An Giang: Nhiều công trình ý nghĩa chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI

TPO - Ngày 23/9, Tỉnh ủy An Giang tổ chức họp báo thông tin về Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đại hội lần này có sự tham dự của 350 đại biểu chính thức, trong đó có 44 đại biểu là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh hành khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020; 306 đại biểu được bầu từ đại hội của 16 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI có nhiệm vụ đánh giá đúng tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, nghiêm túc kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ qua; chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và xác định phương hướng, mục tiêu, các khâu đột phá, các nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ tới.

Bên cạnh đó, Đại hội lần này sẽ bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, và xem xét, lựa chọn những đồng chí thật sự tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn để bầu vào Đoàn đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tỉnh ủy An Giang tổ chức họp báo thông tin về Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI - Ảnh: Kim Hà.

Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, An Giang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh trong bối cảnh gặp nhiều tác động từ tình hình chính trị, kinh tế thế giới; trong nước, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, sạt lở, dịch bệnh diễn biến khó lường. Tuy nhiên, tỉnh vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Theo đó, quy mô GRDP năm 2020 đạt 89.362 tỷ đồng (năm 2015 đạt 60.467 tỷ đồng), đứng thứ 5/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (tương đương năm 2015). GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 46,8 triệu đồng (tăng 16 triệu đồng so năm 2015).

 Cơ cấu kinh tế đến năm 2020 khu vực I chiếm 32,86% (giảm 8,17% so giai đoạn 2010 - 2015), khu vực II chiếm 14,4% (tăng 2,79%), khu vực III chiếm 49,09% (tăng 5,1%); thuế sản phẩm - trợ giá chính sách 3,66% (giảm 0,33%).

 Đã mời gọi được 60/241 dự án đăng ký đầu tư vào nông nghiệp, tổng vốn đăng ký là 22.860 tỉ đồng, chiếm trên 24,9% tổng số dự án và 36,52% tổng vốn đăng ký đầu tư.

 Dù gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã lồng ghép nhiều nguồn lực, đặc biệt là huy động nguồn lực xã hội chăm lo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2020 giảm còn 1,93%, giảm bình quân 1,5%/năm. Chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo được nâng lên. Nổi bật là tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia đứng top 10 cả nước và đứng đầu ĐBSCL 4 năm liền 2017 - 2020.

 Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng, chống dịch bệnh (nhất là dịch COVID-19) được tập trung chăm lo. Công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm thực hiện; có giải pháp khắc phục kịp thời các vùng bị sạt lở và chăm lo ổn định cuộc sống nhân dân.

 Công tác quân sự, quốc phòng được quan tâm thường xuyên. An ninh - chính trị, trật tự - an toàn xã hội được giữ vững.

 Để chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tỉnh An Giang đã thực hiện hoàn thành 10/13 công trình. Tiêu biểu như: Khởi công Công trình trụ sở làm việc mới của Công an tỉnh An Giang với kinh phí xây dựng 612 tỷ đồng; khởi công xây dựng Nhà hát tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 215 triệu đồng, trên diện tích 16.328m²; khánh thành Dự án nâng cấp đường phục vụ an ninh quốc phòng kết hợp với đê ngăn lũ vùng tứ giác Long Xuyên (ĐT955A) dài 21 km. Đây là công trình giao thông quan trọng của tỉnh, là tuyến vành đai biên giới có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, vừa là tuyến đê bao kiểm soát lũ cho vùng Tứ giác Long Xuyên, với tổng kinh phí đầu tư trên 994 tỷ đồng.