho người dân, còn là điều kiện để họ tham gia chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ.

Ông Tiều bảo, xoài ở đây thường thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 5 âm lịch. Nếu ai làm giỏi, có kỹ thuật thì một năm có thêm mùa thứ hai, từ tháng 10.

Trên núi ngoài xoài, chuối, mít, người ta còn trồng đậu que, đậu rồng vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch. Mưa hơi dày,?bà con lại thu hoạch măng le, măng mạnh tông. Lệ thường, đầu và cuối mùa, măng giá cao, còn giữa mùa măng mạnh tông cao cấp giá vẫn “bèo”, có năm chỉ 1.500 đồng/kg.

Dọc theo chân núi dài, ngoài bến Ô Tà Sóc còn có các bến Lương Phi, bến Bục Ông Địa...

Để thu hoạch nông sản trên núi, người dân núi Dài thường thuê mướn nhân công. Hàng trăm lao động nghèo ở các xã Lương Phi, Lê Trì, Châu Lăng và thị trấn Ba Chúc là lực lượng tham gia công việc thu hoạch và vận chuyển nông sản từ trên núi xuống.

Anh Chau Chok (30 tuổi) cho biết, để nuôi mấy đứa con nhỏ, vợ chồng anh làm nghề hái và gánh mướn hàng hóa từ trên núi xuống chợ từ khi chưa lập gia đình. Một ngày, anh phải hái khoảng 300-400kg trái cây mới nhận được 200.000 đồng tiền công. Nếu hái trên sườn núi cao, giá sẽ cao hơn, có thể 220.000 đồng/ngày. Còn gánh từ núi xuống nơi thấp nhất của núi, giá 400 – 700 đồng/kg. Nhưng lên đèo xuống dốc lắm gian nan. “Vì miếng cơm manh áo mà phải cố gắng thôi”, anh Chok bảo.

Nhưng dù được mùa hay mất mùa, năm nào khách du lịch cũng vẫn tìm đến Ô Tà Sóc thăm điện Tà Cao, nơi có nhiều truyền thuyết cổ xưa, nghỉ chân trong các quán hàng mát mẻ dưới bóng cổ thụ, thưởng thức đủ loại trái cây tươi rói từ trên núi chuyển xuống với giá thật dễ chịu.

Năm nay, sản xuất nông sản ở khu vực Ô Hồng Hoàng, Ô Tà Sóc, Vồ Đá Bạc, Thố Phi... thuộc vùng núi Dài gặp nhiều khó khăn, hàng hóa tập trung về bến Ô Tà Sóc, bến Bà Chi, bến Bục Ông Địa  rất ít, chủ yếu chỉ có chuối và xoài.