Trung tuần tháng 6, phóng viên một số cơ quan báo chí đến tìm hiểu mô hình vừa sản xuất, vừa chống dịch ở Công ty Fuhong thuộc Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam. Lãnh đạo tập đoàn này chia sẻ rằng, từ ngày 18/5, tỉnh Bắc Giang có công văn về việc tạm dừng sản xuất của các doanh nghiệp trong các KCN, Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam rất lo lắng vì tạm dừng sản xuất sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng rất may, tỉnh Bắc Giang đã kịp thời xây dựng những phương án khống chế sự lây lan của dịch. Những công ty nào đạt yêu cầu về công tác phòng, chống dịch thì mới được hoạt động trở lại. Tập đoàn này cũng là một trong số các công ty được quay lại hoạt động sớm nhất. Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam đánh giá rất cao, những nỗ lực của tỉnh Bắc Giang trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch. “Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát vừa qua, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ to lớn từ phía tỉnh Bắc Giang nên chúng tôi càng có niềm tin vào tỉnh Bắc Giang trong việc tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất”, lãnh đạo Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam cho biết .
Ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang thông tin, đợt dịch vừa qua, tỉnh Bắc Giang phải tạm đóng cửa 4 KCN, khoảng 150 nghìn công nhân phải ngừng việc. Tuy nhiên, nhờ dập dịch nhanh và kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh nên nhiều nhà đầu tư đã tin tưởng tiếp tục mở rộng sản xuất trong các KCN. Bắc Giang trở thành điểm sáng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. “Trong 9 tháng đầu năm có 785,6 triệu USD vốn đầu tư quy đổi đổ vào các KCN của tỉnh Bắc Giang. Tính đến nay, Bắc Giang đứng thứ 9 toàn quốc về thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Cường cho biết.
Cũng theo ông Cường, hiện toàn tỉnh Bắc Giang có 6 KCN đang hoạt động với 377 doanh nghiệp và 180.000 công nhân, tăng 15 doanh nghiệp và khoảng 30.000 công nhân so với trước dịch. Trong 6 KCN đang hoạt động, có 4 KCN đã lấp đầy (KCN Đình Trám, KCN Vân Trung, KCN Quang Châu, huyện Việt Yên; KCN Song Khê - Nội Hoàng, thuộc thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng). KCN Hòa Phú, huyện Hiệp Hòa lấp đầy đạt 85%. KCN Việt Hàn (50ha) mới chấp thuận đầu tư tháng 3/2021, hiện đã giải phóng mặt bằng được 45 ha. Tại các KCN có 414 dự án, trong đó có 313 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 10.220,02 tỷ đồng và 5.973,55 triệu USD.
Ông Cường chia sẻ, để đón đầu các nhà đầu tư, tỉnh Bắc Giang đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư về 6 KCN, với diện tích 1.105,3ha, trong đó có 3 KCN thành lập mới và 3 KCN mở rộng. Ba KCN thành lập mới với diện tích 782,3 ha, gồm KCN Yên Lư (377 ha), thuộc xã Yên Lư, huyện Yên Dũng; KCN Tân Hưng (105,3ha), thuộc xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang; KCN Yên Sơn-Bắc Lũng (300ha), thuộc xã Yên Sơn và xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam. Ba KCN mở rộng với diện tích 323ha, gồm KCN Quang Châu (90ha), KCN Việt Hàn (148ha), KCN Hòa Phú (85ha). “Từ nay đến đầu năm 2022, các KCN thành lập mới và mở rộng ở tỉnh Bắc Giang sẽ nhanh chóng được triển khai xây dựng để tạo quỹ đất sạch, kịp thời đón các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn xuyên quốc gia thuộc chuỗi cung ứng của Apple, Samgsung, các công ty thuộc chuỗi cung ứng của Tập đoàn Honda”, ông Cường cho hay.