Khác với người Kinh, đồng bào K’Ho không chọn ngày lành tháng tốt mà thường tổ chức cưới hỏi vào những tháng đầu năm để không ảnh hưởng đến việc đồng áng. Vào các tháng giêng - hai, khi lúa rẫy đã về kho, những vườn cà phê chín mọng được thu hái, sơn nữ K’Ho thúc giục cha mẹ sắm sanh lễ vật để đi “bắt chồng”.
Ghé thăm ngôi nhà sàn truyền thống hiếm hoi còn sót lại trong buôn K’Si (xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), buôn làng có lịch sử hàng trăm năm dưới chân núi Bidoup, ngọn núi cao nhất ở Nam Tây Nguyên, chúng tôi tình cờ chứng kiến cảnh sơn nữ Kơ Să Ka Thắm hồ hởi báo tin đã gặp Cil Ha Sắk Kly, một chàng trai giỏi giang, tuấn tú và nài nỉ mẹ tìm người mai mối sang ngỏ ý với nhà trai.
“Muốn tổ chức cưới, ngoài giấy đăng ký kết hôn phải có vòng đeo tay. Nuôi bò thì phải xỏ mũi để khỏi đi lung tung, còn con người phải có vòng để làm chứng. Nếu đôi trai gái đã trao nhau chiếc vòng với sự chứng kiến của dòng họ hai bên mà sau này tháo ra thì bị phạt một con trâu”.
Già Sa Nga
Người cậu của Ka Thắm là Ka Dưng Ha Vương và một bà mối có uy tín, giỏi ăn nói liền mang chiếc vòng cổ, bầu rượu và thuốc lá sang nhà của chàng trai. “Ai đấy? Đến nhà có việc gì?”, tiếng người đàn ông trung niên từ trong nhà vọng ra. “Tôi đi xin cái xà gạc cho cháu gái” (xin bắt chàng trai về ở rể-PV), ông Ha Vương trả lời. Sau khi mời khách vào nhà, cha của chàng trai khẽ khàng nói: “Cái xà gạc” làm ra cũng hơn 20 năm rồi nhưng chưa có ý định đem cho người khác.
Cứ ngỡ đám dạm ngõ bất thành nhưng bà mối nhanh mồm nhanh miệng nói xen vào: “Đừng chia lìa nồi đất với cơm niêu/Đừng chia lìa nồi đun với cháo”. Thấy nhà trai vẫn còn chần chừ, chưa ưng thuận, bà mối tiếp lời: “Đừng xa lánh như gà bới trấu/Đừng xa lánh như gà dẫn con trốn/Đừng xa lánh như gà ấp giấu trứng”… Sau khi bà năm lần bảy lượt kiên nhẫn thuyết phục, nhà trai mới đồng ý cho con về làm rể bên nhà gái.
Sau đó đại diện nhà gái hỏi nhà trai có yêu cầu gì về đồ cưới. “Chúng tôi nuôi con từ nhỏ, bây giờ nó lớn rồi, sang nhà vợ, làm việc cho nhà vợ, vậy thì hãy cho gia đình tôi 1 con trâu lớn hay 1 cái chiêng xưa, 1 chóe rượu cần lớn, 2 chuỗi hạt cườm, 3 cái ùi (khăn) và 1 bộ quần áo thổ cẩm…”, mẹ của Sắk Kly nói. “Gia đình cháu gái tôi cũng khó khăn nên xin ông bà bớt cho con trâu”, ông Ha Vương dè dặt đề nghị. “Không có trâu thì con heo cũng được”, mẹ của Sắk Kly chốt lại. “Chúng tôi đồng ý, xin ông bà cho thời gian để chuẩn bị”, ông Vương nói rồi cùng bà mối rời khỏi nhà trai.
Trên đường về, bà mối tâm sự cuộc dạm ngõ như vừa rồi thuộc loại nhẹ nhàng nhất. “Có những cuộc đàng gái phải dạm ngõ 3 - 4 lần mới được nhà trai chấp thuận. Họ từ chối nhiều lần không phải vì không ưng bụng với gia đình nhà gái mà là để giữ giá cho con trai mình”, ông Ha Vương nói rồi đi thẳng đến nhà em gái để báo tin mừng.
Được mời làm chủ lễ cho đám cưới này, già làng Bon Tô Sa Nga cho hay: Người K’Ho theo chế độ mẫu hệ, sơn nữ “bắt chồng”, đàn ông thường sống bên nhà vợ nên theo phong tục thì nhà trai có quyền thách cưới. Trong trường hợp nhà trai thách cưới quá cao thì nhà gái xin khất nợ và sẽ trả sau đám cưới. Có những gia đình quá nghèo nên phải nhiều năm sau mới trả đủ lễ vật thách cưới. Mặt khác, nhà gái phải lo liệu mọi chuyện từ việc tổ chức đám hỏi, lễ nhấc chân, đám cưới…
Trong lễ tiễn chú rể về nhà vợ, không thể thiếu vật thiêng là chiếc... xà gạc. Khi đoàn rước đến sân nhà gái, đại diện nhà trai cầm xà gạc tiến đến cửa buồng tân hôn dõng dạc bảo: “Họ nhà tôi đã đưa đứa con trai giỏi giang tới đây. Hãy mở cửa cho cháu rể vào!”. Phía trong cánh cửa, đại diện nhà gái đáp: “Nếu khéo léo, khỏe mạnh thì tìm cách mà vào, không ai mở giúp đâu!”. Tuy nói thế nhưng cửa không bị nêm quá chặt. Đại diện nhà trai lùi lại 3 bước, vung xà gạc chém tượng trưng liên tiếp 3 nhát rồi đẩy cho cánh cửa bật ra, cùng chú rể bước nhanh qua bậu cửa. Đây là nghi thức mở ra giai đoạn mới của cuộc sống lứa đôi, nhắc nhở hai người luôn yêu thương nhau và tuân thủ luật tục của dòng tộc. Nếu vợ chết, người chồng phải rời khỏi nhà vợ với tài sản duy nhất là chiếc xà gạc chứ không được ở lại sống cùng con.
Lễ cưới diễn ra tưng bừng trong tiếng cồng chiêng, tiếng kèn giao hòa, ngân nga; những câu hát, điệu múa giao duyên tình tứ, uyển chuyển của các sơn nữ trong men say đại ngàn, kéo dài thâu đêm suốt sáng. Đại diện gia đình hai bên trao chiếc vòng hẹn ước bằng đồng cho cô dâu chú rể.
“Muốn tổ chức cưới, ngoài giấy đăng ký kết hôn phải có vòng đeo tay. Nuôi bò thì phải xỏ mũi để khỏi đi lung tung, còn con người phải có vòng để làm chứng. Nếu đôi trai gái đã trao nhau chiếc vòng với sự chứng kiến của dòng họ hai bên mà sau này tháo ra thì bị phạt một con trâu”, già Sa Nga nói.