Đại gia đình đám một thời Trầm Bê trở lại thương trường
Ngày 29/5, đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của CTCP Bệnh viện đa khoa tư nhân Triều An đã bầu ông Trầm Bê (sinh năm 1959) làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027, với tỷ lệ tán thành suýt soát 99%.
Ông Trầm Bê quay lại thương trường sau khi hoàn thành thi hành 2 bản án hình sự, với tổng cộng 7 năm tù.
Trước đó, ông Trầm Bê là người sáng lập và Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Triều An. Tuy nhiên, ông Trầm Bê đã rời khỏi các vị trí lãnh đạo tại bệnh viện này sau khi vướng vòng lao lý bởi vụ án tại Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) và Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) năm 2017.
Báo cáo tài chính của Triều An từ năm 2019 đã không còn ghi nhận tên ông Trầm Bê trong danh sách HĐQT.
Vụ thâu tóm lịch sử trên thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam đã khép lại vào năm 2017. Ông Đặng Văn Thành đã ra đi khỏi ngân hàng con đẻ Sacombank và quay về với nơi ông từng khởi nghiệp.
Trong khi đó, đại gia Trầm Bê đã hợp nhất thành công 2 ngân hàng. Song, không giữ được thành quả. Ông Trầm Bê đã từ bỏ tất cả tài sản ở ngân hàng đồng thời phải chịu các trách nhiệm khác trong quá trình xử lý nợ xấu sau sáp nhập và vướng vòng lao lý.
Từ năm 2013-2016, đại gia Trầm Bê nổi bật trong giới doanh nhân Việt. Dù được mệnh danh là đại gia kín tiếng nhưng ông Trầm Bê được biết đến là người từng chi phối 2 ngân hàng, một doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất hàng đầu TP.HCM. Bên cạnh đó là một bệnh viện, một công ty vàng bạc đá quý, công ty chứng khoán… Nhà ông Trầm Bê giàu có thuộc top đầu Việt Nam.
Bộ trưởng Tài chính lý giải bức xúc về bảo hiểm nhân thọ
Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, một số đại lý bảo hiểm hoạt động với chất lượng chưa cao. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chú trọng vào đào tạo đại lý theo hướng làm sao để bán được sản phẩm. Doanh nghiệp đào tạo thiên lệch về kỹ năng bán hàng hơn là chú trọng nền kiến thức kinh tế nền, kiến thức chuyên môn bảo hiểm, cũng như đạo đức nghề nghiệp.
Mặt khác, một số doanh nghiệp bảo hiểm chú trọng nhiều hơn tới doanh thu, lợi nhuận đại lý thu về, mà lơ là việc kiểm soát, giám sát hoạt động, chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng của đại lý.
Bộ trưởng Phớc thẳng thắn nhìn nhận, có tình trạng đại lý bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn, chưa tư vấn đầy đủ, khách quan, nhất là các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Mặt khác, không ít khách hàng chưa quan tâm tìm hiểu kỹ, còn có tâm lý cả tin, cả nể khi ký hợp đồng bảo hiểm nên đã ảnh hưởng tới chất lượng phát triển chung của thị trường bảo hiểm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những bức xúc mà dư luận phản ánh trong thời gian qua, làm giảm vai trò, bản chất thực và tính nhân văn của bảo hiểm.
“Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ chấn chỉnh và xử lý thật nghiêm doanh nghiệp bảo hiểm để xảy ra sai phạm. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến sản phẩm bảo hiểm, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin”, Bộ trưởng Phớc khẳng định.
Cấp bách giảm ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu
Mới đây, Thủ tướng có công điện về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Theo công điện, những ngày qua, số lượng xe chở hàng nông sản xuất khẩu tăng đột biến tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong khi thời gian làm thủ tục thông quan kéo dài, năng lực thông quan hạn chế dễ gây ra tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu.
Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên và các bộ, ngành có liên quan chủ động tổ chức các hoạt động ngoại giao tương ứng, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của nước bạn để tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục, tăng thời gian nhiều hơn nữa cho thông quan và hiệu suất thông quan, không để tái diễn tình trạng nông sản bị ùn ứ tại cửa khẩu trong điều kiện nắng nóng dễ bị hư hỏng.
Các tỉnh có cửa khẩu tại khu vực biên giới phía Bắc chủ động theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình lưu thông; có biện pháp điều tiết, quản lý phương tiện đưa hàng lên cửa khẩu biên giới, xử lý các điểm ùn ứ nông sản xuất khẩu, hỗ trợ, giải quyết kịp thời các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa.
Giá xăng tăng vượt 22.000 đồng/lít
Liên Bộ Tài chính - Công Thương cho biết, từ 15h ngày 1/6 giá bán lẻ xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 520 đồng/lít lên 22.010 đồng/lít; xăng E5 RON 92 tăng 390 đồng/lít lên 20.498 đồng/lít.
Giá bán lẻ dầu diesel 0.05S giảm 10 đồng/lít xuống 17.940 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 200 đồng/lít, xuống 17.780 đồng/lít; dầu mazut giảm 270 đồng/kg xuống 14.890 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ tiếp tục trích lập 300 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, đồng thời trích lập 300 đồng/kg với dầu mazut. Cơ quan quản lý không chi quỹ bình ổn đối với các mặt hàng xăng dầu.
Từ đầu năm đến nay, giá các nhiên liệu đã trải qua 15 lần điều chỉnh, trong đó có 8 lần tăng, 6 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
‘Nóng’ vé máy bay du lịch hè
Khảo sát trang bán vé máy bay của các hãng hàng không cho thấy, giá vé máy bay các chặng nội địa từ TPHCM, Hà Nội đến các điểm du lịch những ngày cuối tuần, khung giờ thuận lợi không còn rẻ. Nếu khách chọn điểm đến ít hãng khai thác, giá vé máy còn cao hơn nhiều.
Cụ thể, đường bay Hà Nội/TPHCM - Tuy Hòa (Phú Yên) chỉ có 2 hãng khai thác, giá vé trong 3 tháng hè từ 2,5 triệu đồng/chiều trở lên; nếu bay ngày cuối tuần (như đi Thứ 6 về Chủ Nhật), giá vé từ 3 triệu đồng/chiều trở lên, có chuyến hết vé. Tương tự, giá vé bay hè cũng cao với các chặng từ Hà Nội/TPHCM/Cần Thơ đi Côn Đảo, Hà Nội - Cà Mau; Hà Nội/TPHCM - Đồng Hới (Quảng Bình)…
Chặng bay Hà Nội đi Phú Quốc các ngày thứ 6 của tháng 6, giá vé từ 1,4 triệu đồng/chiều trở lên, nhưng không có dịch vụ hành lý ký gửi, bay vào chiều muộn hoặc tối. Nếu bay sáng hoặc trưa, với hành lý ký gửi, khách phải mua vé giá xấp xỉ 2,5 triệu đồng/chiều trở lên. Giá vé cho chặng này vào tháng 7, 8 còn cao hơn. Nếu khách từ khu vực phía Bắc đi nghỉ hè ở Phú Quốc sẽ phải bỏ chi phí từ 3-5 triệu đồng/vé khứ hồi/người, gần tương đương dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua.
Giá gạo Việt vượt Thái Lan đứng số 1 thế giới
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 3,9 triệu tấn, tương đương 2,02 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất cùng kỳ các năm từ 2013 cho đến nay.
Không chỉ sản lượng, giá xuất khẩu bình quân của gạo Việt cao nhất trong 10 năm qua, và hiện đứng đầu thế giới.
Theo đó, giá gạo loại 5% tấm của Việt Nam ngày 1/6 giao dịch ở mức 498 USD/tấn; loại 25% tấm là 483 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan loại 5% tấm đạt 493 USD/tấn, loại 25% tấm 465 USD/tấn. Của Ấn Độ, loại 5% tấm là 453 USD/tấn, loại 25% tấm là 428 USD tấn.
Về thị trường, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á như: Indonesia, Singapore... đang tăng cường mua gạo của Việt Nam. Đặc biệt, gạo chất lượng cao chiếm phần lớn.
Tự động giãn đăng kiểm xe cá nhân
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 08/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Diện được tự động giãn chu kỳ kiểm định gồm ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải đã được cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định trước ngày 22/3/2023 và vẫn còn hạn kiểm định tính đến ngày Thông tư có hiệu lực từ ngày 3/6. Cơ quan đăng kiểm phải tự động cấp xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận, tem kiểm định cho phương tiện.
'Việc cấp giấy xác nhận gia hạn chu kỳ kiểm định cho những phương tiện nêu trên có hiệu lực đến hết ngày 22/3/2026.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, dự kiến có hơn 1,9 triệu xe ô tô đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải được lùi thời hạn kiểm định thêm 6 tháng. Việc này sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị đăng kiểm tập trung nhân lực và cơ sở vật chất để phục vụ ôtô quá hạn nhưng chưa được kiểm định; đồng thời giải quyết được ùn tắc, đảm bảo sớm đưa phương tiện vào khai thác vận tải.
Doanh nghiệp phải đi xin đi chạy, giải quyết được thì đã 'gần đất xa trời'
Chiều 31/5, phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trịnh Xuân An băn khoăn trước bức tranh toàn cảnh với đủ “gam màu sáng tối”.
Về tăng trưởng kinh tế GDP quý I là 3,32%, để đạt được mục đích 6,5% cho cả năm, ông cho rằng cần có quyết tâm và nỗ lực thật cao. Cụ thể, cần phải tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách chủ động, kịp thời; nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, phát huy tối đa nguồn lực nội tại để phát triển.
Theo ông, có tới 4 nút thắt mà doanh nghiệp đang gặp phải, đó là: Thiếu hụt đơn hàng, tắc nghẽn dòng vốn; thể chế không đầy đủ, thủ tục hành chính bủa vây và những rủi ro pháp lý.
“Nhìn vào những con số của Ủy ban Kinh tế đưa ra và những thống kê của VCCI thấy rằng doanh nghiệp đang “khát” tín dụng, nhưng không tiếp cận được vốn. Nếu có tiếp cận được thì rất khó để giải ngân do điều kiện vay về thủ tục”, ông An nói.
ĐB đoàn Đồng Nai đề nghị phải đơn giản thủ tục hành chính, thay đổi văn hóa “doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy”.
“Chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ “phụng sự doanh nghiệp”, chủ động, thực tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó. Những việc gì cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay. Cần bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, không để đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp “đã gần đất xa trời”, ĐBQH Trịnh Xuân An nói.