Bản năng sinh tồn

TP - Làn sóng Covid -19 lần thứ 4 ập đến khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) như “ngồi trên đống lửa”. Dịch đã đặt sản xuất trong tình trạng báo động cao nhất đối với DN nằm trong khu công nghiệp. Lo lắng lớn nhất với họ là nếu bị phong tỏa nhà máy, sẽ “vỡ” hết tiến độ giao hàng, dẫn đến bị cắt đứt vĩnh viễn hợp đồng vì mất chữ tín.

Những tác động tiêu cực của đợt cao điểm bùng phát dịch này với nền kinh tế và đời sống dân doanh tiếp tục được phản ánh qua những con số về tỉ lệ người thất nghiệp và tỉ lệ DN ngừng hoạt động.

Thống kê mới đây nhất cho thấy: 5 tháng đầu năm cả nước có tới có 59,8 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 12 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Theo lời một chuyên gia, sau một năm chịu tác động của dịch Covid-19, tình hình của DN và người lao động hiện rất khác so với năm 2020. Rất nhiều DN đã không thể trụ được, phải cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa hoặc chuyển sang ngành nghề khác.

Về phía người lao động cũng không thể ngồi nhà nhận tiền hỗ trợ và chờ quay trở lại công việc vì diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp và kéo dài, buộc họ phải tìm kiếm việc làm mới tạm thời.

Dịch Covid-19 một năm qua đã khiến cộng đồng DN mệt mỏi, ngày càng đuối sức nhất là khối DN nhỏ và vừa; thậm chí với khối DN startup (khởi nghiệp) rất nhiều rơi vào trạng thái khai sinh chưa đầy năm đã chuyển sang khai tử.

Theo đánh giá của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, rất nhiều DN hiện nay bị mất cân đối dòng tiền. Tình trạng này bắt đầu nảy sinh từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và ngày càng trầm trọng.

DN cần gì và mong gì từ Chính phủ? Khó khăn tài chính là đương nhiên vì DN tiếp tục không có doanh thu, sức và tiềm lực đã cạn kiệt. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không thể ngồi trông chờ mãi vào các gói hỗ trợ thuế, lãi suất, ngân hàng..

Đã đến lúc, DN cần chủ động hành động cùng Chính phủ. Khảo sát thực tế qua 4 làn sóng Covid cho thấy, cộng đồng DN đang cần một “cần câu cơm” bài bản. Cụ thể ở đây là chính sách hỗ trợ cụ thể của Chính phủ được tính toán đến biên độ phục hồi cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực. Kế đó, là rời bỏ tư duy “giải cứu”, DN thay đổi lại chính mình, chủ động ứng phó với dịch Covid-19.

DN là một thực thể, đã đến lúc, thay vì trông chờ, thoi thóp giữa những thay đổi trong đại dịch… cần học hỏi cách sinh tồn từ tự nhiên. Có như vậy DN mới đảm bảo sự tồn tại và phát triển của chính mình trong dông bão.