> Anh Trãi tam nông
> Mệ Đối nhặt rác, giúp người
Chàng thương binh học lỏm
Đến ấp Trung Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM hỏi anh thương binh Võ Văn Tâm, nhiều người ngơ ngác. Nhưng khi hỏi thầy lang Hai Tâm thì ai cũng biết. Anh Tâm kể: “21 tuổi, tui xung phong vào quân ngũ, tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam. Cả thời trai trẻ của tui trải qua trong rừng rậm nước bạn Campuchia, cả gương mặt đầy sẹo và 4 mảnh đạn còn găm lại trong chân cũng từ đó”.
Nhà anh có 7 anh em. Hôm anh lên đường, trong đám đông tiễn đưa bỗng xuất hiện một cô gái chỉ mới quen được ba ngày ở xã bên. Anh nghĩ chắc cô này theo chúng bạn đi chơi. Rồi anh quên bẵng. Đúng lúc bước lên xe, cô gái ào chạy khỏi đám người đang vẫy tay, lao tới cầm chặt tay anh, thì thầm: “Mười hai bến nước, có bến đợi bến chờ. Anh đi không biết ngày nào trở về nhưng hãy tin rằng em sẽ đợi”, rồi đỏ bừng mặt, sụt sùi khóc.
Hình ảnh cô gái mới quen và lời ước hẹn cứ chập chờn trước mắt anh trong những cuộc hành quân. Cuộc chiến bước vào giai đoạn căng thẳng. Bộ đội tình nguyện Việt Nam cùng bộ đội Campuchia truy quét quân Polpot Ieng Sary, anh Tâm được đưa vào chiến đấu ở Tasanh, thuộc tỉnh Pailin.
Một ngày hành quân năm 1981, đơn vị lọt vào bãi mìn của địch. Bị thương, anh cùng đồng đội được chuyển về tuyến sau. Gương mặt bị biến dạng sau khi trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, cộng thêm 4 mảnh đạn còn găm vào chân trái.
“Từ trong rừng rậm quanh năm tối om, giờ được ra bản làng gặp dân địa phương nên mừng lắm. Không biết tiếng nên cứ chiều chiều tui lại lân la vào bản học lõm bõm, buổi tối lại nhờ các anh trong trạm xá rành tiếng Campuchia bày vẽ thêm. Sau vài tháng thì tui có thể vô nhà dân chơi, ngồi nói chuyện bình thường”, anh Tâm kể.
Một ngày, cả bản xôn xao khi một ông thầy lang đi hái thuốc, chữa bệnh ngang qua. Dân bản kéo đến xin bốc thuốc, chữa bệnh. Anh Tâm cũng tò mò đến xem. Ông thầy lang chữa bệnh cho bà con mấy ngày liền, bao nhiêu lá cây, cỏ, thảo dược ông mang xay thành thuốc, anh lẩm nhẩm cố nhớ trong đầu. Lá nào, xay ra sao, đắp hay uống, chữa bệnh gì… Trong mớ hỗn độn đó, có nhiều loại lá cây anh đã quen mặt hồi còn ở trong rừng nên nhớ rất nhanh.
Khi vết thương đã lành hẳn, anh xung phong trở về đơn vị, lúc này đang đóng quân ở Battambang, sát biên giới Thái Lan, nơi tàn quân Polpot lẩn trốn. Về với rừng, anh đi tìm các loại lá cây theo như các bài thuốc của ông thầy lang Campuchia, và kiêm thêm nhiệm vụ trị thương bằng thuốc Nam cho đồng đội.
Vết thương tái phát, anh lại rời rừng ra bản. Cứ thấy ai đau ốm là xin được chữa bệnh. “Mới đầu họ sợ lắm. Sau thấy mình hiền lành, chữa được bệnh nên bắt đầu có thiện cảm”, anh Tâm kể.
Hết thuốc, anh lại vào rừng tìm lá. Dân ở các bản xung quanh cũng bồng bế nhau tới nhờ anh thương binh Việt Nam chữa bệnh. Mùa mưa, lương thực cạn kiệt, đường tiếp tế cho bộ đội bị cắt đứt, bà con thấy anh đói ăn, gầy xác ve, nên mang khoai sắn, chuối, thịt cá qua cho.
Ngừng tiếng súng, anh Tâm phục viên, là thương binh 4/4.
Để...chữa bệnh miễn phí
Năm 1983, về quê với 4 mảnh đạn trong chân và gương mặt chằng chịt sẹo, anh không dám tìm lại cô gái năm xưa nguyện làm bến đợi. Nhưng, cô gái tìm đến nhà anh. Trước mặt cô không phải là anh trai làng mạnh khỏe năm xưa nữa.
“Lúc đó tui thương ổng lắm. Thấy ổng về quê hiền lành, một thân một mình chăm chỉ làm ăn, tui càng thương”, chị Bùi Thị Phải, vợ anh Tâm cho biết. Anh Tâm cất căn nhà lá, sống bám vào mấy sào ruộng, ai thuê gì làm nấy. Là thương binh nhưng còn trẻ, còn sức. Anh tranh thủ làm thật nhiều vì biết sức khỏe sau này sẽ xuống rất nhanh.
Vừa đi làm nuôi gia đình, anh vừa đau đáu với những bài thuốc học được bên nước bạn, trong khi bà con nghèo trong ấp mắc bệnh chẳng có tiền đi khám. Anh lên vùng rừng núi Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai tìm lá cây, những vị thuốc nào không tìm được, anh ra tiệm thuốc mua. Từ đó đến nay, gần 30 năm anh chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo.
Nhiều người ở Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, có người ở tận Thái Bình, Quảng Trị lặn lội tìm anh nhờ chữa bệnh. Thấy anh không lấy tiền, nhiều người bệnh khá giả cố nhét tiền vào trong tủ thuốc. Anh cương quyết không lấy thì người ta bảo, mong anh dùng số tiền đó mua thuốc chữa bệnh cho những người nghèo, sức anh sao giúp được cả thiên hạ. Lúc đó anh mới đồng ý.
Một lần, có người phụ nữ đẩy xe ba gác chở chồng nằm sấp trên manh chiếu rách tìm đến anh. Hỏi ra mới biết, chồng chị làm phụ hồ, bị té giàn giáo, nhà nghèo, chị bán hết đồ đạc trong nhà mua cái xe ba gác, lấy manh chiếu lót cho chồng nằm rồi đẩy đi khắp nơi tìm thầy chữa bệnh.
Tiền không có, đi khắp nơi, chẳng nơi nào nhận. 5 tháng trời anh bốc thuốc trị bệnh, có những vị thuốc đắt tiền phải mua ở tiệm. Người chồng không cử động được, đại tiện tiểu tiện cũng ngay trong căn nhà lá của anh. Ngày đắp thuốc, đến tối người vợ lại đưa chồng lên xe ba gác đẩy về nhà. Anh lặng lẽ mở thùng gạo chẳng bao giờ đầy của nhà, múc ít lon giúi vào tay người đàn bà. Ngày người bệnh ngồi dậy đi lại được, họ quỳ trước mặt anh đội ơn, xin được cắt cỏ, chăn bò cho anh đến lúc nào trả được tiền thuốc men, công sức của anh.
“Tui nói anh mới khỏi bệnh, lo kiếm việc đi làm nuôi vợ anh trước đã, trong lúc anh nằm một chỗ vợ anh nuôi anh nhiều lắm rồi. Từ đó đến nay mấy năm rồi. Có người dân gần đó vô chữa bệnh, nói ông chồng đã đi làm bảo vệ, vợ làm công nhân. Tui nghe vậy là mừng lắm rồi chứ cũng chẳng mong gì hơn”, anh Tâm nói.
Chị Bùi Thị Phải, vợ anh đi làm công nhân, một tháng được 2 triệu đồng. Làm cả ngày đến 6 giờ tối mới về, lại giúp anh đón người bệnh, chuẩn bị bông gạc, thuốc đắp… Đến tối mịt mới hết bệnh nhân, nhà anh từ xưa tới nay chưa bao giờ có bữa cơm tối trước 9 giờ.
Anh giờ đã yếu, mấy sào ruộng chỉ đủ lúa để ăn trong nhà. Hồi trước có nuôi bò, từ ngày ba đứa con đi học, anh bán hết 5 con bò, 5 con bê để đóng học phí, giờ cả nhà chỉ còn 2 con bê con. Để tiết kiệm tiền thuốc, anh trồng thêm các loại cây thuốc Nam phổ biến quanh vườn. Mỗi tháng được 900 ngàn tiền thương bệnh binh, anh dùng mua thuốc. Người nghèo đến khám xong, nhận thuốc chỉ lẳng lặng đứng dậy cám ơn ra về.
Người không có tiền, đưa anh ít trái cây… Ai khá giả thì tự bỏ tiền vào hộc. Anh khám bệnh một bên, hết người này đến người khác thay vào. Bệnh nhân khám xong tự đi tới bàn thuốc, bỏ tiền vào hộc tùy tâm, xem như để giúp những người nghèo khổ hơn mình.
Ba người con của anh giờ đang đi học, phải tự xoay xở làm gia sư để kiếm thêm thu nhập. “Biết công việc của tui nên vợ và các con cũng thông cảm, lại còn đỡ đần rất nhiều. Tui chỉ mong có được sức khỏe để còn tiếp tục giúp bà con được chừng nào tốt chừng đó”, anh Tâm nói.
Ngày đắp thuốc, đến tối người vợ lại đưa chồng lên xe ba gác đẩy về nhà. Anh lặng lẽ mở thùng gạo chẳng bao giờ đầy của nhà, múc ít lon giúi vào tay người đàn bà. Ngày người bệnh ngồi dậy đi lại được, họ quỳ trước mặt anh đội ơn, xin được cắt cỏ, chăn bò cho anh đến lúc nào trả được tiền thuốc men, công sức của anh.