Ba tàu cá của ngư dân Sa Huỳnh bị bắt giữ

TP - Trong số 6 tàu cá của ngư dân Phổ Thạnh (Đức Phổ - Quảng Ngãi) đánh bắt trên biển Hoàng Sa vừa bị Trung Quốc bắt giữ, 3 tàu cũ cùng ngư dân được thả về, còn lại 3 tàu cá mới và toàn bộ ngư cụ, hải sản bị thu giữ trái phép.
Ba anh em Nam, Việt, Thống (từ phải qua) trắng tay vì tàu cá bị ngư dân Trung Quốc bắt giữ Ảnh: Nguyễn Thành

> Thành lập tổ chặn tàu cá bị nước ngoài bắt giữ

Vào đảo cứu người, bị tịch thu tàu cá

Cả 3 tàu cá bị Trung Quốc đang giữ đều của ngư dân thôn Thạnh Đức 2 xã Phổ Thạnh (Đức Phổ).

Trong căn nhà cấp bốn xập xệ, thuyền trưởng, chủ tàu Nguyễn Duy Nam (26 tuổi) bàng hoàng vì bỗng chốc trắng tay. Ngày 24-6 tàu cá QNg 94411 của anh Nam có công suất 150CV với 8 lao động cùng tàu cá QNg 44876 do anh trai mình là Nguyễn Duy Việt làm thuyền trưởng với 3 lao động xuất bến đi đánh bắt cá tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Thuyền trưởng Việt kể: Khoảng 7h sáng ngày 2-7, dây cáp bị đứt khiến ông Võ Ngọc Thạch (43 tuổi, cậu ruột của hai anh em Việt-Nam) bị thương nặng vùng đầu, bất tỉnh.

Cả 2 tàu quyết định chạy suốt 5 tiếng đồng hồ để vào đảo Hải Nam cứu người. Khoảng 16h cùng ngày, ông Thạch được người của Trung Quốc đưa cấp cứu, băng bó vết thương.

Ba ngày sau, Trung Quốc tịch thu tàu cá QNg 94411 và ngư cụ cùng hơn 6 tấn cá mà hai tàu đánh bắt được, rồi chỉ cho phép chiếc tàu cũ QNg 44876 của anh Việt chở người trở về.

Ngày 7–7, tàu của Nam về đến cảng Sa Huỳnh. Thuyền viên Võ Ngọc Thạch được đưa vào Bình Định cấp cứu và chữa trị trong tình trạng nguy kịch.

Vô cớ bắt tàu trên biển Hoàng Sa

Thời điểm tàu QNg 44876 trên đường trở về, người dân Thạnh Đức 2 liên tiếp nhận hung tin 4 tàu cá khác của họ bị Trung Quốc bắt giữ trên vùng biển Hoàng Sa.

Ngày 6–7, hai tàu cá của ông Trần Minh Giữ (tàu QNg 94484 TS công suất 360 CV có 7 lao động do anh Trần Minh Khiêm làm thuyền trưởng; và tàu QNg 96845 TS công suất 150 CV có 4 lao động do anh Võ Quốc Việt làm thuyền trưởng) hành nghề kéo đôi ở vùng biển Hoàng Sa bị Trung Quốc bắt giữ.

Cùng thời điểm, phía Trung Quốc bắt giữ luôn hai tàu cá QNg 94779 TS công suất 125CV do anh Lục Nghĩa Minh làm thuyền trưởng và tàu QNg 94096 TS công suất 180CV của em trai Lục Nghĩa Thành làm thuyền trưởng, tổng cộng 8 ngư dân.

Cả 4 tàu được đưa vào đảo Hải Nam. Ngày 8-7, Trung Quốc cho 2 tàu cá QNg 94096 và QNg 98648 cùng toàn bộ ngư dân về nhà. Riêng 2 tàu QNg 94484 TS và QNg 94779 TS cùng toàn bộ ngư cụ, máy móc và cá mực đánh bắt được bị Trung Quốc vô cớ giữ lại.

Một đặc điểm chung, là phía Trung Quốc bắt tàu đôi và giữ lại tàu cá tốt nhất cùng ngư cụ và hải sản. Thuyền trưởng Lục Nghĩa Thành cho biết: “Họ lập biên bản rồi bắt tôi ký vào. Họ nói, sẽ bắt chúng tôi chuộc về”.

Khốn cùng

Hầu hết ngư dân các tàu cá bị Trung Quốc bắt giữ đều thuộc diện nghèo. Con tàu QNg 94411 bị thu giữ là tài sản của hai anh em Việt-Nam và em trai Thống cùng cậu ruột Võ Ngọc Thạch hùn vốn đóng mới vừa tròn 1 năm, trị giá hơn 850 triệu đồng.

Đây là chuyến ra khơi thứ 2 và là chuyến đánh bắt đầu tiên ở vùng biển Hoàng Sa. Hơn 10 nhân khẩu của cả 3 gia đình đều trông chờ vào con tàu này.

Bốn anh em với những cái tên ấn tượng Việt-Nam-Thống-Nhất mồ côi mẹ từ tấm bé, bố bị bệnh thần kinh. Họ sớm nghỉ học, chắt chiu vay mượn đóng tàu để mưu sinh.

Con tàu cùng tổng tài sản kèm theo trị giá hơn 1,4 tỷ đồng nay mất trắng. Mấy anh em nghèo đang nợ hơn 400 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Những (39 tuổi, vợ anh Thạch) đang mang bầu, nheo nhóc bên 4 đứa con nhỏ. Đã gần ngày sinh nở, chị Những nhờ người thân vào Bình Định chăm chồng đang chạy chữa vết thương.

Ông Nguyễn Duy Trinh, Phó chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, cho biết: “Các gia đình có tàu bị Trung Quốc bắt đều lâm vào cảnh khốn đốn vì nợ nần. Chúng tôi đã làm báo cáo gửi các cơ quan ban ngành yêu cầu sớm can thiệp, giúp đỡ các ngư dân lấy lại tàu cá, sớm ổn định sản xuất. Hiện tại, chưa có hỗ trợ nào cho các ngư dân vì chúng tôi phải chờ ý kiến của cấp trên”.

Theo Báo giấy