Bao giờ khắc phục xong sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió?

TP - Ngày 14/4, ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh, cho biết, đơn vị này đã huy động hơn 200 công nhân cùng máy móc nỗ lực giải phóng lượng đất đá bên trong hầm Bãi Gió.

Đợt sạt lở hầm Bãi Gió (thuộc đoạn đường sắt Bắc - Nam đi qua đèo Cả, giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa) đầu tiên vào trưa 12/4 có khoảng 180m3 đất đá rơi xuống hầm. Đợt sạt lở thứ 2 vào sáng 13/4 có khoảng 50m3 đất đá rơi xuống hầm và lượng đất đá này cơ bản đã được công nhân thu dọn.

Tuy nhiên, đường hầm lại sạt lở đợt thứ 3 vào tối 13/4, kéo theo một khối lượng đất đá lấp kín vị trí sạt lở mà công nhân mới dọn. Đặc biệt, các đơn vị chức năng phát hiện thêm một lỗ rộng khoảng 40cm phía trên đỉnh hầm.

Công nhân ngành đường sắt đang nỗ lực khắc phục sự cố sập hầm Bãi Gió. Ảnh: L.H

Các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân ban đầu việc sạt lở hầm Bãi Gió là lớp kết cấu, địa chất ở hầm bị tác động nên đất đá sạt lở và để lại khoảng trống lớn. “Hiện một số điểm phải chờ các kỹ sư lập phương án sửa chữa do trần hầm yếu. Do trần yếu nên phải có các kỹ sư chuyên ngành, có kinh nghiệm lên phương án sửa chữa rồi mới thi công”, ông Vinh nói.

Sáng 14/4, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu, chuyên gia địa chất, tổ chức họp khảo sát đánh giá, thống nhất phương án khắc phục sự cố. Phía Nam hầm Bãi Gió tiếp tục được gia cố khung sắt, phun bê tông trong hầm. Đồng thời, thống nhất phương án xác định đo tọa độ để khoan đỉnh hầm (từ trên núi xuống hầm đường sắt) phía Bắc Bãi Gió để phun bê tông.

“Sau khi phun bê tông các đơn vị sẽ chờ đông cứng và tiếp tục khoan gia cố để đưa khung sắt vào trong đường hầm đoạn bị sạt lở. Ngành đường sắt phấn đấu ngày 16/4 sẽ hoàn thành, thông hầm tạm thời”, ông Vinh nói.