Bản Sen tan hoang trong trận lũ lụt lịch sử

TP - Những tảng đá hộc nặng tới sáu bảy tấn đổ xuống, chất cao hàng mét, quây bốn xung quanh nhà. Con đường tới Bản Sen (xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) bị băm nát nham nhở, đường biến thành suối thác cuồn cuộn chảy. Vài chục ngôi nhà trong bản ngập chìm trong biển nước. Người dân tản cư tạm bợ sống qua ngày…
Ảnh 1: Ông Phạm Văn Thành chỉ tay về ngôi nhà của mình ở Bản Sen bị chìm trong dòng lũ. Ảnh 2: Đảo Cát Hải (Hải Phòng) mênh mông nước; Ảnh: 3: Những ngôi nhà ở Mông Dương ngập bùn tận mái nhà. Ảnh: Như Ý/Đỗ Hoàng.

Đó là những hình ảnh tang thương tại xã Bản Sen – một trong số ít nơi đang bị cô lập nhiều ngày sau trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Ninh.

Thò đầu ra đá đè chết ngay

Chiều 30/7,  chúng tôi may mắn mới được tạo điều kiện đi cùng đoàn, tiếp tế lương thực cho bà con đang bị cô lập ngoài đảo. Cả xã Bản Sen hiện đang có khoảng 300  hộ đang sinh sống. Từ trung tâm xã vào Bản Sen hơn 7 cây số đường rừng. Sau trận mưa lớn, con đường độc đạo đã bị chia cắt nham nhở, muốn vào bản buộc phải đội mưa đi bộ. Dưới vệ đường nơi hướng ra bờ biển, một vài căn lều lụp xụp còn đó khiến ai cũng lắc đầu ngao ngán, không hiểu sao nó vẫn đứng vững được sau trận mưa lũ kinh hoàng ấy. Con đường bê tông dẫn vào bản đã bị những tảng đá hộc gặm nham nhở, nhiều đoạn chia cắt thành những con suối cuồn cuộn chảy.

Nhà ông Lê Hồng Phương, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Bản Sen vừa được xây dựng khá chắc chắn. Nhưng khu nhà tạm của gia đình ông đã bị đá san bằng tất cả. Đá từ đỉnh núi đổ xuống vây bốn xung quanh nhà ông Phương cao tận hai mét. Bà Trần Thị Duyến, vợ ông Phương cùng mấy người con bần thần sợ hãi nhìn những tảng đá hai người ôm không xuể vây bốn xung quanh nhà.

“Chưa bao giờ trời mưa to như vậy, nước cứ rầm rầm đổ từ trên núi xuống. Thấy những tiếng ầm ầm đập vào nhà như tiếng sấm, mở cửa ra tôi giật mình thảng thốt khi thấy những tảng đá lớn lao xuống. Chúng tôi phải đóng kín cửa ở trong nhà, vì ra ngoài sẽ bị đá đè chết ngay. Chúng tôi thật may mắn vì ngôi nhà vẫn trụ vững, vợ chồng, con cái trong gia đình không ai bị sao cả”, ông Phương lắc đầu ngao ngán.

Cách đó không xa, gia đình bà Vũ Thị Chanh cũng bị tàn phá nặng nề. Mưa lớn kèm theo đất đá đánh sập hoàn toàn khu bếp, công trình phụ nhà bà. “Đá từ trên núi dội xuống chỉ khoảng mười phút thôi nhưng kinh khủng lắm. Nghe thấy tiếng rầm rầm bên ngoài, tôi mở cửa ra xem chuyện gì thì nước ào vào nhà. Đá lăn từ trên xuống đập vào chân, cũng may tôi bám được tay vào cánh cửa, nếu không đã bị nước cuốn đi rồi”, bà Chanh sợ hãi kể lại.

Chỉ sau một đêm mưa, con đường phía trước nhà của gia đình ông Hoàng Văn Chanh đã bị biến thành dòng suối đá. Cứ mỗi lần nước ngập, vợ chồng ông lại phải di tản lên khu núi cao trú ngụ, nước rút lại dắt díu nhau trở về: “Có ngày vợ chồng tôi phải di tản tới sáu lần. Nước ngập nhà lại đi, nước rút lại về. Nhà có gia súc, đồ đạc, chúng tôi không thể vứt đấy mà đi được. Điện không có, mấy hôm nay vợ chồng tôi chỉ toàn ăn mỳ tôm, cồn cào ruột lắm nhưng chẳng biết làm sao được. Chỉ mong trời dứt mưa để chúng tôi sớm ổn định cuộc sống”, ông Chanh cho biết.

Đường lên Bản Sen rất khó đi. Thỉnh thoảng lại có người hét lên vì bị trượt chân ở khe suối. Có nhiều đoạn, người trong đoàn phải dắt tay nhau di chuyển từng bước một. “Sắp tới rồi. Qua dốc núi này là tới Bản Sen thôi. Cố lên các đồng chí”, một cán bộ phụ nữ thều thào động viên sau khi đoàn cuốc bộ hơn hai giờ đồng hồ.

Ông Phạm Văn Thành, 68 tuổi, Trưởng thôn Bản Sen cho biết: cả 27 hộ dân ở thôn đều mất trắng về nhà cửa. Ảnh: Như Ý.

“Muốn ở lại lắm nhưng phải đi thôi”

Bản Sen nằm lọt thỏm dưới chân núi. Sau trận mưa kinh hoàng vừa qua, toàn bộ 27 căn nhà trong bản đã bị chìm trong biển nước. Toàn bộ 75 người của 27 hộ đã phải dời bản, di tản về phía bản làng bên cạnh ở trên núi. Tiếc của, nhiều người trong bản định dùng phao, bơi ra vớt đồ đạc đang nổi lềnh bềnh. Thấy nguy hiểm, ông Phạm Văn Thành (68 tuổi), trưởng thôn Bản Sen phải đứng canh, không cho ai bơi ra đó. Sống ở bản từ khi sinh ra, nhưng đây là lần đầu tiên ông Thành và các hộ dân ở đây phải chứng kiến cảnh tượng tang thương này.

“Chưa bao giờ trời mưa to như vậy, nước cứ rầm rầm đổ từ trên núi xuống. Thấy những tiếng ầm ầm đập vào nhà như tiếng sấm, mở cửa ra tôi giật mình thảng thốt khi thấy những tảng đá lớn lao xuống. Chúng tôi phải đóng kín cửa ở trong nhà, vì ra ngoài sẽ bị đá đè chết ngay”.

Ông Lê Hồng Phương  

“Năm 2013 có trận mưa lớn nhất làm ngập cao khoảng 1,5 mét. Nhưng trận mưa này, nước dâng cao tới 15 mét. Toàn bộ các hộ dân trong bản tập trung ở nhà tôi. Nước dâng rất nhanh, chúng tôi phải bạt rừng, di tản lên núi cao. Toàn bộ 27 ngôi nhà nhanh chóng bị ngập sâu trong biển nước. Sống ở đây từ nhỏ, chưa bao giờ tôi thấy trận mưa nào lớn như vậy”, ông Thành chia sẻ.

Nơi di tản của 75 nhân khẩu thôn Bản Sen là thôn Đồng Gianh cạnh đó. Chỉ ngôi nhà nhỏ hẹp của bà trưởng thôn Phạm Thị Lý đã có tới bảy gia đình ở Bản Sen đến tạm cư. Bốn xung quanh nhà toàn đồ đạc lỉnh kỉnh. Không có điện, người dân phải soi đèn nấu nướng cho bữa ăn chiều. “Không có giường, buổi tối chúng tôi phải trải chiếu xuống đất ngủ tạm. Nhưng màn không có, muỗi đốt cả đêm chẳng ngủ được”, bà Phạm Thị Én ngao ngán.

Sống trong bản nhiều năm, người dân trong vùng chẳng muốn đi đâu, chỉ mong được sinh sống tại bản. Nhưng trước thảm họa thiên tai ập xuống, mọi thứ lại trở về con số không, nên người dân ở đây mong muốn đi định cư ở nơi khác cho ổn định cuộc sống. “Chăm chỉ làm bao nhiêu đi nữa, nhưng chỉ cần một trận lũ là mất sạch. Chúng tôi chẳng muốn rời bản đâu, muốn ở lại lắm, nhưng cứ thế này thì phải đi thôi”, ông Thành bày tỏ.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Lê Hồng Phương cho biết, xã có ba thôn làm nông nghiệp, trận mưa lớn vừa qua đã làm thiệt hại hơn 45 ha cây trồng, hơn 800 bè hải sản của người dân và hàng nghìn bè của doanh nghiệp bị mất trắng. Từ khi xảy ra ngập lụt, huyện Vân Đồn đã ba lần đưa lương thực hỗ trợ bà con.

Liên quan đến việc định cư lâu dài của người dân, chính quyền huyện Vân Đồn và xã Bản Sen cho biết, tới đây sẽ lắng nghe nguyện vọng của người dân, nếu muốn ở lại bản sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân sớm ổn định cuộc sống. Ngược lại, nếu người dân mong muốn di chuyển tới chỗ ở khác sẽ được bố trí đến ở vùng đất vừa được khai hoang trong xã. Song chính quyền xã cho biết, việc định cư của người dân không đơn giản, vì ở vùng này nơi nào cũng khó khăn. Tuy nhiên, việc đảm bảo cuộc sống sinh hoạt cho người dân Bản Sen lúc này được coi là nhiệm vụ quan trọng hơn tất cả.