Thiệt mạng khi đang ngủ
Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, thông tin từ báo chí nước ngoài cho biết, các quan chức Hàn Quốc đã xác nhận ba thuyền viên người Việt Nam mất tích được xác định là đã thiệt mạng khi đang ngủ trong khoang lúc tàu Jung Woo 2 bốc cháy.
Hãng thông tấn Nga RIA-Novosti dẫn tuyên bố của Đại sứ quán Hàn Quốc tại New Zealand, xác nhận ba thuyền viên thiệt mạng đều là người Việt Nam. Ông Mike Roberts - đại diện Trung tâm phối hợp cứu hộ New Zealand cũng cho rằng ba thuyền viên mất tích đã thiệt mạng trong đám cháy. Ngoài ra, ít nhất 7 người khác bị thương, trong đó có hai người bị bỏng nặng.
Ngày 12-1, ông Đỗ Hoàng Lê - Trưởng phòng Hàn Quốc (Cty Inmasco) cho PV Tiền Phong biết, dù chưa có thông tin chính thức nhưng theo thông tin từ đại lý phía Hàn Quốc, khả năng ba thuyền viên Việt Nam thiệt mạng là rất cao.
Trong ba thuyền viên thiệt mạng, có một thuyền viên do Inmasco đưa đi là anh Đặng Ngọc Quảng, sinh ngày 20-3-1985, số hộ chiếu: B2727092, quê quán ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Trong số 7 lao động bị bỏng có hai thuyền viên do Cty Inmasco đưa đi là Nguyễn Chí Công bị bỏng độ 2 và Nguyễn Văn Sỹ bị bỏng độ 3.
Cùng ngày, ông Lê Nhật Tân - Phó Tổng giám đốc Cty LOD cho biết, vì không phải ca trực nên hai lao động do LOD đưa đi là Nguyễn Văn Sơn (sinh ngày 18-6-1988, số hộ chiếu B4777852, quê Nghệ An) và Nguyễn Văn Đồng (sinh ngày 1-07-1981, số hộ chiếu B4199764, quê Nghệ An) không thoát ra được vì lúc tàu cháy hai người này đang ngủ.
Theo ông Tân, khi tàu cháy, có thể trong phòng không có khói nhưng phía ngoài tàu khói mù khắp nơi nên thuyền viên không thể xô cửa chạy ra ngoài được. “Nếu họ đang trong ca trực thì chắc chắn đã thoát”- ông Tân khẳng định. Hôm nay (13-1), ông Tân sẽ thay mặt Cty LOD vào Nghệ An để thông báo với gia đình thuyền viên bị nạn và trước mắt hỗ trợ mỗi gia đình 10 triệu đồng.
Đảm bảo tính mạng cho thuyền viên
Theo ông Đỗ Hoàng Lê, nếu bị mất tích, thuyền viên sẽ được bảo hiểm bồi thường 16.000 USD; còn người bị thương, tuỳ vào mức độ sẽ được bồi thường theo từng trường hợp cụ thể.
Liên quan đến vụ việc, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) yêu cầu Cty LOD và Inmasco khẩn trương liên hệ, phối hợp với các bên liên quan để kiểm tra, xác minh danh tính thuyền viên bị bỏng, mất tích và danh tính những thuyền viên được cứu sống. Có trách nhiệm liên hệ với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và New Zealand để hỗ trợ trong quá trình giải quyết vụ việc.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần thông báo tình hình vụ việc cho gia đình thuyền viên và địa phương nơi thuyền viên cư trú; có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ động viên gia đình thuyền viên vượt qua những mất mát khó khăn.
Với trường hợp thuyền viên bị nạn được cứu sống, doanh nghiệp cần phối hợp và yêu cầu chủ tàu đưa vào bờ để điều trị, phục hồi sức khỏe. Nếu lao động có nguyện vọng về nước sau khi ra viện, doanh nghiệp phải mua vé máy bay, làm thủ tục về nước an toàn và giải quyết các chế độ bảo hiểm.
Với thuyền viên bị mất tích, các doanh nghiệp phối hợp với các bên liên quan tìm kiếm. Trường hợp không còn khả năng tìm thấy, yêu cầu doanh nghiệp phối hợp với các bên liên quan, hoàn tất các thủ tục về chế độ bảo hiểm, thanh lý hợp đồng theo quy định của pháp luật.
Danh sách 23 thuyền viên Việt Nam bị nạn
14 thuyền viên do Cty CIENCO1 đưa đi gồm: Hoàng Văn Bình SN 1992, Hoàng Văn Chức SN 1990, Hoàng Hóa SN 1990, Hoàng Việt Bắc SN 1992, Hoàng Văn Hiệp SN 1987 đều ở Quảng Bình; Nguyễn Văn Nguyên SN 1985; Nguyễn Văn Điêm SN 1985; Đặng Ngọc Quảng (đã chết) SN 1985; Ngô Văn Sỹ SN 1978; Lê Hồng Phương sinh 1992; Lê Xuân Thảo SN 1993; Nguyễn Chí Công SN 1989; Lê Hồng Thoạn SN 1986; Nguyễn Tiến Vũ SN 1990 đều quê ở Hà Tĩnh.
9 thuyền viên do Cty LOD đưa đi gồm: Vũ Trường Giang SN 1972, Trần Đình Phúc SN 1981, Bùi Văn Thanh SN 1982, Trần Văn Dũng SN 1972 đều quê Hà Tĩnh; Nguyễn Văn Đồng SN 1981 (được xác định là đã chết), Nguyễn Văn Sơn SN 1988 (được xác định đã chết), Nguyễn Tú Liêm SN 1986 (bị bỏng), Trần Văn Ngoan SN 1991 (bị bỏng), Phạm Văn Chung SN 1987 đều quê Nghệ An.