Ánh Tuyết: 'Nguyễn Ánh 9 nghịch như một cậu bé'

TP - Tiếng đàn Nguyễn Ánh 9 từng song hành những giọng ca nổi tiếng như Thái Thanh, Khánh Ly và trong nước là Ánh Tuyết. Không chỉ ăn ý trên sân khấu, Nguyễn Ánh 9 - Ánh Tuyết còn có nhiều kỷ niệm gắn bó những lúc thăng trầm.
Nguyễn Ánh 9 tập chương trình và biểu diễn tại phòng trà ATB của ca sĩ Ánh Tuyết. Ảnh: Tư liệu.

Ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ một phần nhỏ từ kho ký ức gắn với tác giả của Cô đơn và Mùa thu cánh nâu - hai bài chị từng ra đĩa.

Ấn tượng đầu tiên của chị về nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9?

Tôi biết các ca khúc của ông từ khi còn rất nhỏ, nhưng đâu biết ông là ai. Mãi năm 1991, ở quán Văn Nghệ, tôi được giới thiệu hát bài Dòng sông xanh. Có “thằng cha” nhỏ con xồn xồn lên sân khấu đuổi hết ban nhạc xuống, rồi ngồi vô đàn. Tôi đứng sững, tưởng ông nào khùng lên quậy. Thử ngó coi làm gì thì ông dạo mấy câu, tôi nghĩ thầm: “Ối trời, ông này đánh hay quá”. Xuống sân khấu tôi hỏi: “Hồi nãy có thằng cha nào vậy?” Chủ quán nói: “Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đó, Ai đưa em về đo”!

Từ đó bữa nào tôi hát là ông đệm. Và ông ghiền đánh cho tôi. Giống như từ sau giải phóng ông không biết đệm cho ai, tự nhiên gặp một người hát trúng ngón nghề của ổng, trúng những bài trước đây ông từng đánh cho Thái Thanh. Còn tôi, có người đánh đàn hay, tôi hát sung hơn, bay bổng lả lướt.

Tính nghệ sĩ trong ông còn thể hiện qua sự hóm hỉnh, lúc nào cũng hồn nhiên như một cậu bé tinh nghịch. Ra khỏi sân khấu là ông quậy. Ông cùng gốc Quảng Nam với tôi, nói lái thành thần. Nhiều cái ông tửng lắm, người ta cứ nghĩ ông nghiêm túc nhưng không phải.

Nhạc sĩ cho hay trong lúc ông khủng hoảng định giải nghệ đã được chị động viên rất nhiều?

Năm 1997 ông qua nhà tôi, than: “Chắc anh bỏ nghề gác kiếm em ơi. Piano bây giờ không ai xài”. (Lúc đó người ta chuộng ooc điện tử, một cây thay thế được cả ban nhạc).  Tôi kêu: “Anh không bỏ được. Từ nay em hát đâu, anh đánh đó!”.

Chị cũng là người đầu tiên giới thiệu nhạc sĩ với khán giả Hà Nội?

Năm 2002, chương trình Mùa xuân đầu tiên do Ngọc Tân tổ chức cũng là show cuối cùng Ngọc Tân hát. Ngọc Tân hợp đồng mình tôi hát. Tôi bảo: “Anh, mời ông Nguyễn Ánh 9 giùm em đi!” Tân kêu, ngoài này người đệm piano giỏi lắm, thiếu gì. Tôi nói: “Ổng đệm rất phiêu, ổng hiểu ý ca sĩ, dễ tung hứng với nhau hơn”. Tôi cãi miết, Ngọc Tân vẫn không chịu. Tôi sửa hợp đồng: Lo vé máy bay, ăn ở đi lại cho Nguyễn Ánh 9, trả 2 triệu... Tôi nói: “Sau này anh chỉ có cám ơn em thôi!” Thì đúng sau đó Ngọc Tân cám ơn tôi. Là vì tôi đưa Nguyễn Ánh 9 thành điểm nhấn của show.

“Chương trình Mùa xuân đầu tiên- lần đầu tiên tôi được ra Hà Nội là với Ánh Tuyết. Đó là kỷ niệm sâu sắc trong đời tôi. Nhờ đó tôi biết nếu mình làm việc với tất cả sức lao động, lòng đam mê thì người đời không quên đâu”. 

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

Ông Quyền Văn Minh đang thổi bài về Hà Nội của Phú Quang, câu cuối cùng tôi hát theo rồi ra sân khấu chiếm diễn đàn luôn: “Để tiếp tục chương trình Ánh Tuyết mời quý vị thưởng thức những ca khúc mà Ánh Tuyết tin quý vị đã biết nhưng chưa chắc biết tác giả là ai”. Mỗi bài tôi hát lên một câu, khán giả kêu biết, biết. Xong tôi bảo: “Chắc mọi người không nghĩ nhạc sĩ đó có mặt ở đây đúng không?!”. Ông bước ra, người ta ồ lên, vỗ tay quá trời luôn. Sau đó tôi hát 2 bài của ông, ông xúc động quá khóc quá trời. Ba đêm đều khóc trên sân khấu.

Trước đó, tôi bảo ông độc tấu bài Hà Nội niềm tin và hy vọng. Ông kêu: “Ngoài này người ta nghe kiểu khác em ơi.” Tôi nói: “Anh cứ đánh theo tình cảm của anh thôi. Em biết người ta sẽ dành cho anh tình cảm đặc biệt”.

Trên sân khấu tôi nói tiếp: “Nếu quý vị yêu mến Nguyễn Ánh 9 như vậy, mời quý vị thưởng thức tiếng đàn của ông trong một bài rất quen thuộc mà ông gửi gắm tình cảm rất riêng của mình...”. Ông đánh xong, trời ơi cả rạp rực rực lên. Ba đêm liền như rứa. Từ đó Hà Nội ai cũng biết ông, mọi người quý mến ông. Ông xa quê 45 năm, tôi cũng là người đầu tiên đưa ông về Đà Nẵng, Hội An. Tới đâu, ông khóc tới đó...

Lần cuối cùng chị gặp Nguyễn Ánh 9?

Vừa rồi ông nằm viện, tôi vô thăm đầu tiên. Có vẻ ông bất ngờ. Ông rướn đầu lên khóc, mặt ông tím đi. Sợ ông xúc động nghẽn mạch chi đó, tôi kêu: “Y tá đừng cho ông khóc!”. Ông không nói chuyện được. Chỉ có tôi nói thì ông gật hay lắc thôi. Bữa đó muốn chụp hình với ổng, tôi nói: “Xấu xấu cũng chụp hỉ!”. Ông đồng ý, nhưng bệnh viện không cho.