Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, bệnh thành tích đã được “nhận” ra từ rất sớm. Năm 2006, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phát động phong trào 2 không: “Nói không với gian lận trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Ngay sau đó, năm 2007, lần đầu tiên, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của học sinh cả nước tụt dốc không phanh xuống dưới 70%. Năm sau 2008 cũng tương tự.
“Nếu xã hội chấp nhận tỷ lệ này thì bệnh thành tích sẽ được chữa dần. Nhưng xã hội không chấp nhận chuyện có quá nhiều thí sinh trượt tốt nghiệp nên phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp thứ hai của năm để xét vớt vì phải nâng trở lại tỷ lệ tốt nghiệp”, TS Nguyễn Đức Nghĩa nhìn nhận. Nên ông cho rằng chống bệnh thành tích không dễ.
“Xã hội yêu cầu chống bệnh thành tích nhưng tỷ lệ tốt nghiệp thấp thì lại không chấp nhận. Dư luận phản ứng vì kết quả học bạ không trung thực, nên phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp để đánh giá học sinh. Nhưng tổ chức thì lại băn khoăn vì gần 100% học sinh tốt nghiệp. Sự mâu thuẫn này cho thấy cuộc chiến chống bệnh thành tích không đơn giản”, TS Nguyễn Đức Nghĩa nêu thực tế.
Năm 2020, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học “Thực trạng “bệnh thành tích” trong giáo dục hiện nay - Giải pháp ngăn chặn đi đến xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục”. Tại đây, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam đã có báo cáo đề dẫn với những số liệu khảo sát, điều tra tại 8 trường trung học thuộc 4 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Trị) cho thấy có đến 97,74% người được hỏi khẳng định “có bệnh thành tích” trong giáo dục với 72,35% cho rằng mức độ này là nghiêm trọng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, áp lực đối với tuyển sinh tại các trường chuyên hiện nay là không ít phụ huynh còn chạy theo mong muốn của bản thân, dẫn tới việc học sinh lựa chọn không phù hợp. Do đó cần kiên quyết không chạy theo thành tích, ứng thí, huân huy chương, câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật triển khai đầu tiên phải là ở các trường THPT chuyên.
Nhìn nhận một cách quyết liệt hơn, các chuyên gia cho rằng bệnh thành tích đến từ thói trọng hình thức, háo danh, có xu hướng trở thành tệ nạn xã hội và bệnh này trong giáo dục là một quốc nạn. Bản chất của nó chính là không coi trọng “việc thực học” mà chỉ chạy theo điểm số và thành tích ảo.
Nói cách khác, đó chính là sự tự huyễn hoặc, đề cao và phóng đại một kết quả nào đó; nặng hơn chính là sự thiếu trung thực, gian dối trong thi cử, không khách quan trong đánh giá việc dạy và học vì những mục tiêu vụ lợi nào đó. Cũng vì bệnh thành tích, vì áp lực điểm số, vì học chỉ để thi mà vấn nạn dạy thêm - học thêm ngày càng lan rộng.
Bằng cấp phải phản ánh đúng thực lực của người học
Đầu tháng 5/2021, khi làm việc với Bộ GD&ĐT, trong nhiều ý kiến chỉ đạo, định hướng cho giáo dục, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh mong muốn ngành giáo dục cần phải “Học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Nhà giáo Đinh Đức Hiền của hệ thống giáo dục Học Mãi cho rằng sự trung thực đến từ việc dám nhìn thẳng sự thật và dám chịu trách nhiệm. Thầy Hiền thông tin vụ việc liên quan đến sai phạm của đề thi môn Sinh kì thi TN THPT 2021 đã được tố giác nhiều lần trong suốt một năm trời, các hội đồng thẩm định nhanh chóng đã được thành lập và xác minh đưa ra kết luận, khẳng định về sự bất thường, nhưng câu trả lời xã hội nhận được là sự im lặng trong suốt thời gian dài từ cơ quan chủ quản.
Vụ việc nghiêm trọng, rất cần sự thận trọng trong khâu xác minh, tuy nhiên sự im lặng quá lâu khiến nhân dân đặt ra câu hỏi về sự trung thực, khiến niềm tin của xã hội bị lung lay. Vụ việc môn Sinh được khởi tố đưa ra ánh sáng đã thể hiện cho việc ngành giáo dục cùng các cơ quan chức năng dám nhìn thẳng vào sự thật còn tồn tại để sửa chữa và khắc phục. Sai sót là điều khó tránh, nhưng khi những người làm giáo dục dám chịu trách nhiệm thì chắc chắn niềm tin của người dân sẽ ngày càng lớn hơn.
Theo thầy Hiền, trung thực trước hết đến từ lương tâm mỗi người thầy, người cô, người làm giáo dục. Tư duy điểm số, bệnh thành tích lâu nay ăn sâu vào suy nghĩ nhiều người làm giáo dục. Thước đo sự thành công, giá trị của học trò đã bị đơn giản hóa thành những con số. Xã hội “chạy” theo chỉ tiêu và những con số vô tri mà quên đi những giá trị con người khác.
“Giáo dục là cốt lõi, những người làm giáo dục không ai khác là những người đi đầu trong thay đổi tư duy, nhận thức của xã hội mà nhiệm vụ đầu tiên là thay đổi góc nhìn của xã hội về thành tích. Những điều này trước hết là từ lương tâm của mỗi cá nhân”, nhà giáo Đinh Đức Hiền nói.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ học thật, hay thực học, xét về phương diện nội dung, là nền giáo dục dạy người ta tri thức, kĩ năng, phẩm chất, đạo đức, tạo ra năng lực thực, tức những gì mà người học có thể dùng nó cho công việc, cho mưu sinh, cho đời, cho đất nước.
“Do đó để học thật trước hết là bỏ thói học vẹt, học thuộc, học nhồi nhét kiến thức, học cốt để thi, học theo bài mẫu, học không cần đào sâu suy nghĩ, không đi vào bản chất, học không gắn với thực tiễn. Học thật là kiểm tra đánh giá đúng, cho điểm tương đương với năng lực, không “ngồi nhầm lớp”, luận án không chất lượng thì không cho qua... Cần tránh quan điểm coi trường chuyên là để có học sinh giỏi, có các giải thưởng, các huân huy chương… mà cần có quan điểm đúng về đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và lấy đó làm trọng tâm trong phát triển”, Bộ trưởng lưu ý.