Hội nghị có sự tham dự của Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, ông Nguyễn Như Tùng, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cùng sự tham dự của các chuyên gia, diễn giả đến từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live and Learn Việt Nam) và gần 150 đại biểu là giáo viên, học sinh trên địa bàn quận Ba Đình.
Tại Hội nghị, các thầy cô và các em học sinh sẽ được chuyên gia chia sẻ nhiều thông tin hữu ích như hiện trạng và chính sách quản lý rác thải sinh hoạt, kinh nghiệm và giải pháp giảm rác từ quốc tế tới Việt Nam, lộ trình phân loại rác tại nguồn của thành phố Hà Nội.
Các thầy cô và các em học sinh cũng được thực hành phân loại rác tại nguồn theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhiều trò chơi thú vị, bổ ích như game rung chuông vàng, trò chơi đi tìm sứ giả xanh xen lẫn các bài giảng, giúp các nội dung được trình bày dễ hiểu, sinh động.
Ban tổ chức kỳ vọng Hội nghị sẽ giúp các thầy cô và học sinh được trang bị kỹ năng phân loại rác tại nguồn, từ đó chia sẻ, lan toả hành động hữu ích này trong nhà trường, gia đình và cộng đồng dân cư, góp sức chung vào lộ trình triển khai phân loại rác tại nguồn của thành phố Hà Nội, góp phần bảo vệ môi trường và cảnh quan của Thủ đô.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, từ ngày 1/1/2025, các địa phương trên cả nước phải thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật thực hiện phân loại rác tại nguồn. Theo đó rác thải sinh hoạt được chia làm 3 nhóm gồm chất thải hữu cơ, chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng và chất thải rắn sinh hoạt còn lại. Trong nhóm chất thải rắn sinh hoạt còn lại, cơ quan chức năng lưu ý phân loại riêng chất thải rắn nguy hại và chất thải cồng kềnh
Dựa trên hướng dẫn kỹ thuật thực hiện phân loại rác tại nguồn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương quy định cụ thể về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia cũng như nguồn lực tài chính của địa phương.
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu, qua đó giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường.