Những bộ sưu tập áo dài được thiết kế dựa trên ý tưởng từ các làng nghề truyền thống Việt Nam như tò he, làm quạt, khảm trai, làm gốm…
Tối 10/10 Lễ hội áo dài thời trang “Hương sắc Hà Nội” đã diễn ra tại sân chính Nguyễn Thái Học, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Đêm “Hương sắc Hà Nội” trình diễn 250 bộ áo dài từ 15 bộ sưu tập (BST) của 5 NTK nổi tiếng Hà Nội là: NTK Đức Hùng, Anh Thư, Võ Thùy Dương, Lan Hương và Nguyễn Thảo.
Đây là những bộ sưu tập được thiết kế dựa trên ý tưởng từ các làng nghề truyền thống Việt Nam.
BST áo dài ngũ sắc của NTK Đức Hùng lấy ý tưởng từ các làng nghề như Tò he; thiết kế của Võ Thùy Dương lại lấy cảm hứng từ thư pháp Việt, nghề làm quạt, khảm trai; BST áo dài của NTK Anh Thư lại mang đến vẻ đẹp của nghề gốm Bát Tràng, làm nón; áo dài của NTK Lan Hương giới thiệu về làng tranh Đông Hồ, hoa giấy, thêu ren; còn NTK Nguyên Thảo mang đến BST áo dài về nghề vẽ truyền thần…
Những bộ sưu tập được thiết kế dựa trên ý tưởng từ các làng nghề truyền thống Việt Nam
“Hương sắc Hà nội” là một sự kết hợp tinh tế, uyển chuyển giữa những nhà thiết kế thời trang, nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn, nghệ nhân làng nghề, diễn viên để trình diễn một đêm nghệ thuật mang tính chất liên hoàn, hoàn chỉnh trong thời lượng tổng cộng 135 phút trình diễn và sắp đặt để tôn vinh được những nét tinh hoa nhất của Hương sắc Hà Nội.
Đây là một chương trình thời trang nghệ thuật sắp đặt và tương tác, tạo ra một không gian sống động, một chương trình nghệ thuật mang tính biểu hiện để phác họa sinh động những giá trị nghệ thuật và văn hóa, vật thể, phi vật thể của Hà Nội, biểu hiện được văn hóa truyền thống và hơi thở thời đại, thành quả của lao động, nghệ thuật và tinh thần nhân văn của Người Hà nội, thành phố biểu tượng của Hòa Bình, trái tim nhân văn của cả nước, trí tuệ của dân tộc.
Hương sắc Hà Nội này là một trong 4 điểm cầu quan trọng trong chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô
Tổng đạo diễn của “Hương sắc Hà Nội”, NTK Đức Hùng cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội, và tôi yêu mảnh đất này. Bản thân tôi cùng những người Hà Nội tham gia thực hiện chương trình đều muốn cống hiến hết mình cho mảnh đất mình sinh ra. Tinh thần của chương trình lần này là tôn vinh văn hóa làng nghề truyền thống Hà Nội”.
“Hương sắc Hà Nội” được trình diễn theo kết cấu không dừng lại, nghĩa là sẽ không có phần đọc giới thiệu chương trình mà 2 MC đảm nhận phần dẫn dắt là cặp đôi Diễm Quỳnh, Anh Tuấn đã đọc những áng thơ tình hay về Hà Nội để đưa đẩy người xem tới các phần trình diễn.
Một số hình ảnh trong đêm hội áo dài tại Văn Miếu - Quốc tử giám:
Màn múa "Dệt nắng trên mây" ấn tượng mở màn đêm diễn
“Hương sắc Hà Nội” tạo ra một không gian mở, tương tác với người thưởng ngoạn và sân khấu chính bằng các góc sắp đặt làng nghề và các sản phẩm làng nghề, có nghệ nhân ngồi thực hiện sống động
Anh Tuấn - Diễm Quỳnh đảm nhận phần dẫn dắt. Cặp đôi MC đọc những áng thơ tình hay về Hà Nội để đưa đẩy người xem tới các phần trình diễn
NSƯT-NTK Đức Hùng trình làng BST "Áo dài ngũ sắc" mang đậm cốt cách tâm hồn của người Tràng An
BST "Áo dài ngũ sắc" đem đến cho người xem hình ảnh duyên dáng của người con gái Hà Nội vừa mang nét đẹp xưa lại vừa hiện đại
NTK Đức Hùng cũng mang đến BST áo dài những sắc màu tuổi thơ tôn vinh nghề truyền thống hàng mã và tò he
BST mang đến sắc màu tươi vui cùng với chất liệu lụa truyền thống tuyệt đẹp
Màn kết nối ca trù "Hoài niệm Văn Miếu" dưới sự thể hiện của ca sĩ Ngọc Khuê
Bộ sưu tập áo dài được lấy cảm hứng từ nghệ thuật khảm trai và nghệ thuật làm quạt của NTK Võ Thùy Dương.
20 bộ áo dài lấy cảm hứng từ những chiếc quạt ngũ sắc truyền thống của Việt Nam lại tạo nên một hiệu ứng huyền bí trên sân khấu. Những họa tiết hình quạt nổi bật khi có ánh sáng cực tím chiếu vào tạo nên hiệu ứng phản quang đầy màu sắc trong màn đêm khiến người xem bất ngờ
Bộ sưu tập được lấy cảm hứng từ nghệ thuật khảm trai với những mảnh ốc, mảnh trai có màu sắc tự nhiên và chuyển đổi theo từng góc nhìn
NTK Võ Thùy Dương cũng khéo léo đưa nghệ thuật thư pháp Việt lên tà áo dài
MC Anh Tuấn chở Diễm Quỳnh bằng xe đạp ra sân khấu khiến người xem bất ngờ, tiếp tục dẫn dắt người xem đến với BST áo dài "Nồng nàn Hà Nội" của NTK Anh Thư
BST lấy cảm hứng từ họa tiết tranh phố cổ Hà nội và tranh Đông Hồ trên lụa Vạn Phúc
BST "Hoa Hà Nội" của NTK Lan Hương.
Các loại hoa đặc trưng của Hà nội được kết hợp với nghệ thuật thêu và ren truyền thống trên áo dài
Cuối cùng là BST áo dài "Người Hà Nội" của 5 nhà thiết kế dựa trên các hình thức cách điệu áo dài thanh nữ Hà nội xưa và giai đoạn Giải phóng thủ đô
Các NTK Đức Hùng, Anh Thư, Võ Thùy Dương, Lan Hương và Nguyễn Thảo đã mang đến cho người xem những màn trình diễn áo dài mãn nhãn và thể hiện được đúng tinh hoa của văn hóa Tràng An.