> Nữ tiến sĩ Việt và trăn trở nơi xứ người
Đàm Ngọc Kim Anh, Trương Thái An và Trần Việt Linh là những gương mặt sáng giá của mùa "săn" học bổng năm nay. Trong đó Kim Anh, nữ sinh chuyên Anh 1, được xem là ngôi sao khi chinh phục 11 trường danh tiếng của Mỹ. Cuối cùng, cô nàng chọn University of Pennsylvania, một trong 8 trường Ivy League danh giá và là đại học đứng thứ 8 trên bảng xếp hạng ở Mỹ, thứ 15 thế giới.
Nhắc tới Kim Anh, bạn bè đồng lứa và khóa dưới đều nể phục. Suốt ba năm cấp 3, Kim Anh là lớp phó học tập và luôn đứng trong top đầu của lớp Anh. Năm lớp 11, 12, cô giành giải nhất quốc gia môn tiếng Anh, điểm TOEFL 113/120, SAT 2320/2400. Không học giỏi, Kim Anh còn năng nổ với những hoạt động ngoại khóa ấn tượng.
Ở trường, Kim Anh là chủ tịch câu lạc bộ tranh luận và hùng biện. Câu lạc bộ có các buổi họp hàng tuần, mỗi buổi một chủ đề, thành viên sẽ chia đội để tranh luận. Nữ sinh này còn là sáng lập viên của tạp chí E-times, kênh cung cấp thông tin về vấn đề du học ở Mỹ tới học sinh trong trường. Ngoài ra, cô còn tham gia tổ chức nhiều hội thảo Model United Nations, phiên họp giả lập Liên Hợp Quốc. Đây được xem là diễn đàn cho các bạn trẻ bàn luận và đưa ra giải pháp về những vấn đề mang tính toàn cầu.
Trước khi tốt nghiệp lớp 12, Kim Anh gửi khoảng 15 hồ sơ tới các trường. Lý giải cho việc chọn Pennsylvania, Kim Anh cho hay, đây là trường hàng đầu ở Mỹ với cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên uy tín. Tại đó, trong 2 năm học đầu tiên, Kim Anh sẽ được khám phá rất nhiều khóa học và môn học trước khi chọn chuyên ngành của mình. Cô dự định sẽ học ngành Hóa. Trường nằm ở TP Philadelphia nên Kim Anh sẽ có nhiều cơ hội khám phá nền văn hóa Mỹ.
Cùng lớp với Kim Anh, Trương Thái An được nhận vào trường "khủng" không kém, ĐH Brown, 1 trong top 8 đại học lâu đời và nổi tiếng nhất ở Mỹ. Chàng trai có vẻ ngoài hiền lành thông thạo cả tiếng Anh, Tây Ban Nha và có 6 năm theo học piano tại Nhạc viện Hà Nội.
Ngay từ đợt nộp hồ sơ đầu tiên vào Brown, Thái An đã được nhận nhờ sự nổi bật với thành tích ASSIT. ASSIT là học bổng danh giá chỉ được trao cho 5 học sinh Việt Nam hàng năm. Những em thành công sẽ sang Mỹ học một năm và sống cùng nhà với người dân bản địa. Các ứng viên cho rằng, có ASSIT trong hồ sơ xin học bổng, hầu như nắm chắc sẽ được nhận vào những trường đại học danh tiếng.
Suốt một năm học ở trường Albuquerque Academy, bang New Mexico, Thái An tham gia làm kỷ yếu của trường và đạt giải nhất môn tennis toàn bang. Thời gian trải nghiệm tại đây, Thái An chia sẻ khá hài lòng với thành tích học tập trong top đầu của lớp.
Ở homestay, hàng ngày cậu đến trường cùng con trai nhà chủ. Điều cậu ấn tượng nhất là không khí gia đình ấm cúng và có sự chia sẻ giữa các thành viên với sau. Sau bữa tối, cả nhà lại quây quần bên bàn ăn để nói chuyện, xem tivi rồi mới về phòng. Thỉnh thoảng, Thái An trổ tài làm vài món Việt chiêu đãi chủ nhà. Đáp lại, họ cũng giới thiệu nhiều nét đặc sắc trong văn hóa của người bản địa.
"Em nhớ nhất lần đầu tiên đi khinh khí cầu cùng gia đình bên đó. Đứng từ trên cao nhìn xuống, khung cảnh ở New Mexico thật tuyệt", Thái An nhớ lại.
Trước khi sang Mỹ, mùa hè năm lớp 10, An từng sang Tây Ban Nha 6 tuần học tiếng. Xác định sau này sẽ làm việc cho các tổ chức quốc tế, An được gia đình đầu tư sang Madrid, Tây Ban Nha ở homestay. Đợt sang Mỹ, An cũng chọn môn học tiếng Tây Ban Nha ở trường. Hiện tại, Thái An đi dạy thêm piano và tiếng Tây Ban Nha.
Khác với Kim Anh và Thái An, sau khi học xong lớp 12, Việt Linh ở lại Việt Nam một năm mặc dù đã được ba trường ở Mỹ nhận. Cảm thấy con đường du học vẫn mông lung và còn dở dang nhiều dự án, chàng trai lớp chuyên Hóa quyết định không đi du học và cũng không thi đại học. Điều này vấp phải sự phản đối của gia đình và bạn bè, tuy nhiên chàng trai đạt giải nhì môn Hóa lớp 12 vẫn tin ở mình. Linh xác định trong trường hợp xấu nhất không có trường nào nhận, cậu sẽ kinh doanh.
Sau một năm ở nhà, cựu bí thư đoàn trường của Hà Nội - Amsterdam cảm thấy quyết định ấy là đúng đắn. Năm nay, một lần nữa Linh rải hồ sơ vào các trường đại học Mỹ và được hơn 10 trường nhận, trong đó có học bổng toàn phần của ĐH nổi tiếng Washington and Lee. Suốt một năm ở nhà, Linh thấy mình trưởng thành hơn nhiều và quan trọng cậu xác định được hướng đi chắc chắn. Ngày còn làm bí thư đoàn, Linh nhiều năm tổ chức các hoạt động được nhiều học sinh Hà Nội đón chờ như Ngày hội anh tài, Made in 12.
"Ở nhà một năm, em tiếp tục tham gia ban nội dung cho tổ chức Vietaboarder, cùng sáng lập ra Ams Conect kết nối các thế hệ học sinh của trường Amsterdam với nhau và học guitar, chơi thể thao. Chuẩn bị này là bước đệm quan trọng cho em khi sang Mỹ du học", Việt Linh cho biết.
Chia sẻ bí kíp giành học bổng, ba "cao thủ" có điểm tổng kết năm lớp 12 trên 9.0 cho rằng, điểm SAT và TOEFL có thể nói lên khả năng học tập của mình trong môi trường đại học ở Mỹ, điểm trung bình ở lớp đánh giá khả năng học tập ở trường cấp 3, còn các bài luận sẽ thể hiện tính cách, suy nghĩ của ứng viên.
Với Linh, để tạo sự khác biệt, cậu tự viết một cuốn sách về mình trong đó có cả ảnh minh họa. Cuốn sách nhỏ không chỉ cho trường thông tin khái quát về gia đình, bản thân mà còn là cớ để cậu khoe mình tối đa nhất. Tại đây, cậu thể hiện khả năng qua các hoạt động tham gia, thành tích đạt được và khao khát được học tại Washington and Lee.
Một số trường sẽ cử đại diện từng học ở trường gọi điện phỏng vấn nhưng Washington and Lee chỉ thông báo giờ có kết quả. Nằm chờ đến 8h sáng, Linh hầu như không thể ngủ nổi vì hồi hộp. Lúc biết mình đỗ, mọi lo lắng, áp lực bao lâu trong cậu được giải tỏa.
Còn Kim Anh và Thái An được đại diện trường phỏng vấn. "Cuộc phỏng vấn có không khí khá thoải mái vì đó là cơ hội để thể hiện mình với ban tuyển sinh và là dịp thí sinh được trao đổi với cựu học sinh để biết thêm về trường. Bởi vậy, cuộc điện thoại ấy có tính chất trao đổi hơn là phỏng vấn", Kim Anh nói.
Để chuẩn bị tốt cho quá trình nộp hồ sơ, ba "cao thủ" khuyên các bạn nên bắt đầu càng sớm càng tốt, nhất là tâm lý. Quá trình làm hồ sơ đòi hỏi nhiều giai đoạn: thi các bài TOEFL và SAT, chọn trường, viết bài luận, xin thư giới thiệu của thầy cô... nên tốt nhất là chuẩn bị vào khoảng lớp 11. Trong suốt thời gian này, nhiều bạn cũng tham gia hoạt động ngoại khóa nên phải có sự chuẩn bị từ sớm để tránh về cuối bị thiếu thời gian, hồ sơ sẽ có sơ suất.
Trước khi lên đường sang Mỹ, Kim Anh, Thái An và Việt Linh vẫn "bộn bề" các dự án tâm huyết. Với họ, cuộc sống ở Mỹ tới đây vừa là thử thách lại vừa là trải nghiệm thú vị giúp họ trưởng thành.
Theo Bình Minh
VnExpress