Chiều 8/10, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp ứng phó với cơn bão số 7.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn quốc gia, vào hồi 16 giờ ngày 8/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, bão số 7 có thể mạnh nhất đạt cấp 9 trên biển và trên Vịnh Bắc Bộ. Khoảng chiều tối nay đến đêm mai (9/10), bão sẽ đi vào Vịnh Bắc bộ. Dự báo, bão số 7 có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đi vào đất liền đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ.
Theo ông Lâm, do ảnh hưởng của bão số 7, từ ngày 9 - 12/10, ở Bắc bộ và phía Bắc của Trung bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to. Cụ thể ở phía Đông Bắc bộ tổng lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 300mm.
Phía Tây Bắc bộ có mưa to với tổng lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 150-350mm, có nơi trên 350mm.
“Theo kịch bản mưa lũ của Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn quốc gia, có 7 tỉnh Bắc Bộ với khoảng 32 huyện tại các tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình được dự báo có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất”, ông Lâm cho hay.
Nhiều hồ chứa đầy nước
Theo Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, hiện các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã sẵn sàng phương án sơ tán dân trong tình huống dịch COVID-19. Dự kiến phương án sẵn sàng sơ tán 70.440 hộ/260.722 người dân khu vực ven biển.
Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, bão số 7 đổ bộ lúc triều cường, mực nước dâng và sóng cao. Do đó, các địa phương cần kiểm tra ngay hệ thống đê kè biển trong đó có một số đê biển xung yếu chưa có điều kiện nâng cấp an toàn tại các tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ông Hoài yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát lại các tàu thuyền, đôn đốc đến từng tàu về nơi tránh trú an toàn. Những khu vực huyện đảo cần đảm bảo an toàn cho việc đi lại, neo đậu của tàu thuyền. Về trường hợp di dời dân, các địa phương hạn chế di dời số lượng lớn và trong trường hợp chưa thực sự cần thiết.
Theo ông Hoài, hiện nhiều hồ đã đầy nước. Chẳng hạn, như Thanh Hóa chỉ trong vòng 1 tuần đã tăng từ 272 lên 370 hồ đầy nước. Ở Nghệ An có 1.061 hồ, đập lớn nhỏ; hiện đã có 1.031 hồ đầy nước. Ngoài ra, còn có nhiều hồ xung yếu, trong khi theo dự báo những ngày sắp tới sẽ có một lượng mưa rất lớn.
Trước tình hình trên, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương cắt cử lực lượng thường trực tại các hồ chứa để khi xả lũ hoặc có điều chỉnh, phải báo ngay với chính quyền và người dân được biết để có biện pháp ứng phó, tránh xả lũ bất ngờ.
“Chỉ cần hồ chứa 500 nghìn m3 nước khi xảy ra sự cố, có thể gây ra lũ quét cho một vài xã, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Trước đây, các địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…đã xảy ra tình trạng này nên giờ cần tránh xả lũ bất ngờ gây ngập úng, lũ quét cho vùng hạ du”, ông Hoài cho hay.