Loại học sinh theo… cảm tính?
Cũng như năm ngoái, năm nay Trường THPT Lương Thế Vinh dự kiến tuyển 600 chỉ tiêu. Không được thi tuyển, trường này cũng chỉ xây dựng tiêu chí xét tuyển là dựa vào học bạ tiểu học, các bằng khen về thành tích học tập và các hoạt động khác từ cấp quận trở lên.
Trường Lương Thế Vinh phát hành khoảng 3.000 bộ hồ sơ, bắt đầu phát hành hồ sơ từ ngày 4/5 cho đến hết. Sau khi phụ huynh hoàn thiện hồ sơ, trường sẽ thu nhận trong vòng một tuần (từ ngày 25/5 đến hết ngày 2/6). Trường THCS Nguyễn Siêu cũng ra thông báo tuyển sinh 7 lớp 6 cho hai hệ đào tạo khoảng gần 200 học sinh gồm lớp quốc tế Cambridge và lớp chất lượng cao. Trường này bắt đầu nhận hồ sơ trực tuyến từ ngày 11/5.
Theo thông báo, trước khi xét tuyển, trường THCS Nguyễn Siêu sẽ tổ chức một ngày hội định hướng giúp học sinh tham gia các hoạt động ở các bộ môn khác nhau nhằm đánh giá năng lực toàn diện, tổng thể của học sinh. Ngoài ra, học sinh đăng ký vào lớp quốc tế Cambridge, học sinh cần trải qua 1 bài thi bằng tiếng Anh trong vòng 45 phút. Năm nay Trường THCS Nguyễn Siêu chỉ nhận hồ sơ đăng ký bằng hình thức trực tuyến, không nhận hồ sơ trực tiếp ở văn phòng.
Một phụ huynh có con năm nay nộp hồ sơ vào Trường THCS Nguyễn Siêu cho biết, trong ngày hội định hướng, trường tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến các môn học để học sinh tham gia. Nếu học sinh không hào hứng tham gia, không thể hiện năng lực nổi trội thì ban tuyển sinh của trường sẽ tư vấn phụ huynh nên rút lui. “Tôi thấy việc loại học sinh như vậy là rất cảm tính, chỉ qua vài hoạt động trải nghiệm và đánh giá học sinh là không công bằng”, phụ huynh này nói.
Trong khi đó, trường được phụ huynh, học sinh săn đón nhiều nhất là Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam đến thời điểm này vẫn án binh bất động, chưa đưa ra bất kỳ thông tin nào về tiêu chí, chỉ tiêu tuyển sinh.
Không có phương án làm bài thi
Phó giáo sư Văn Như Cương cho rằng, nếu cấm thi tuyển thì ít nhất các trường cũng phải được để một phương án nào đó ví như phỏng vấn không liên quan đến kiến thức Văn, Toán. Theo ông Cương, chỉ cần đặt các câu hỏi xoay quanh đời sống, hội đồng tuyển sinh cũng đánh giá được phần nào năng lực của học sinh.
Nếu chỉ dựa vào học bạ thì 100% học sinh giỏi, có rất ít học sinh có bằng khen đạt giải thưởng các kỳ thi. “Như năm trước, số còn lại trường phải ưu tiên con gia đình chính sách, học sinh có anh chị học cùng trường…Sau khi tuyển, trường phải dạy trước 1 tháng”, ông Cương nói.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, các trường có lượng hồ sơ nộp vào cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh tiếp tục đưa ra những tiêu chí phụ để xét tuyển. “Các trường này phải xây dựng phương án, trình Sở GD&ĐT duyệt thì mới được xét tuyển, và không được đưa ra bất kỳ phương án nào liên quan đến làm bài thi”, ông Đại nói.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu đến hết ngày 30/5, các trường phải công khai chỉ tiêu xét tuyển, tiêu chí xét tuyển cũng như thời gian, phương thức nộp hồ sơ lên website của trường để phụ huynh theo dõi.