1 giờ 15 phút ngày 15/10, tại TP.Đà Nẵng, gió càng lúc càng rít mạnh. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ tăng sức gió, bão Nari khiến hàng loạt cây cối, một số nhà bị tốc mái. Theo nhận định, gió mạnh dần lên cấp 8-9 và tiếp tục gia tăng. Gió đánh mạnh vào mái tôn, bảng hiệu, mạn nhà cao tầng tạo tiếng rít dài, khiến nhiều người dân Đà Nẵng không thể chợp mắt.
Tại Sở chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 11 (UBND TP.Đà Nẵng), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát vẫn túc trực để cập nhật tình hình. Bí thư thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ yêu cầu chủ tịch UBND quận huyện túc trực 24/24 giờ để chủ động ứng phó với bão.
0 giờ 45 phút, trao đổi qua điện thoại với Tiền Phong, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng, Phó BCH PCLB&TKCN TP.Đà Nẵng, cho biết: đang tiếp nhận thông tin về một số nhà ở Liên Chiểu- vùng tâm bão đổ bộ bị tốc mái. Số cây đổ mỗi lúc một nhiều.
Trước đó, 23 giờ ngày 14/10, toàn thành phố Đà Nẵng mất điện trên diện rộng sau khi một số nơi mất cục bộ và tình trạng lúc mở, lúc cắt điện. Toàn thành phố chìm trong bóng tối, chỉ lác đác một số nhà cao tầng, khách sạn giăng điện nhờ hệ thống máy phát.
22 giờ 45 phút, tại cầu Sông Hàn (TP.Đà Nẵng), một dây văng bị giãn, lắc lư mạnh theo gió. Mé cầu bên phía cầu Rồng, một mảng tôn lớn ốp thành cầu bị văng ra ngoài. Gió giật mạnh, phương tiện lưu thông qua cầu rất hạn chế. Cầu Sông Hàn, Thuận Phước và nhiều tuyến phố chính bị cắt điện.
Tại âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng),gió lớn khiến các tàu neo đậu bị xô dồn, nghiêng ngả. Theo các ngư dân, nếu gió tiếp tục gia tăng, sẽ khiến nhiều tàu bị xô vỗ, đánh chìm.
Trước đó, tại cuộc họp khẩn ngành chức năng tại Sở chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 1, lúc 21 giờ tối 14/10, Bộ trưởng Cao Đức Phát tiếp tục yêu cầu lực lượng tăng cường, chủ động ứng phó, kịp thời cập nhật diễn biến cơn bão.
Ông Lê Thanh Hải - phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cho hay, đến 21 giờ 14/10, vị trí bão còn cách Quảng Trị - Quảng Nam hơn 150km. Dự báo từ nửa đêm nay đến 4, 5 giờ sáng 15/10, bão Nari đổ bộ, với tâm bão nằm giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng.
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, bão đang giảm tốc nhưng cường độ vẫn giữ mức cao. Thay vì vào sớm như dự báo ban đầu (từ 2 giờ sáng), bão số 11 sẽ đổ bộ 2 đợt, đợt 1 rìa ngoài cơn bão và đợt tâm bão vào khoảng 5-6 giờ sáng 15/10.
“Bão càn quét khá lâu nên mức độ thiệt hại chắc chắn sẽ gia tăng từng giờ”, ông Thắng nhận định. Mực nước trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam từ đêm nay sẽ lên nhanh, có nơi đạt trên mức báo động 3.
21 giờ, tổng hợp từ Sở chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 11, các tỉnh thành phố từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đã sơ tán 33.800 hộ với 122.000 nhân khẩu đến nơi an toàn. Trong đó, TP Đà Nẵng sơ tán 45.000 người, Quảng Nam sơ tán 27.000 nhân khẩu và Thừa Thiên Huế sơ tán 26.000 nhân khẩu. Nhiều địa phương tích cực sơ tán dân trong đêm, trước giờ bão đổ bộ.
Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu chính quyền TP Đà Nẵng cố gắng đưa hết số sinh viên, công nhân vào nhà kiên cố đảm bảo an toàn, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, đề phòng một số điểm bị ngập, giữ vững liên lạc để nắm bắt kịp thời với cơ sở