Bất lực với ô nhiễm tiếng ồn: Khổ hơn tra tấn

TP - Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn diễn ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, nhưng để xử phạt lại không dễ: Cần phải lập đoàn kiểm tra, mang thiết bị đến đo đạc…
Loa kẹo kéo, quán nhậu gây tiếng ồn trên nhiều tuyến đường ở TPHCMẢnh: Uyên Phương

Ô nhiễm khắp nơi

Bất kể ngày đêm, những âm thanh đinh tai nhức óc từ loa kẹo kéo, tiếng còi xe… trên nhiều tuyến đường TPHCM trở thành nỗi khiếp đảm của nhiều người dân.

Tầm 17h30 trở đi, một cửa hàng kinh doanh hải sản nằm góc đường Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Chí Thanh đặt chiếc loa thùng ngay sát đường, bật nhạc to hết cỡ để thu hút sự chú ý của khách hàng. Mỗi lần dừng đèn giao thông ngay bên cửa hàng, nhiều người lắc đầu chịu trận vì âm thanh lớn dội thẳng vào tai. “Dù chỉ đứng có hơn một phút chờ đèn nhưng lỗ tai lùng bùng, nhưng đành nhắm mắt chịu trận và lao nhanh đi vì quá sức chịu đựng”, chị Thu Hà (35 tuổi, ngụ Q.5) bức xúc.

Hơn năm qua, gia đình bà Lệ Minh (ngụ Q.1) rao bán căn nhà nằm ngay “phố Tây” Bùi Viện nhưng vẫn chưa tìm được khách. Bà muốn “đẩy lẹ” ngôi nhà ngay khu đất vàng vì không chịu nổi đủ thứ âm thanh chát chúa phát ra từ khu vực này. “Đêm, chúng tôi cần ngủ nghỉ để hôm sau còn đi làm; nhưng từ 23h trở đi, nơi này không khác gì cái chợ. Khách ăn nhậu “dô… dô…”, dàn karaoke kẹo kéo hát hò khắp con phố. Lễ tết còn kinh khủng hơn vì họ hoạt động suốt đêm. Chúng tôi đành rao bán nhà, thuê tạm một căn hộ chung cư ở ngoại thành ở tạm”, bà nói.

Từ khi đường Phạm Văn Đồng (qua quận Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức) mở rộng, thông thoáng, nơi đây trở thành “khu phố ăn nhậu”. Từ 20h trở đi, đoạn đường này càng trở nên sôi động, là điểm hẹn của nhiều thanh niên. Trước các quán bia, nhân viên tràn xuống lòng đường mời gọi, chèo kéo, bất chấp xe cộ qua lại đông đúc. Cùng với tiếng nhạc nhức óc, một số quán trang bị hệ thống ánh sáng chớp nháy thu hút người đi đường, khiến không ít người lảo đảo suýt ngã vì lóa mắt.

Còn tại nhiều tuyến phố Hà Nội, nhan nhản loa đài “phóng” ra từ các cửa hàng bên đường. Nhiều siêu thị điện máy dùng loa cỡ đại phát suốt ngày, kể cả giờ cao điểm. Hàng rong và không ít doanh nghiệp kéo loa khắp phố để rao hàng… Ngày 24/11, trên tuyến phố Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm), siêu thị Nguyễn Kim phát loa quảng cáo nhân kỷ niệm sinh nhật thứ 24 của hệ thống này với nhiều khuyến mãi lớn. Tiếng loa to phát liên tục đến mức nhân viên bảo vệ xung quanh khu vực này cho hay, ngày nào cũng phải nghe nên cảm thấy rất đau đầu và căng thẳng. “Theo tôi, họ chỉ nên quảng cáo trong không gian của siêu thị, còn phía ngoài chỉ nên căng băng rôn thôi”, một bảo vệ tại khu vực này nói.

Gây stress, nghễnh ngãng

BS Hoàng Văn Thế, phụ trách Phòng Khám bệnh nghề nghiệp Bệnh viện quận Thủ Đức, TPHCM, cho biết: Tiếng ồn tác động lên con người ở 3 khía cạnh: che lấp âm thanh cần nghe làm suy giảm phản xạ tự nhiên của con người với âm thanh; gây bệnh thính giác và hệ thần kinh, gián tiếp gây ra bệnh tim mạch; tiếp xúc với tiếng ồn cao lâu ngày dẫn tới chứng đãng trí và điếc không thể phục hồi. “Tiếp xúc kéo dài với tiếng ồn quá 80dB có thể gây điếc, đặc biệt là tần số cao 4.000HZ. Nếu sống trong môi trường có tiếng ồn quá lớn thì không chỉ gây tâm thần mà còn gây tổn thương đối với phần tai trong, dây thần kinh thính giác bị teo lại… Còn đối với cường độ tiếng ồn 50-60 dBA tác động lâu dài ở gần quán cà phê, quán nhậu… cũng rất nguy hiểm. Người bị tác động  có  thể stress, cáu giận, chóng mặt, đau đầu và có nguy cơ cao về bệnh thần kinh”, BS Thế cho biết.

“Người dân ít quan tâm tới ô nhiễm tiếng ồn và ngay cả truyền thông cũng ít đề cập dù đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng, bức xúc, nhất là với người dân các đô thị lớn. Tiếp xúc tiếng ồn trong thời gian dài có thể gây stress, ảnh hưởng xấu tới tâm lý, khiến con người hay cáu gắt, mất tập trung hoặc tăng động với trẻ nhỏ”, PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cảnh  báo. Theo ông Cảnh, tiếng ồn có thể gây tác động cấp tính với người đột ngột nghe âm thanh lớn, quá sức chịu đựng như những người ngồi trong quán bar hoặc làm việc trong công xưởng có tiếng ồn lớn. Trường hợp chịu tác động âm thanh trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng chức năng nghe. “Ngưỡng nghe của người tăng theo âm thanh nền như trong phòng làm việc, âm nền khoảng 20-30 dB, nhưng trong môi trường có tiếng ồn cao, âm thanh nền có thể lên tới đến 60-90 dB khiến ngưỡng nghe được của tai tăng dần. Lâu dài, việc này có thể phá hủy dây thần kinh của cơ quan nghe và sẽ khó hồi phục”-BS Cảnh phân tích.

Ông Cảnh nhận định, người dân hiện ít quan tâm ô nhiễm tiếng ồn. “Chúng ta đi xe máy sẽ thấy ngoài đường rất ồn ào nhưng dường như đi nhiều nên quen rồi. Thử ở trong phòng kín rồi ra đường sẽ thấy rất khó chịu. Điều trị triệu chứng do chịu đựng tiếng ồn trong thời gian dài rất khó, bởi nó gây tổn thương dây thần kinh và nếu để mạn tính sẽ không thể kỳ vọng chức năng nghe quay lại bình thường. Vì vậy, Luật Lao động cũng quy định người làm việc trong môi trường âm thanh lớn được hưởng phụ cấp, chế độ phù hợp”, ông nói.

Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, cơ sở này từng điều trị cho nhiều người chịu tổn thương vì âm thanh: “Có thanh niên trẻ nhưng bị điếc. Hỏi nguyên nhân, họ nói có vào vũ trường sau đó bị như vậy. Những trường hợp này nếu đến sớm có thể điều trị chậm nhất 1 tuần là khỏi nhưng đến muộn sẽ không phục hồi được. Có bệnh nhân tiếp xúc lâu trong môi trường tiếng ồn như làm ở nhà máy đóng tàu, xe lửa… cũng bị giảm sức nghe. Những trường hợp này dùng trợ thính nghe tốt hơn, không can thiệp được bằng thuốc. Vì vậy, mọi người nên đi khám nếu thấy sức nghe giảm hoặc có tiếng ù ù trong tai”.

Tại topic “Một lời muốn nói với hàng xóm” trên Facebook, ý kiến nhận nhiều lượt tương tác nhất có nội dung: “Đã nâng ly xin đừng nâng mic”. Nhiều ý kiến khác ủng hộ việc này, cho rằng ở cạnh nhà hàng xóm “yêu văn nghệ”, hát hoặc bật nhạc sàn bất kể ngày đêm còn khổ hơn tra tấn. Một Facebooker viết: “Chịu tiếng ồn từ nhà ra phố, ở nhà hàng xóm hát karaoke, ra đường chịu còi xe, đi ăn uống lại gặp loa kẹo kéo. Nhà nước nên tăng mức phạt…”.