Chạm Tết người Hà Nhì
Với sự nhiệt tâm, nhiệt thành kết nối của Tỉnh Đoàn Điện Biên, chúng tôi lên Sín Thầu, Mường Nhé những ngày cuối tháng 12 năm Quý Tỵ để trao lá cờ Tổ quốc in dấu sóng gió Trường Sa tới cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng A Pa Chải. May mắn, dịp này trùng với Tết của người Hà Nhì. Qua giới thiệu, chúng tôi sẽ được ăn Tết với đồng bào.
Cứ như lời của Bí thư Tỉnh Đoàn Vừ A Bằng, từng là Phó Chủ tịch huyện Mường Nhé, phụ trách mảng Quốc phòng - An ninh: “Số các nhà báo rất may mắn. Mình chưa được ăn cái Tết nào của đồng bào Hà Nhì”. Gắn với đất Mường Nhé khi nơi đây là điểm nóng về an ninh chính trị, anh Vừ A Bằng thường xuyên xuống cơ sở. Nhưng dịp Tết của đồng bào Hà Nhì, vị cán bộ người Mông này lại bận bịu với những công việc mang tính đặc thù của lĩnh vực phụ trách mà nhỡ nhàng.
Cũng theo lời anh Vừ A Bằng, chúng tôi còn may mắn vì đường sá đi đã nhàn hơn. Mưa sườn sượt suốt mấy ngày, nhưng chiếc xe 7 chỗ của đoàn cứ bon bon, liền mạch từ TP Điện Biên Phủ, qua thị trấn Mường Chà, rồi theo tỉnh lộ 131 lên Mường Nhé - Chung Chải - Sín Thầu.
So với cung đường cũ, nhiều đoạn đã được nắn cua, hạ dốc. Còn trước đây, muốn vào Mường Nhé bằng ô tô phải canh đúng đợt khô ráo, hoặc phải dùng xe U-oát, người ngồi trên xe như… lên đồng vì nghiêng, xóc nảy chồm chồm.
Nhiều đoạn đường đất lầy, dốc cao trơn, xe máy còn phải quấn thêm xích vào bánh xe mới có thể vượt qua. Đường đẹp, xe khách 24 chỗ sang chẳng kém xe du lịch nhộn nhịp từ TP Điện Biên Phủ lên tận trung tâm xã huyện Sín Thầu, Mường Nhé. Cửa hàng tạp hóa, phục vụ ăn uống cũng có hai bên đường cho lữ khách dừng chân nghỉ ngơi, mua quà…
Sau hơn nửa ngày ngồi xe, chúng tôi đến trung tâm UBND xã Sín Thầu, một trong bốn xã của huyện Mường Nhé (cùng Sen Thượng, Leng Su Sìn, Chung Chải) có đa số người Hà Nhì sinh sống. Không khí tất bật chuẩn bị Tết trong các gia đình từ việc tập trung mổ lợn, đến làm bánh dày, nấu nồi cơm lớn… đã át đi thời tiết mưa lạnh ở Sín Thầu.
Người Hà Nhì ăn Tết sớm hơn Tết Nguyên đán của người miền xuôi. Đây là thời điểm vừa thu hoạch mùa màng xong, đồng bào tổ chức mừng vụ mùa bội thu trong năm và cầu khấn sang năm mới mọi điều may mắn, tốt lành sẽ đến.
Chị Bờ Mì Lớ (một cán bộ xã Sín Thầu, người Hà Nhì) cho hay: “Thời gian ăn Tết của người Hà Nhì bắt đầu từ ngày Rồng, tháng 12 dương lịch hằng năm. Trước đây, người Hà Nhì ăn Tết cổ truyền trong năm ngày, còn hiện nay chỉ diễn ra trong ba ngày”.
Trong ngày Tết cổ truyền Hà Nhì không thể thiếu bánh dày, thịt gác bếp, xúc xích và dưa muối ăn kèm với nước chấm làm từ quả Mắc Có. Ngoài ra còn có món cơm đỏ. “Đây là gạo tẻ nương được xát một lần duy nhất nên vẫn giữ được những vệt đỏ. Cách nấu là chần gạo qua nước sôi cho nở ra, rồi đưa vào nồi hấp. Cơm chín, hạt cơm dẻo, ngọt và thơm”, chị Bờ Mì Lớ giới thiệu.
Trong không khí vui đón Tết cổ truyền đồng bào Hà Nhì, chúng tôi may mắn được cảm nhận qua từng các món ăn trên mâm cỗ và các tiết mục văn nghệ chào mừng Tết cổ truyền dân tộc do UBND xã Sín Thầu tổ chức.
Trong mâm cỗ rộn lên những âm điệu chúc nhau sự tốt lành với Kha pi pô (chúc sức khỏe); Cò lỉ cò la (có đi có lại) của chén rượu mừng… Năm nay, người Hà Nhì ăn Tết đón năm mới với nhiều điều đổi mới. Điện lưới quốc gia đã về tới tận xã.
Trong mâm cỗ rộn lên những âm điệu chúc nhau sự tốt lành với Kha pi pô (chúc sức khỏe); Cò lỉ cò la (có đi có lại) của chén rượu mừng… Năm nay, người Hà Nhì ăn Tết đón năm mới với nhiều điều đổi mới.
Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Sín Thầu - Pờ Dần Sinh hồ hởi cho biết, Tết năm nay, địa phương đã có đường, điện, trường trạm. Kinh tế, xã hội năm nay phát triển hơn năm trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 45% năm 2012 xuống còn 37% năm 2013. Tết năm nay, thêm điểm mới khi có một số vị khách Trung Quốc sang tham dự, chúc mừng. Như lời của Chủ tịch xã Pờ Dần Sinh, đây là cơ hội để Sín Thầu thể hiện sự hiếu khách và giới thiệu những nét văn hóa, thành quả lao động của người Hà Nhì Điện Biên nói chung và ở xã Sín Thầu nói riêng.
…Dưới ánh đèn điện, chương trình văn nghệ chào mừng Tết cổ truyền diễn ra nhiều màu sắc, sôi nổi hơn với thiết bị âm thanh tăng âm, lọc tiếng. Những múa xòe, múa nón Hà Nhì, múa Á Mỳ Sơ, múa vui sản xuất duyên dáng trong âm thanh rộn ràng của trống, khèn.
Những ngày sau dọc dài trên nẻo Mường Nhé, chúng tôi tiếp tục hòa vào không khí Tết của người Hà Nhì trong câu chuyện đi chúc Tết ở các thôn bản của chiến sĩ biên phòng đóng trên địa bàn. Lên đồn A Pa Chải, Chính trị viên, Thượng tá Lê Văn Thinh chia sẻ, một số anh em xuống vui Tết với bà con, đồng thời tham gia giữ gìn an ninh trật tự để đồng bào có Tết sum vầy, vui vẻ. Hôm theo Bí thư Tỉnh Đoàn Điện Biên Vừ A Bằng vào thăm Đội sản xuất số 10 của bộ đội biên phòng, cán bộ trực cũng cho hay, một số khác đã xuống bản để chúc Tết bà con từ sớm.
Từ cột mốc số 3…
Chúng tôi lên cột mốc số 3 giữa biên giới Việt Nam - Trung Quốc, sau một đêm nghỉ lại ở Trạm kiểm soát biên phòng A Pa Chải. Đây là cột mốc được xác định chủ quyền từ năm 2001. Cột màu trắng xám có chiều cao 1,2m, dày 3cm. Nhìn từ đây, Trạm kiểm soát biên phòng A Pa Chải vững chãi với tòa nhà hai tầng khang trang nổi bật giữa núi rừng. Chợ biên giới A Pa Chải (xã Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên) - Long Phú (huyện Giang Thành, Vân Nam, Trung Quốc) có diện tích rộng so với mật độ dân cư còn thưa thớt.
Chợ A Pa Chải được thành lập từ năm 2010, mở phiên họp vào các ngày 3, 13 và 23 dương lịch hằng tháng. Các quán bán hàng được làm khá đơn sơ và chia ra từng ô nhỏ để bày bán hàng hóa với đủ các mặt hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu của nhân dân khu vực vùng biên. Các phiên chợ thường họp từ sáng sớm đến 5 giờ chiều.
Ở chợ biên giới hiện nay, các sạp hàng, cũng như cương thổ của hai quốc gia phân biệt bằng vạch bê tông rộng 60cm. Phần đường của Việt Nam đã được rải nhựa, còn phía bên bạn Trung Quốc đang là đường đất. Từ phần nền đường đất bên bạn, hứa hẹn con đường cái quan rộng dài góp phần thúc đẩy sự thông thương đã và đang diễn ra của nhân dân hai nước, đánh thức những tiềm năng kinh tế biên.
Trong không khí giao hảo, thông thương, chúng tôi đến một cửa hàng của chị bán hàng người Trung Quốc gần sát mép đường bê tông để hỏi mua chiếc ô, thử cảm giác đi chợ vùng biên. Phải dùng tay chỉ chọn xem các mặt hàng và bấm máy tính để trả giá, tính tiền là chuyện bình thường ở chợ vùng biên. Một cái gật đầu và nụ cười tươi rói giữa chủ và khách đánh dấu sự kết thúc của cuộc mua bán thú vị.
Theo giới thiệu, chợ vùng biên A Pa Chải – Long Phú (Trung Quốc) còn có cả những người Lào, dù ở khá xa, cũng đến mua bán. Nghe vậy, chúng tôi càng tiếc vì lỡ mất phiên chợ trước Tết của người Hà Nhì để cảm nhận không khí tấp nập, nhìn ngắm những hoa văn và màu sắc của trang phục vùng biên xuống chợ.