Ngày 6/3, trong văn bản gửi các cơ quan thông tấn báo chí, NXB Giáo dục Việt Nam khẳng định giá SGK phục vụ năm học 2019-2020 vẫn được giữ nguyên như những năm học trước.
Thế nhưng ngày 29/3, NXB Giáo dục Việt Nam có văn bản thông báo điều chỉnh giá bán SGK tăng từ 1000đ – 1800đ/cuốn.
Lý giải về sự điều chỉnh này, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết giá bán SGK hiện hành được đăng ký giá với Bộ Tài chính từ năm 2011 và không thay đổi suốt 8 năm qua. Trong khi đó, các chi phí đầu vào đều tăng đã khiến cho hoạt động xuất bản – phát hành SGK của NXB Giáo dục Việt Nam bị lỗ trong những năm gần đây.
Cụ thể, năm 2015 lỗ 53,7 tỷ đồng, 2016 lỗ 43,8 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 43,3 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 37 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 50 tỷ đồng.
NXB đã báo cáo với Bộ GD&ĐT và Bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Ngày 22/3 tại trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp các bộ ngành liên quan về điều chỉnh SGK. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Phó thủ tướng giao Bộ GD&ĐT chủ trì, làm việc với NXB Giáo dục thống nhất phương án điều chỉnh giá bán SGK.
Ngày 29/3, Ban can sự Đảng Bộ GD&ĐT họp đồng ý chủ trương thực hiện điều chỉnh giá SGK hiện hành của NXB Giáo dục Việt Nam theo hướng tính đúng, tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý...
Theo tính toán, mỗi năm, NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản, phát hành khoảng trên 100 triệu bản SGK. Với sự điều chỉnh tăng giá như trên, bình quân, NXB thu về ít nhất 108 tỷ đồng. Đó còn chưa kể, từ năm học 2019-2020, sách bổ trợ của NXB Giáo dục Việt Nam cũng tăng giá. Chỉ tính riêng cấp tiểu học, theo tìm hiểu của phóng viên, sách bổ trợ của NXB Giáo dục Việt Nam tăng từ 11% đến 46%/cuốn.
Đáng nói, nhà xuất bản giáo dục kêu lỗ 40 tỷ đồng/ năm nhưng mức chi chiết khấu cho phát hành SGK lên tới 250 tỷ đồng, tương đương với 25% doanh thu hàng năm.