> Công an vào cuộc điều tra chất tạo nạc
Sáng nay 13-4, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo về “Sử dụng chất tạo nạc và an toàn thực phẩm” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Theo báo cáo của hội thảo, thời gian vừa qua một số cơ sở đã sử dụng vài chất độc hại trong nhóm Beta– agonists. Đây là loại chất tăng trọng, tạo nạc, bổ sung vào thức ăn chăn nuôi để kích thích lợn tăng trưởng và cho thịt siêu nạc, giảm mỡ, làm thịt nạc có màu đỏ và đẹp hơn.
Beta– agonists là một chất hóa học được xếp vào loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Beta – agonist gồm các chất làm giãn cơ, được dùng để điều trị hen suyễn, bệnh phổi mãn tính.
Việc sử dụng trái phép Beta -agonists trong thức ăn chăn nuôi (đặc biệt là chăn nuôi lợn) dẫn đến việc tồn dư các chất này trong sản phẩm động vật. Người tiêu dùng ăn phải sản phẩm động vật có tồn dư hoóc-môn Beta-agonist, sẽ bị nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim tăng, tăng hoặc hạ huyết áp, dùng lâu dài sẽ gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Thời gian gần đây, thịt lợn siêu nạc xuất hiện tại các chợ cóc, chợ ngoại ô khu công nghiệp tại các vùng ven TP.HCM như Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi. Các cùng lân cận như Bình Dương, Biên Hòa, Đồng Nai cũng có gần 30 cửa hàng.
Các loại thuốc này do Trung Quốc sản xuất không mùi không màu.
Theo kết quả điều tra, từ khi có “thần dược”, lợn nuôi bình thường ba tháng có thể xuất chuồng (bình thường phải mất bốn tháng). Một số trại chăn nuôi cho ăn trước khi xuất chuồng 20 ngày. Lợn ăn vào thời điểm này sẽ giúp tích nước, tạo nạc, lớn nhanh, cho lãi cao. Tuy nhiên, nếu cho ăn quá nhiều lợn dễ bị gãy xương. Giá thuốc nguyên chất thường là 20-25 triệu/kg. Các thuốc đã pha trộn giá 500.000-1.000.000 triệu đồng/kg.
Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Vang - Ủy viên hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, việc phát hiện thịt lợn siêu nạc gây nguy hiểm đến sức khỏe đã gây nên tâm lý lo lắng cho nhiều người dân, khiến nhiều người tẩy chay luôn cả thịt lợn sạch, không dám tiêu dùng. Tuy nhiên, hầu hết những cơ sở bị phát hiện đều là những cơ sở nhỏ.
“Trong thời gian tới, sau khi tiến hành kiểm tra và có kết luận cụ thể, chúng tôi sẽ công khai tên của những cơ sở có sử dụng chất cấm để mọi người đều được biết, cũng như có các biện pháp xử lý." – ông Vang cho biết.
Khó phân biệt thịt lợn siêu nạc và thịt sử dụng chất tạo nạc
Theo các chuyên gia, khó có thể phân biệt thịt lợn siêu nạc trên thị trường với thịt sử dụng chất tạo nạc về mặt cảm quan.
Đặc điểm thịt lợn siêu nạc: Khi lợn còn sống, da có độ căng khác thường, trương mỏng, có cảm giác như ứ nước bên trong. Trên da còn xuất hiện đốm đỏ, lợn đi đứng nặng nề. Lợn có nạc nhiều vun cao (nạc gần sát với da), có mỡ ít, lớp mỡ mỏng khoảng 0,5-0,6 cm ( bình thường dày 1- 2 cm).
Thịt lợn ăn chất tạo nạc có màu đỏ như thịt bò, không còn mềm mại (thịt lợn bình thường có màu hồng tự nhiên và mịn); khi nấu bị mất chất béo và mùi vị không thơm ngon. Loại thịt lợn ăn “bột siêu nạc” tích nước nhiều, thịt có độ ẩm cao, mặt cắt trên thớ thịt không được mịn, thớ ngắn, độ săn chắc kém. Tại bắp vai, đùi vật nuôi, lượng thịt nạc phát triển bất thường, u lên, màu đỏ au giống thịt bò.
Cách chọn thịt lợn an toàn
Thịt lợn ngon nên chọn mua ở những con lợn khỏe mạnh, có lớp mỡ dày khoảng 2cm, mỡ màu trắng, thớ thịt mịn, chắc, có độ đàn hồi tốt. Khi nấu có mùi thơm hấp dẫn.
Tránh mua những loại thịt lợn có mông và vai nở to, bắp thịt cuộn lên một cách khác thường. Còn thịt đã qua pha cắt thì có thể phân biệt bằng quan sát tỷ lệ nạc trên miếng thịt: Thịt sử dụng chất tăng trọng có tỷ lệ nạc quá nhiều, màu hơi sậm, nạc gần như dính vào da, phần mỡ rất mỏng. Trong khi thịt lợn nuôi theo kỹ thuật thông thường có màu hồng tươi, phần mỡ khá nhiều.