Bà Phan Thị Bích Hằng: Tôi phẫn nộ với ‘cậu Thủy’

Tại buổi giao lưu trực tuyến trên Petrotimes, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cho biết, rất phẫn nộ trước những hành vi của "cậu Thủy", người vừa bị khởi tố vì chiếm đoạt tài sản, khi làm giả mộ liệt sĩ.

Phẫn nộ

Bà Phan Thị Bích Hằng nói, bất kể ai chứ không cứ gì "cậu Thủy", theo giáo lý đạo Phật, làm điều gì sai trái, gian trá, lừa đảo, đổi trắng thay đen trước sau gì cũng bị trừng trị. Chỉ có điều là sớm hay muộn mà thôi. (Trước đó, đối tượng Nguyễn Thanh Thúy, còn gọi là "cậu Thủy" bị công an Quảng Trị truy tố vì tội lừa đảo khi làm giả mộ liệt sĩ để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng - PV)

Tôi rất phẫn nộ trước việc làm của Nguyễn Thanh Thúy, bà Hằng không giấu được bức xúc

Giải thích về chương trình “Trở về từ kí ức’ phát trên VTV nói về vụ tìm kiếm thủ cấp của nhà tiền bối cách mạng Phùng Chí Kiên, bà Hằng cho hay: “Lúc đầu, tôi có hơi bị sốc, nhưng sau đó bình tĩnh lại, tôi nhận thấy không cần thiết phải nói. Thực chất, biên tập viên Thu Uyên chỉ đưa một trường hợp của tôi ra để viện dẫn chứ không cáo buộc. Là do dư luận chưa hiểu thiếu đáo bản chất của vấn đề chương trình muốn đưa ra”.

Bà Hằng cũng cho biết thêm: “Do báo chí đưa thông tin giật tít theo hiệu ứng đám đông nên mới gây làn sóng dư luận trong ngày qua. Tôi không giải thích vì không có lời giải thích nào bằng chính những việc làm của tôi trong hơn 20 năm qua.

Về trường hợp của liệt sĩ Phùng Chí Kiên, tôi nhận lời đề nghị của các bác đồng đội liệt sĩ Phùng Chí Kiên đi tìm thủ cấp của bác ấy. Cảm động trước nghĩa tình đồng đội, nhận thấy đây cũng là sứ mạng thiêng liêng được giao phó, tôi đã làm bằng tất cả khả năng của mình với sự cố gắng cao nhất. Tôi đã tìm đến vị trí cuối cùng theo chỉ dẫn tâm linh của liệt sĩ Phùng Chí Kiên. Sau đó, việc khai quật, cất bốc liệt sĩ do gia đình và các cơ quan chức năng đảm nhiệm, tôi không tham gia công đoạn này”.

Tỉ lệ chính xác rất cao

Bà Hằng tâm sự, bản thân cũng không thể nhớ hết bao nhiêu nghìn ngôi mộ. Tôi đã được 3 cơ quan: UIA, Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an và Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống tặng gương Huyền Thông A1000 từ năm 2000. Tôi không tự đánh giá được mình, nhưng chủ nhiệm chương trình khảo nghiệm đề tài tìm mộ liệt sĩ của 3 cơ quan này đã đánh giá là người trong hàng ngũ xuất sắc điển hình, khoảng 70%. Có nghĩa là trong 100 ngôi mộ tôi chịu trách nhiệm phụ trách thì xác suất thành công là 70 ngôi, còn 30 ngôi vì những lý do này khác, tôi chưa thành công, bà Hằng nói.

Ông Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA), khẳng định: chắc chắn Bích Hằng là một trong những nhà ngoại cảm thật sự, có đóng góp lớn trong việc tìm và quy tập mộ liệt sĩ.

Bích Hằng cũng được xem là một trong những nhà ngoại cảm xuất sắc, điển hình đã được tặng, phần thưởng dành cho những nhà ngoại cảm đạt thành tích tìm được ít nhất 1.000 mộ liệt sĩ bằng khả năng đặc biệt của mình.

Trong “hành trình tìm lại Nam Cao”, Bích Hằng là 1 trong 7 nhà ngoại cảm tham gia. Các thông tin dẫn đến việc tìm được mộ liệt sĩ Nam Cao thì Bích Hằng đóng góp tới 60% thông tin cơ bản, còn 40% là do các nhà ngoại cảm khác bổ sung.

Khao khát cuộc sống bình thường

Bà Hằng nói thời gian qua bản thân mình gặp áp lực rất lớn từ dư luận xã hội: “Tôi thấy rất phiền não và cũng tương đối căng thẳng bởi vì có quá nhiều cuộc nhắn tin và điện thoại gọi đến hỏi thăm”

“Nhà ngoại cảm chỉ làm được khi trạng thái tâm lý thoải mái nhất và sức khỏe tốt nhất. Nếu là bạn, trong lúc bạn bị ném đá dữ dội, bạn có làm gì được không, nhất là với tôi, làm việc bằng khả năng đặc biệt cần sự tĩnh tâm rất cao”, bà chia sẻ với độc giả.

Bà Hằng nói một cách chân thành rằng thực ra mình chẳng muốn và cũng chẳng sung sướng gì khi có khả năng đặc biệt này. “Nó đã khiến tôi phải chịu rất nhiều thiệt thòi, hy sinh, nếm trải quá nhiều đắng cay, gian khổ. Mà không chỉ riêng tôi, những người thân của tôi cũng phải chịu những thiệt thòi, đặc biệt là hai đứa con nhỏ.

Bà nói mình “khao khát một cuộc sống của một người phụ nữ bình thường”. Niềm hạnh phúc ấy là khi được cùng con đi chơi, dạy cho con tập xe đạp và có thời gian nhiều hơn bên chồng.

“Rất nhiều lần tôi mong muốn khả năng đó mất đi để tôi có được cuộc sống bình thường, có lúc tôi đã tự bứt khỏi công việc này, nhưng rồi tôi cứ bị giục giã, thôi thúc buộc phải làm như một sứ mạng không thể chối từ”, bà Hằng cho biết.

Đức An tổng hợp

Theo Viết