Bão bất thường tấn công miền Trung: Nghệ An, Hà Tĩnh cấm biển

TP - Công tác phòng tránh, đối phó bão Talas được chính quyền hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh khẩn trương triển khai, hàng nghìn hộ dân ven biển được di dời đến nơi an toàn. Lệnh cấm biển được thực hiện trong ngày 16/7.
Ngư dân neo đậu tàu thuyền tại âu thuyền huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Công Tường.

Tại Nghệ An, toàn bộ tàu thuyền thuộc các huyện/thị đã nhận được lệnh cấm biển và chủ động tìm nơi tránh bão.  Vùng ven biển được xác định là nơi bão số 2 đổ bộ đã triển khai nhiều phương án, tập trung các nguồn lực để phòng chống. Tại huyện Diễn Châu, có 726/728 tàu thuyền của ngư dân Diễn Bích và Diễn Ngọc đã cập cảng Lạch Vạn và neo đậu tại các khu tránh trú bão, được chằng chéo cẩn thận. Gần 800 bè mảng cũng đã được đưa lên bờ.

Ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An cho biết, toàn tỉnh có 3.912 phương tiện/18.523 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản; tính đến chiều tối ngày 16/7 có 386 phương tiện với 2.601 lao động đang hoạt động tại vùng ven biển Nghệ An; 132 phương tiện với 1.614 lao động đang hoạt động ở ngoại tỉnh và vùng đánh cá chung; 3.394 phương tiện neo đậu tại bến. Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng đi của bão số 2. Cùng với việc không cho tàu thuyền ra khơi từ ngày 16/7, Nghệ An cũng đã triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho nông nghiệp, các công trình thuỷ lợi, giao thông trọng điểm khi có bão lớn, lũ ống lũ quét.

Chiều và đêm 16/7, huyện Nghi Xuân di dời hàng nghìn hộ dân tránh bão số 2.

Di dời hàng nghìn hộ dân

Theo báo cáo của Tiểu ban An toàn nghề cá tỉnh Hà Tĩnh, cho đến thời điểm này, hơn 6.000 tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã nhận được thông tin liên lạc và vào nơi neo đậu tránh bão số 2.

Chiều 16/7, những trận mưa xối xả tiếp tục dội xuống địa bàn Hà Tĩnh. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, ngay trong sáng qua, tỉnh Hà Tĩnh có công điện khẩn chỉ đạo các sở ban ngành vào cuộc để phòng chống cơn bão số 2. Trong cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn chỉ đạo hủy tất cả các cuộc họp để tập trung chống bão. “Tính mạng con người là quan trọng hàng đầu trong phòng chống bão lụt. Các địa phương cần rà soát lại vùng xung yếu để chủ động sơ tán dân, có giải pháp bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản gắn với neo đậu tàu thuyền một cách an toàn, chủ động”, ông Lê Đình Sơn nói.

Tỉnh Hà Tĩnh có 67 xã nằm ở khu vực trọng điểm ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp. Theo báo cáo của Tiểu ban An toàn nghề cá tỉnh Hà Tĩnh, cho đến thời điểm này, hơn 6.000 tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã nhận được thông tin liên lạc và vào nơi neo đậu tránh bão số 2.

Trưa 16/7, PV Tiền Phong thị sát tại nhiều xã ven biển huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Cẩm Xuyên. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, trú tại xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, hiện ngư dân đã đưa tàu thuyền vào bến trú ẩn an toàn. “Theo nhận định, bão vào Hà Tĩnh gió giật cấp 7 đến cấp 8 nên người dân không lo lắng nhiều về cơn bão”, ông Hùng nói. Theo quan sát của PV Tiền Phong, tại Khu du lịch Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), các quán hàng vẫn hoạt động kinh doanh bình thường. Mặc trời mưa to, nhiều đoàn khách du lịch vẫn về đây ăn uống và vui chơi.

Trước khi cơn bão về, người dân các xã vùng biển thường đưa lưới, dây để chằng, néo nhà cửa. Tuy nhiên trước cơn bão số 2, người dân tỏ ra chủ quan. “Chưa năm nào có bão vào mùa hạ nên sẽ không vào đâu. Chắc gió giật cấp 7 đến cấp 8 nên chúng tôi không chằng chéo nhà cửa, quán hàng vẫn giữ nguyên để buôn bán”, một chủ nhà hàng cho biết.

Chiều qua, tỉnh Hà Tĩnh lên phương án sơ tán dân khu vực trọng điểm vùng ven biển, cửa sông đến nơi an toàn với 4 kịch bản. Cụ thể: Khi có bão cấp 8 - cấp 9, sẽ sơ tán 1.587 hộ dân với 16.459 người thuộc 8 địa phương, đơn vị; khi có bão cấp 10 - cấp 11 sẽ sơ tán 4.132 hộ dân với 23.261 người; khi có bão cấp 12 - cấp 13 sẽ sơ tán 10.928 hộ dân với 47.400 người; khi có bão từ cấp 14 trở lên (bão mạnh, siêu bão) sẽ sơ tán 26.198 hộ dân với 103.440 người...

Chiều và tối qua, trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam cho biết, do đặc thù địa hình ven sông và nằm ở các khu vực cửa sông, cửa lạch nên ngay trong chiều 16/7, UBND huyện chỉ đạo các xã Xuân Hội, Xuân Giang, Xuân Lam, Cương Gián lên phương án sơ tán khẩn cấp người dân đến nơi an toàn trước 8 giờ tối. “Huyện đã di dời khoảng 1.000 người đến nơi an toàn. UBND huyện chỉ đạo các đoàn viên thanh niên, cơ sở y tế lo thức ăn, nước uống và thuốc men cho người dân sơ tán”, ông Nguyễn Hải Nam nói.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, ở Hoành Sơn, Kỳ Anh và đảo Hòn Ngư đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8; ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 50 -150mm, một số nơi có mưa rất to như Hoành Sơn (Hà Tĩnh) 247mm, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 180mm. Đêm hôm qua, bão số 2 đổ bộ vào Nghệ An- Hà Tĩnh với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 11-12.