Sáng 12/4, Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 7 tại Panama kết thúc muộn hơn kế hoạch 5 tiếng. Mặc dù không đưa ra được tuyên bố chung cùng nhiều vấn đề khu vực chưa được giải quyết, nhưng hội nghị lần thứ 7 này được coi là thành công khi chứng kiến những tuyên bố tích cực hướng đến sự hòa giải giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo hai nước Mỹ và Cuba.
Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ với chủ đề: "Thịnh vượng với công bằng: Sự thách thức trong hợp tác tại châu Mỹ" đã tạo cho các nhà lãnh đạo khu vực một diễn đàn để thảo luận các vấn đề cùng quan tâm. Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thảo luận những thách thức mới nổi trong các lĩnh vực như giáo dục, năng lượng, nhập cư và an ninh.
Một vài vấn đề gây tranh cãi được đưa ra bàn thảo như quan hệ Mỹ-Venezuela, tranh chấp lãnh thổ giữa Argentina và Anh, biến đổi khí hậu, hòa bình tại Colombia… Sau các cuộc đàm phán Marathon và kéo dài muộn hơn 5 tiếng so với dự kiến, hội nghị kết thúc nhưng không đưa ra được tuyên bố chung.
Nhiều nhà lãnh đạo cho rằng, hội nghị kết thúc không có tuyên bố chung do những chia rẽ vẫn tồn tại. Tuy vậy, đối với nhiều nhà ngoại giao, hội nghị lần này có thể không thành công trong văn bản, nhưng lại được đánh giá là hội nghị của sự hòa giải giữa các quốc gia có nhiều bất đồng.
Hội nghị lần này chứng kiến sự tham dự đầu tiên của nhà lãnh đạo Cuba kể từ năm 1994. Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2012 diễn ra tại Colombia, tất cả các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh và Caribe đã nhất trí mời Cuba tham dự hội nghị thượng đỉnh nhưng đã vấp phải sự phản đối từ phía Mỹ và Canada.
Phát biểu tại hội nghị lần này, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đánh giá ý nghĩa sự tham dự của Cuba: “Đây là một hội nghị có sự tham dự của tất cả các nước tại bán cầu Tây mà không có ngoại lệ. Cách đây 3 năm, tôi đã từng khẳng định rằng sẽ là điều không chấp nhận được một hội nghị thượng đỉnh khác nếu không có sự tham dự của Cuba. Hôm nay, chúng tôi hoan nghênh sự hiện diện của Chủ tịch Cuba và con đường bắt đầu hướng đến việc tái khởi động những mối quan hệ ngoại giao”.
Sự thành công tại hội nghị lần này cũng không nằm ở những vấn đề chính đưa ra bàn thảo, mà ở các cuộc gặp bên lề. Cuộc hội đàm lịch sử của Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Obama nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, mở ra trang sử mới trong mối quan hệ phức tạp giữa hai nước hơn 50 năm qua.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng đánh dấu lần đầu tiên Tổng thống Obama tiếp xúc trực tiếp với người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro. Những căng thẳng gia tăng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Venezuela gần đây khi Mỹ gọi Venezuela là "mối đe dọa an ninh".
Mặc dù không có những chuyển biến rõ rệt như cuộc gặp Mỹ-Cuba, nhưng cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Venezuela diễn ra trong bầu không khí “tôn trọng và chân thành”. Tổng thống Obama bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc đối thoại hòa bình tại Venezuela và mong muốn nền dân chủ, sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Venezuela cũng khẳng định sẵn sàng thảo luận với sự tôn trọng và chân thành vào bất kỳ thời điểm nào. Vốn bị nhiều nước Mỹ Latinh chỉ trích can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, trong một thông điệp tại hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ tại Panama lần này, Tổng thống Obama nhấn mạnh, thời kì mà Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Mỹ Latinh đã qua.
“Chúng tôi tôn trọng sự khác biệt giữa các nước. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng các nước tham gia hội nghị cũng sẽ ủng hộ chúng ta có thể nói sự thật và thẳng thắn thay mặt những nhóm người dễ bị tổn thương, những người không có quyền và không có tiếng nói”, ông Obama cho biết.
Hội nghị thượng đỉnh các nước Châu Mỹ vốn ít được sự quan tâm của giới truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, hàng loạt các hãng truyền thông lớn, đặc biệt là truyền thông Mỹ liên tục cập nhật những diễn biến của hội nghị hai ngày qua với những bình luận tích cực, cũng được coi là thành công của hội nghị lần này.