> Thiếu bãi đỗ xe do tầm nhìn hạn hẹp
“Vấn đề là Nhà nước cần có những điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp để hấp dẫn DN đầu tư và kinh doanh bãi đỗ xe một cách bền vững”, ông Thường nói.
Ngoài bãi đỗ xe cao tầng Nguyễn Công Trứ, tới đây, Transerco sẽ đầu tư thêm những dự án nào nhằm tạo ra bước chuyển thực sự trong hoạt động trông giữ xe ở thành phố?
Transerco đang chỉ đạo Cty Khai thác điểm đỗ là Cty con triển khai tiếp hai dự án nữa và chắc chắn sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác hoạt động trong quý 4. Cụ thể là dự án ở đường Trần Nhật Duật và dự án ở phố Nguyễn Công Hoan.
Dự án bãi đỗ xe cao tầng tại phố Nguyễn Công Hoan có tổng mức đầu tư khoảng 91 tỷ, công suất đỗ 221 xe, sử dụng công nghệ của Nhật; dự án ở Trần Nhật Duật khoảng 30 tỷ, công suất đỗ trên 90 xe, sử dụng công nghệ Hàn Quốc.
Đây cũng là những dự án mang tính thí điểm. Hai dự án cũng đã được TP cho cơ chế riêng để thực hiện.
Chủ trương phát triển hệ thống giao thông tĩnh đã được Hà Nội đề cập nhiều năm qua, nhưng các DN hầu như không mặn mà do vướng cơ chế, chính sách. Theo ông, cần phải có giải pháp nào để gỡ nút thắt cơ chế?
Nút gỡ chính của việc xây dựng các bãi đỗ xe hiện nay là cơ chế, chính sách, Transerco cũng xác định rằng là DN, mục tiêu đầu tiên bao giờ cũng phải là lợi nhuận, do vậy, bất cứ một lĩnh vực nào có lợi nhuận thì DN sẽ tham gia vào.
Quay lại giao thông tĩnh, đúng là các dự án có liên quan hiệu quả kinh tế chưa thật sự cao, thậm chí là âm.
Ví dụ, như dự án ở Nguyễn Công Trứ, với mức phí mà TP quy định hiện nay, chúng tôi đã xác định 20 năm mới thu hồi được vốn, đây là việc quá khó đối với một DN bình thường.
Tuy vậy, với Transerco khi được xác định là DN chủ đạo, chúng tôi thấy rằng, trách nhiệm của đơn vị là phải thực hiện trước để đúc kết kinh nghiệm, từ đó đưa ra những kiến nghị điều chỉnh chính sách, giúp TP sớm có cơ chế, chính sách tạo ra động lực cho tất cả DN cùng tham gia.
Khi đó, DN sẽ yên tâm đầu tư và sẵn sàng chung tay cùng thành phố giải quyết tốt vấn đề thiếu bãi đỗ xe. Từ dự án cụ thể đang triển khai, chúng tôi thấy có một số vấn đề cơ chế phí, giá vẫn đang bị bó.
Đầu vào DN đã đầu tư rất nhiều tiền thì phải có cơ chế như thế nào đó để có thể vận hành theo thị trường, chứ không bị bó lại. Cái nữa là những cơ chế, chính sách hỗ trợ nên công khai để DN biết và tham gia như: Miễn tiền sử dụng đất, tạo thủ tục hành chính, hỗ trợ lãi vay...
Cùng với đó là quản lý trật tự đô thị phải chặt chẽ, tránh tình trạng xe đỗ bừa, bãi xe tự phát cạnh tranh không lành mạnh.
Một số nước còn dùng các bãi đỗ xe này đề điều tiết lưu lượng giao thông, ví dụ trong khu vực nội đô, phí đỗ xe sẽ rất cao khiến người dân sẽ ngại ngần đi vào, làm giảm lưu lượng giao thông.
Bất cập trong cơ chế, chính sách đối với các dự án bãi đỗ xe cao tầng cụ thể là gì?
Suất đầu tư cho một chỗ đỗ xe khoảng gần 400 triệu đồng. Nếu thu 4,3 triệu đồng/xe/tháng thì trong vòng 15 năm mới thu hồi được vốn. Nhưng theo quy định, mức thu này chỉ cho phép hết cỡ là 3,5 triệu/tháng tại một số tuyến phố trung tâm, còn các khu vực khác tối đa chỉ 1,6 triệu/tháng.
Cân đối với quy định và xét điều kiện chi trả thực tế của người dân thì có lẽ DN chỉ thu dưới 2 triệu đồng/xe/tháng và như vậy phải mất trên 20 năm mới thu hồi được vốn. Đây là vấn đề hết sức khó khăn cần có cơ chế tháo gỡ.
Có lẽ đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều dự án bãi đỗ xe tĩnh tại Hà Nội đã chết yểu. Vậy đâu là cơ sở để Transerco có niềm tin tham gia tích cực vào lĩnh vực này?
Mặc dù quá trình thực hiện các dự án giao thông tĩnh có những khó khăn, vất vả, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nản và luôn chủ động, quyết tâm theo đuổi việc triển khai các dự án.
Tại thời điểm này, do những bức xúc về giao thông tĩnh tại nội đô, là đơn vị chủ lực của thành phố, dù rất khó khăn về mặt bằng, hay cơ chế chính sách..., nhưng đơn vị vẫn chủ động đưa ra các đề xuất dự án và quyết tâm thực hiện bằng việc đầu tư hệ thống bãi đỗ xe cao tầng ngay tại các quận trung tâm...
Hà Nội có mức tăng trưởng phương tiện ô tô đạt 15-20%/năm, trong khi các bãi đỗ xe mới đáp ứng được 10% nhu cầu. Trên địa bàn TP, quỹ đất dành cho giao thông chỉ khoảng 7 đến 8% (giao thông tĩnh chỉ 0,35%), rất thấp so các nước phát triển là khoảng 20 đến 25%.
Để thực hiện tốt mục tiêu phát triển đô thị văn minh, bền vững, tất yếu phải có hệ thống đỗ xe được đầu tư bài bản và được quản lý bằng công nghệ tiên tiến.
Tư duy về quản lý đô thị hay tư duy mua dịch vụ trông xe của khách hàng cũng sẽ thay đổi theo mục tiêu này. Vì lẽ đó, đây là lĩnh vực đầy tiềm năng.
Vấn đề là Nhà nước cần có những điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp để hấp dẫn DN đầu tư và kinh doanh một cách bền vững.
Ngoài đầu tư các bãi xe cao tầng ở nội đô, Transerco cũng đang triển khai nhiều dự án bãi đỗ xe, bến xe, chuẩn bị trước cho những nhu cầu trong tương lai của thành phố.
Cảm ơn ông.
Hạnh Ngân