Được xây dựng cách đây gần 2 năm, Panorama - Mã Pì Lèng gần như được chính quyền sở tại công nhận là một điểm du lịch của địa phương mặc dù công trình này chưa hề có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng hay giấy phép kinh doanh.
Trong buổi làm việc với Tiền Phong, ông Ma Văn Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc còn xếp công trình này là một trong 8 điểm lưu trú du lịch trên địa bàn huyện: "Ngoài những điểm lưu trú tại trung tâm huyện thì tính cả Panorama nữa chúng tôi có 8 điểm du lịch có dịch vụ lưu trú kể cả dạng Homestay".
Khi được phóng viên hỏi về tính pháp lý của công trình này, ông Trưởng luống cuống xin phép ra ngoài gọi điện xin ý kiến của chủ tịch huyện vì vị Chủ tịch này đang đi họp dưới tỉnh: "Theo ý kiến Chủ tịch thì công trình này nằm trong diện kêu gọi đầu tư của huyện, vấn đề pháp lý thì có một số chỗ chưa đúng, chúng tôi cũng đang cho rà soát lại để hoàn chỉnh hồ sơ. Chủ tịch cũng có ý xin anh em báo chí đừng thông tin nữa".
Cũng theo ông Trưởng, về phía UBND huyện Mèo Vạc tính cho đến thời điểm cuối tháng 9/2019, huyện chưa hề nhận được một ý kiến, báo cáo hay tham mưu gì từ các phòng ban của huyện về công trình này nên việc quản lý, giám sát tính pháp lý của công trình không ai để ý đến.
Khi phóng viên chất vấn về trách nhiệm của chính quyền huyện khi để xảy ra sai phạm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến cảnh quan di sản Mã Pì Lèng, ông Trưởng cho hay: "Không phải chúng tôi không biết mà trước đó, khi chủ đầu tư bắt đầu xây dựng công trình này, đã từng có đoàn của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng đoàn của BQL Công viên địa chất cao nguyên đá đi khảo sát. Họ thấy người ta xây nhưng cũng không có ý kiến gì nên chúng tôi nghĩ là được xây".
Với nhiều câu hỏi từ phía phóng viên đặt ra cho vị Phó Chủ tịch này nhưng ông Trưởng gần như không nắm được bất kỳ chi tiết nào của vụ việc với lý do vị phó phụ trách không có nhà, Chủ tịch đi vắng, Chánh văn phòng cũng không có mặt.