Ẩn số Hồng ngọc Quốc bảo

TP - Khối ruby nặng 2.160 gram yên vị trong Kho bạc Nhà nước thấm thoắt đã 10 năm. Bao chuyện quanh số phận viên hồng ngọc quốc bảo dần lắng xuống. Chuyện định giá nó dường như chưa có hồi kết. Những nhân vật chính liên quan đều cho rằng giá trị chính xác của hòn đá ngọc vẫn là một bí ẩn.
Viên ruby bảo vật quốc gia nặng 2.160 gram
Mỏ Tân Hương, Yên Bái, nơi tìm thấy viên ruby bảo vật quốc gia.

Đợt đấu giá viên ruby đầu tiên ở Myanmar (vỡ ra từ viên đá quốc bảo) nặng 290 carat năm 1997 được 290.000 USD. Sau đó, Tổng Công ty Đá quý & Vàng Việt Nam (VIGEGO) mời một số đoàn chuyên gia đá quý sang Việt Nam xem viên ruby to, khối đá mẹ của viên ruby con kia, để giúp VIGEGO định giá. KS Nguyễn Xuân An, Phó Tổng Giám đốc VIGEGO, được giao làm việc về vấn đề này.

20 nghìn hay vài chục triệu đô la?

Trước hết, ông mời đoàn Israel xem cả một buổi rồi hỏi họ khối đá này trị giá bao nhiêu. Hồi hộp chờ chuyên gia lên tiếng với suy luận rằng cái lõi phụ nặng 290 carat (tương đương 58 gram) từ mảnh vỡ của nó mà còn bán được 290.000 USD thì khối đá mẹ nặng 2.300 gram phải là…

Albert Mashiah là sáng lập viên ngành công nghiệp đá quý Israel, thành viên thế hệ thứ ba của ngành kinh doanh đá quý và kim cương Israel. Nhiều năm, ông là Phó Chủ tịch Thị trường Chứng khoán Kim cương & Đá quý, Hiệp hội Gia công Lục Bảo ngọc Israel, và Viện Địa chất Đá quý & Kim cương (GIPS). Albert Mashiah còn hợp tác với quân đội Myanmar lập xưởng chế tác đá quý bằng công nghệ và thiết bị của Israel. KS An đã đến tận nơi xem cái xưởng đó nhân chuyến sang Myanmar bán đá quý.

Khen viên đá rất đẹp nhưng Albert Mashiah phán nó chỉ… 20.000 USD.

" Nhân bên trong có thể to như quả trứng gà hay như cái gì đó, nhưng phải rõ ràng, cụ thể. Nhỡ đâu, nếu bên trong rạn nứt, là vân mây, thì..." - KS Nguyễn Xuân An

“Chưa bóc tách lớp vỏ thì không thể biết bên trong thế nào. Còn viên 290 carat kia đã bộc lộ hết, là thuần hồng ngọc”, Albert Mashiah nói.

“Tôi hỏi ông nhé, nếu nó (nhân bên trong là ruby có màu đỏ máu bồ câu - QD) to bằng cái bật lửa Thailand, giá phải cả triệu USD”, KS An cật vấn, chỉ vào bề mặt tách vỡ giữa mảnh đá con với mảnh đá mẹ, lộ ra lớp nhân có màu đỏ “nước một” to bằng đáy chiếc bật lửa.

“Tôi đồng ý với ông viên đá này có thể lên đến vài chục triệu USD nhưng phải bộc lộ hết ra. Chứ nếu để thế này, tôi chỉ có thể trả từng ấy thôi. Cái nhân ấy có thể to bằng chiếc bật lửa, có thể to hơn, cũng có thể bé hơn, thậm chí chẳng còn gì”.

Nhớ lại các mẫu ruby bày bán bên Myanmar, KS An thấy đúng là, nếu không tách hẳn phần vỏ, không thể bán được cho ai. “Tôi thấy bên đó người ta bóc hết, có viên ruby bán được nhiều triệu USD mà chỉ nặng 7 gram”, KS Nguyễn Văn Chế, nguyên trưởng phòng kỹ thuật công nghệ, Công ty Đá quý & Vàng Yên Bái (VIGEGO Yên Bái) nói. VIGEGO Yên Bái chính là doanh nghiệp tìm thấy viên đá ruby tại mỏ đá Tân Hương năm 1997.

Thấy chuyên gia có lý, KS An làm đề nghị bóc vỏ khối ruby nhưng cấp trên không đồng ý. VIGEGO Yên Bái tiếp tục bóc thêm một chút ở đỉnh, cho sạch sẽ hơn, nom đỡ hoang dại hơn thôi, chứ không dám bóc tách hẳn vì không được phép.

Chưa rõ

Năm 1999, Bộ Tài chính cho thành lập Hội đồng Giám định “để giám định viên đá quý 2.300 gram” theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2973/VPCP-CN ngày 5-7-1999. Ngày 22-9-1999, Hội đồng Giám định “mời ba chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đá quý cho ý kiến tư vấn giúp hội đồng về việc đánh giá giá trị và đề xuất ý kiến xử lý” viên đá quý. Một trong ba chuyên gia chính là KS An, lúc đó đã nghỉ hưu. Phát biểu của KS An được Bộ Tài chính ghi lại và trình Thủ tướng Chính phủ hẳn hoi nhưng không được tiếp thu.

Ông đã phát biểu gì tại cuộc gặp ấy? Về mặt khoa học, viên đá đã bị vỡ một phần và bóc tách một phần nên không còn ý nghĩa về mẫu vật nữa. Nếu chọn làm mẫu vật thì, trên thực tế, có thể có nhiều mẫu vật điển hình hơn. Còn nếu để nguyên, không bóc tách tiếp nữa, chưa thể đánh giá được giá trị kinh tế, KS An khẳng định, trang thiết bị kỹ thuật hiện tại không cho phép xác định được thực chất bên trong.

Theo ông An, sau khi bóc tách, sẽ xử lý như sau. Thứ nhất, nếu phần ruby có chất lượng cao có khối lượng lớn thực sự thì hãy trình Thủ tướng Chính phủ cho để lại làm quốc bảo; phần còn lại có giá trị thấp hơn thì giao cho VIGEGO bán để có một phần nguồn tài chính. Thứ hai, nếu phần ruby được bóc tách có khối lượng nhỏ hoặc bị rạn nứt nhiều, giá trị thấp thì trình Thủ tưởng Chính phủ giao cho VIGEGO bán và tự trang trải.

“Nhân bên trong có thể to như quả trứng gà hay như cái gì đó, nhưng phải rõ ràng, cụ thể. Nhỡ đâu, nếu bên trong rạn nứt, là vân mây, thì coi như vứt”, nhấp chén trà trong căn hộ chật chội ở ngõ Quỳnh, phố Bạch Mai, Hà Nội, người kỹ sư quê tận tỉnh Bình Định thở dài.

Ai đề nghị làm quốc bảo?

Ai là người đề nghị đưa viên đá thành báu vật quốc gia? Tìm hiểu thì được biết, chính công văn đã dẫn của VIGEGO “đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho giữ viên đá quý làm báu vật quốc gia”.

Sau khi đề nghị giữ viên đá làm quốc bảo, vẫn công văn của VIGEGO đề nghị xử lý về mặt tài chính, theo đó, cấp thanh toán cho VIGEGO Yên Bái 7-10 tỷ đồng; trích một khoản để VIGEGO Yên Bái nộp thuế tài nguyên và quỹ bảo vệ mỏ đá quý cho tỉnh Yên Bái; và cấp tiếp vốn điều lệ cho VIGEGO 60 tỷ đồng.Theo ông Nguyễn Tiến Long, Chính phủ sau đó trả cho Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (doanh nghiệp mà VIGEGO được sáp nhập) 50 tỷ đồng, cho tỉnh Yên Bái 20 tỷ đồng, và cho VIGAGO Yên Bái 9 tỷ đồng.

GS.TS Phan Trường Thị, Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cũng đồng tình với quan điểm trên. Trong lần được Hội đồng Định giá mời tham vấn cùng với KS Nguyễn Xuân An, GS.TS Phan Trường Thị đưa ra cách đánh giá trái ngược với lập luận của KS An.

Theo GS Thị, hiện trạng viên đá như đã được bóc tách đủ để giúp “khẳng định nó là viên đá quý, có phần lõi là ruby chất lượng cao rất lớn, thuộc loại quý hiếm trên thế giới”.

Ông đề nghị “không bóc tách tiếp nữa vì nếu tiếp tục bóc tách sẽ phá vỡ viên đá, làm mất đi hình dạng tự nhiên ban đầu, mất đi ý nghĩ khoa học và có thể làm tổn thất giá trị kinh tế của viên đá”. Cuối cùng, ông “đề nghị nhà nước cho giữ viên đá làm báu vật quốc gia”.

Kết thúc cuộc họp ngày 22-9-1999 có sự tham dự của ba chuyên gia (KS Nguyễn Xuân An, GS.TS Phan Trường Thị, và ông Dương Bá Dũng, Giám đốc Phòng Kiểm định XNK Đá quý, VIGEMLAB), Hội đồng Giám định của Bộ Tài chính nhận định “viên đá ruby quý, hiếm có trên thế giới và là hiện vật đá quý lớn nhất được khai thác tại Việt Nam từ trước đến nay, cần được giữ lại làm bảo vật quốc gia”. Hội đồng nhất trí với ý kiến “không bóc tách tiếp để lấy riêng phần ngọc có chất lượng cao ở bên trong”.

Riêng về phần định giá, trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 27-9-1999 do Thứ trưởng Bộ Tài chính hồi đó, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ký, Hội đồng Giám định “thấy chưa đủ căn cứ để ước tính giá trị của viên đá”. Nhưng con số 10 triệu USD thì vẫn lơ lửng ở đó...

Cách định giá khác nhau

Vì sao cách định giá cao như vậy lại được đa số đồng tình?

Hội đồng Quản trị VIGEGO gửi một công văn (Số 371/1999/CV-HĐQT đề ngày 20-9-1999) cho Hội đồng Giám định của Bộ Tài chính. Công văn, do Chủ tịch HĐQT VIGEGO Hoàng Thế Ngữ ký, “ước tính giá trị của viên đá khoảng từ 8,35-10,98 triệu USD”.

Viên ruby bảo vật quốc gia nặng 2.160 gram.

Trong ba ngày, từ 15-9 đến hết ngày 17-9, năm 1999, Hội đồng Giám định của Bộ Tài chính chỉ đạo và giám sát tổ chuyên viên kỹ thuật giúp việc hội đồng tiến hành làm sạch tiếp tục, “bóc gần như hết lớp vỏ sa kết bọc ngoài của viên đá, chỉ để lại một phần ở mặt đế, tách một phần lớp vỏ mỏng corindon, và mở rộng cửa sổ phần viên đá có chất lượng cao”. Kết quả xử lý được ghi chép cực kỳ tỷ mỷ và báo cáo lên hẳn Thủ tướng Chính phủ, đại ý như sau:

Trọng lượng viên đá sau khi làm sạch là 2.160 gram. So với trước khi làm sạch là 2.300 gram, trọng lượng hao hụt là 140 gram. Trong nhóm trọng lượng hao hụt ấy, có một mảnh ruby thu hồi nặng 3 gram, hay 15 carat, “màu hồng tươi, hình dạng mảnh vỡ mỏng”.

Cái mảnh rạn, ít giá trị này được Hội đồng Định giá nhất trí giao lại cho VIGEGO “quản lý và sử dụng”. Khối lượng thực tế hao hụt là 137 gram, được nhận định là do phần vỏ sa kết, bột đá, mảnh vụn corindon rất nhỏ. Hội đồng Giám định “nhất trí kết luận phần này hoàn toàn không có giá trị và không thu hồi”.

Công văn (Số 4891 TC/KBNN) đề ngày 27-9-1999 của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ, có đoạn: “Viên đá được làm sạch và bóc tách một phần lớp vỏ corindon đã để lộ phần tinh thể corindon thực chất. Ước chừng phần đá quý có chất lượng ngọc bằng khoảng 80% khối lượng viên đá, theo ước tính của chuyên viên kỹ thuật - Tổng Công ty Đá quy &Vàng Việt Nam”.

Với thực trạng trên, Hội đồng Giám định sơ bộ đánh giá “đây là viên ngọc ruby quý, hiếm có và lớn nhất Việt Nam tại thời điểm hiện nay”. Vậy ai là người trong VIGAGO nêu ra mức giá 8,35 -10,98 triệu USD cho viên đá và ước tính phần ngọc của viên đá chiếm 80% khối lượng của nó, và dựa trên cơ sở nào?

Tôi may mắn gặp được một nhân chứng giúp giải mã phần nào câu hỏi trên. “Nói nhà nước định giá song thực ra không phải nhà nước”, ông Nguyễn Tiến Long, nguyên Phó tổng Giám đốc VIGEGO, khẳng định.

Theo ông Long, hội đồng định giá của VIGEGO đối với cục đá mẹ do Chủ tịch HĐQT VIGEGO Hoàng Thế Ngữ chủ trì. Quan điểm của hội đồng định giá ở VIGEGO rất khác nhau. Ông Long nhớ lại một cách định giá thế này: Một đồ thị mô tả đơn giá của hai viên ruby bán được hồi ấy được vẽ nên. Điểm thứ nhất là đơn giá viên ruby nặng 290 carat bán được với giá 290.000 USD, tương đương 1.000 USD/carat. Điểm thứ hai là giá bán viên ruby 56 carat được 562.000 USD, tương đương trên 10.000 USD/carat. Viên này được bán đấu giá tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, năm 1994.

Hai điểm đơn giá được nối với nhau thành một đoạn thẳng, trung điểm của đoạn thẳng được chọn là mức đơn giá áp dụng cho khối đá 2.300 gram. Giá cuối cùng sau khi nhân với tỷ lệ ruby ước đoán là 8,35 - 10,98 triệu USD. Và một mức giá trung gian giữa hai mức giá kia được chọn. Nguồn cơn của con số 10 triệu USD là thế, ông Long nhớ lại.

Ông Long nói tiếp: “Nhận định như vậy là không thỏa đáng. Không bóc ra thì làm sao biết được tỷ lệ ngọc là bao nhiêu. Mặt khác, tại sao lại lấy đơn giá một viên ruby khai thác từ nơi khác, mỏ đá Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, để áp giá tham khảo cho viên đá khai thác được ở Yên Bái?”.

Là Tổng Giám đốc VIGEGO, tại sao ông không lên tiếng và can thiệp? “Tôi không tham gia hội đồng định giá nhưng tôi có ý kiến và không được tiếp thu. Tôi chia sẻ quan điểm của KS Nguyễn Xuân An. Còn, theo quy định, các văn bản gửi ra bên ngoài VIGEGO là do Chủ tịch Hội đồng Quản trị ký chứ không phải tôi”.

Viên ruby bảo vật quốc gia nặng 2.160 gram.
Viên ruby bảo vật quốc gia nặng 2.160 gram.

Quốc Dũng
hqdung60@yahoo.com

Theo Báo giấy