Ảnh hiếm về Ải Nam Quan xưa: Nơi bang giao giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc

TPO - Trong quá trình đi tìm tư liệu về Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), chúng tôi được tiếp cận những bức ảnh đen - trắng độc đáo ghi lại hình ảnh Ải Nam Quan ngày xưa.

Được sự tạo điều kiện của cán bộ Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi lần đầu tiên được tiếp cận những bức ảnh quý, được bảo tàng lưu giữ cẩn thận.

Do thời gian và khí hậu khắc nghiệt ở vùng biên ải xứ Lạng, nên đa số ảnh không còn sắc nét như xưa, đã ngả màu nhưng hình ảnh chân thực về “phên dậu” của Tổ quốc - nơi bang giao giữa hai nước Việt Nam- Trung Quốc vẫn hiện rõ.

Ải Nam Quan xưa được xây dựng kiên cố, vững chãi.

Ngày ấy, nhà cửa san sát nơi địa đầu Tổ quốc.

Một số hình ảnh còn được lưu lại ở bì thư, con tem.

Ải Nam Quan là những bức tường thành kiên cố ở biên giới.

Đa số các bức ảnh đều ghi lại vào khoảng thập kỷ 40 - 50 của thế kỷ trước, do nhiếp ảnh gia người Pháp chụp lại. Có nhiều bức ảnh miêu tả núi non hùng vĩ nơi biên ải, có bức chụp cảnh dân bản địa qua biên giới thăm thân, giao thương, buôn bán rất tấp nập…

Dân cư khá đông đúc ở Ải Nam Quan.

Nhà dân ở sát biên giới Việt - Trung (đoạn ra biên giới thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc ngày nay).

Người dân qua trạm gác của lính Pháp khi ra cửa khẩu biên giới .

Trùng điệp miền biên ải - nơi có Ải Nam Quan trên tuyến biên giới Việt - Trung.

Theo cuốn Lịch sử Đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị (1959-1989) do Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn xuất bản, năm 1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời. Năm 1950, chiến dịch biên giới của ta thắng lợi, Ải Nam Quan trở thành cửa ngõ thông thương giữa cách mạng Việt Nam với nhân dân Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em trên thế giới. Từ đó về sau, cửa ải này đã được nhà nước Trung Quốc đổi Trấn Nam Quan thành Mục Nam Quan. Nhiều lãnh tụ, cán bộ cấp cao của Đảng, nhà nước ta đã từng đến thăm cửa ải này và xuất phát từ truyền thống chung sống hòa bình với các nước láng giềng, mong muốn đoàn kết hữu nghị với nhân dân Trung Quốc nên đã đặt tên cửa khẩu là Hữu Nghị (Trung Quốc gọi là Hữu Nghị Quan).