Bảy tháng trong tay cướp biển Somalia

TP - Hai tám thuyền viên, trong đó có ba người Việt Nam, bị cướp biển Somalia hành hạ hơn bảy tháng. Toán cướp biển gầy trơ xương bắt các thuyền viên ăn cơm hẩm cùng đồ ôi thiu…
Trần Văn Trí (bìa phải) kể về hơn 7 tháng trong tay cướp biển Somalia với người thân và phóng viên Ảnh: Quang Long

> Cướp biển lai dắt tàu vào cảng Somalia
> Interpol hỗ trợ châu Phi đối phó với nạn cướp biển

Trần Văn Trí (bìa phải) kể về hơn 7 tháng trong tay cướp biển Somalia với người thân và phóng viên. Ảnh: Quang Long .

Trần Văn Trí (SN 1988, quê xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), thuyền viên tàu Tai Yuan 227 (Đài Loan, Trung Quốc), kể về hơn 7 tháng tù ngục ấy.

Không dám kháng cự

Nhà nghèo, Trí phải bỏ học năm lớp 9, theo cha đi đánh cá. Năm 2009, gia đình vay mượn được hơn 20 triệu đồng cho Trí xuất ngoại. Chàng trai miền biển trở thành thuyền viên tàu Tai Yuan 227, chuyên câu cá ngừ đại dương. Tàu thường lênh đênh trên biển hàng tháng trời mới trở về đất liền.

“Ngày 7-5-2010 là một ngày kinh hoàng”, Trí nhớ lại. Chiều hôm đó, tàu chở 28 thuyền viên thả neo tại vùng biển Ấn Độ Dương, Trí đang ngồi cuốn câu bỗng nghe máy trưởng hét: “Cướp biển!”. Tất cả những người có mặt trên tàu Tai Yuan 227 chạy lên bong, nháo nhác, hỗn loạn. Từ xa, chiếc canô cao tốc vun vút lao tới. Canô áp sát mạn tàu, gần chục tên cướp lăm lăm súng trong tay.

Thuyền trưởng người Đài Loan lệnh cho thuyền viên vào khoang tàu ẩn nấp. Sau mấy phút yên lặng, ba phát súng vang lên. Cướp biển nổ súng thị uy, quăng dây trèo lên boong. Chúng xông vào khoang tàu, xua thuyền viên lên boong và bắt đầu lục lọi, vơ vét sạch quần áo, tư trang, tiền bạc.

Bọn cướp khống chế thuỷ thủ đoàn, dùng canô áp tải về phía Somalia. Hai ngày sau, tàu Tai Yuan 227 vào sát đất liền. Cướp biển buộc các con tin ở lại trên tàu, cách bờ 300m. Nhất cử nhất động đều bị kiểm soát.

Trần Văn Trí kể với PV về hơn 7 tháng trong tay cướp biển. Ảnh: Q.L.

Ăn đồ thiu, uống băng tuyết

“Trên tàu, bọn tôi có thể thấy đất liền của Somalia, trong đó có khoảng 100 nóc nhà”, Trí kể. Ban đầu là lo sợ. Sợ bị cướp biển đánh đập, hành hạ. Sợ bị giết chết, quăng xác xuống biển. Rồi nhớ nhà, nhớ…mẹ. Trí khóc.

“Tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu hiện có 4 thuyền viên xuất khẩu lao động tại Đài Loan bị cướp biển Somalia bắt giữ, giam cầm từ tháng 12-2010.

Đó là Vũ Văn Ba, Hồ Xuân Hương (thôn Phú Liên), Trần Minh Trí (thôn Minh Thành) và Nguyễn Văn Hải (thôn Thành Công)”, ông Hồ Xuân Ngữ, bố của thuyền viên Hồ Xuân Hương, nói và cho biết gia đình mất liên lạc với con trai nhiều ngày nay.  

Cướp biển ra tay. Chúng gọi từng người lên bong, bắt cởi quần áo và thượng cẳng chân hạ cẳng tay. “Từ thuyền trưởng cho đến máy trưởng, thuyền viên, bọn cướp không chừa một ai, chúng đánh bằng báng súng, cùi chỏ. Đánh rất dã man”, Trí nhớ lại.

Trí thấp bé nhẹ cân, bị đánh nhẹ hơn. Có hôm cướp biển vừa điên cuồng đánh đập, vừa nổ súng bắn chỉ thiên. Ngoài súng AK, chúng còn được trang bị B40.

“May mà, bọn cướp biển chỉ đánh đập chứ không giết ai. Mục đích chính của chúng là cướp của, cướp tàu hàng”, Trí thở phào, nở nụ cười hiếm hoi. Sau đánh đập thuyền viên thậm tệ, lũ cướp bắt họ vào khoang lau máy, bơm dầu, dọn dẹp tàu. Hằng ngày, cướp biển cử 5 tên trang bị vũ khí túc trực trên tàu.

Hơn một tuần bị quản thúc gần bờ, tàu Tai Yuan 227 theo lệnh của bọn cướp nhổ neo chạy ra khơi. Bọn cướp để canô trên bờ và lên tàu, tiếp tục hành trình cướp bóc. Tàu chạy đến gần hải phận quốc tế, buông neo, giả đóng tàu câu cá ngừ để mai phục, đón lõng các tàu chở dầu, chở hàng chạy qua. Hai chiếc tàu câu cá, một của Iran, một của Pakistan lọt vào tầm ngắm, bị cướp biển bắt cóc.

Kịch bản bắt tàu Tai Yuan 227 nhiều lần được lặp lại: Phát hiện con mồi, bọn cướp tức tốc bám đuổi, áp sát và nổ súng uy hiếp làm tê liệt mọi sự phản kháng, nhảy lên tàu khống chế thủy thủ đoàn, lục soát, cướp bóc, dẫn về đất liền.

“Bọn cướp biển gầy nhom, da ngăm đen, thân hình đứa nào cũng tiều tuỵ, da bọc xương. Chúng nói tiếng bản địa, bọn tôi không hiểu được”, Trí mô tả. Lũ cướp là những tay lão luyện sóng gió, từng chinh chiến lâu năm trên đại dương và thông thạo mọi luồng lạch để lẩn trốn sự truy đuổi của nhà chức trách.

Khi bị bao vây, chúng sẵn sàng nổ súng vào con tin, ngăn cản cuộc giải cứu. Mấy tháng lênh đênh trên biển, hai lần tàu chở cướp biển và con tin đụng tàu hải quân nước ngoài.

“Tàu nước ngoài không dám mãnh liệt tấn công giải cứu, vì trên boong tàu Tai Yuan 227, hàng chục con tin đang bị khống chế. Họ bắn hai phát pháo và dùng súng nhỏ bắn trúng máy. Đạn pháo rơi hai quả cách tàu Tai Yuan 227 vài chục mét, nước bắn tung toé. Họ cố gắng xua đuổi tàu cướp biển vào gần bờ, không cho chúng hoành hành ngoài khơi”, Trí kể.

Bị bắt cóc, giam cầm ngay trên tàu của mình, sinh hoạt của các thuyền viên rất khổ cực. Hằng ngày, chúng mang đến cho con tin mấy nồi cơm hẩm và bắt ăn với thức ăn ôi thiu. “Gạo hẩm, mốc meo, vẫn phải nuốt để giữ sức. Thiếu thức ăn, bọn tôi phải lén xuống hầm lạnh lấy cá câu được, đem chia cho từng người”.

Giữa mênh mông đại dương, trời nắng như thiêu đốt, nguồn nước ngọt dự trữ trên tàu cạn dần. Kèm theo đói là cơn khát ập đến. Các thuyền viên lại lần xuống hầm lạnh nhặt từng cục đá, cạo lớp băng tuyết bám trên thành gỗ cho vào nồi đun lấy nước uống. Họ vừa là con tin, vừa là nô lệ phục dịch mọi hoạt động của bọn cướp. Cuộc sống khổ cực trên biển kéo dài hơn 7 tháng.

Gọi điện và về nhà

Trong những ngày bị bắt làm con tin, hai lần Trí được cướp biển cho điện thoại về nhà. Lần thứ nhất, Trí được nói chuyện với mẹ, bà Trần Thị Huê. “Con không hề bị đánh đập, ăn uống no đủ, mẹ đừng lo, con sẽ sớm trở về”, sợ mẹ đau buồn, Trí nói dối. Sau đó, anh làm quen được với một tên trong bọn cướp, được hắn cho mượn máy gọi điện về gặp bạn.

Ông Trần Xuân Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long, cho biết, toàn xã có gần 1 vạn dân, 60% bám trụ nghề chài lưới trên biển và hiện có 700 thanh niên đang lao động tại Hàn Quốc, Đài Loan. 

Ba lần ra khơi, toán cướp liên tục tấn công tàu câu, tàu chở hàng nước ngoài và bắt giữ được 13 chiếc, Trí cho biết. Ngày 20-12-2010, sau hơn 7 tháng lao động khổ sai dưới sự kiểm soát của cướp biển, 28 thuyền viên tàu Tai Yuan 227 bất ngờ được phóng thích.

Được trả tự do, tàu chạy vào bờ biển Sri Lanka đổ thêm dầu và phải đợi đến ngày 3-3-2011 các thuyền viên mới bước chân lên máy bay về nước. Cùng được trả tự do với Trí còn có Nguyễn Tiến Anh và Nguyễn Khắc Hiếu (quê Hà Tĩnh). Cty INMASCO (Hà Nội) cho người ra đón họ tại sân bay Nội Bài. Ngày 5-3, Trí bắt xe ôm ra bến xe Nước Ngầm, đón xe về Vinh. Anh về nhà tối cùng ngày.

Bà Trần Thị Huê oà khóc nức nở khi nhìn thấy con...

Theo Báo giấy