Ấn Độ, Pakistan gia nhập SCO: Cán cân quyền lực thay đổi

TPO - Việc Ấn Độ và Pakistan gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), có thể làm thay đổi đáng kể bản đồ chính trị thế giới.
Lãnh đạo các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải

Hãng RIA Novosti ngày 10/7 dẫn lời Tổng thống Uzbekistan, ông Islam Karimov tại cuộc gặp với người đồng cấp Nga, Tổng thống Vladimir Putin, rằng việc gia nhập của các cường quốc hạt nhân vào SCO có thể thay đổi cán cân quyền lực trên thế giới.

Tổng thống Karimov nói rằng, Uzbekistan, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của SCO trong năm tới, kỳ vọng và chờ đợi sự kiện này.

“Tiến trình kết nạp thành viên mới của SCO như thế nào? Diễn ra trong bao lâu? Một khi các thành viên mới gia nhập vào SCO, tôi nghĩ có thể thay đổi cán cân quyền lực”, Tổng thống Karimov nói.

Trong khi đó. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định rằng, SCO đang phát triển thành công và ngày càng có giá trị.

"Tổ chức của chúng ta đang phát triển thành công. Ngoài các thành viên hiện tại của tổ chức, có các đối tác của chúng ta từ 12 quốc gia đang thể hiện mối quan tâm rõ rệt tới công tác của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải”, Tổng thống Putin nhận định, đồng thời đề cập tới việc xem xét kết nạp Ấn Độ và Pakistan vào SCO: “Những quốc gia khác cũng muốn tăng cường các tiếp xúc với tổ chức của chúng ta, và điều đó là dễ hiểu, bởi SCO đang ngày càng gia tăng trọng lượng, củng cố vị thế và trở nên quan trọng hơn nữa".

Được biết, ​trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh SCO đang diễn ra ở Liên bang Nga, các thành viên SCO sẽ duyệt đơn đăng ký gia nhập nhận quy chế thành viên của Ấn Độ và Pakistan. 

SCO là một tổ chức an ninh và kinh tế khu vực bao gồm Nga, Trung Quốc, Uzbekistan, Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan, hoạt động từ năm 2004.

Năm 2005, Ấn Độ trở thành quan sát viên, cùng với Iran, Pakistan và Afghanistan. Sri Lanka, Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ là các đối tác đối thoại.

Trước đó tại SCO, Ấn Độ đã thể hiện sự sẵn sàng cho một vai trò quan trọng hơn trong tổ chức này.

Tháng 6/2011, SCO phê duyệt một “bản ghi nhớ nghĩa vụ,” theo đó cho phép các nước không phải thành viên được xin gia nhập SCO.

Trung Quốc đã cố gắng hình thành một nhóm an ninh phi phương Tây nhằm đối trọng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cho phép nó có nhiều cơ hội hành động quân sự hơn ở châu Á. SCO, thường được giới chức quân sự phương Tây mệnh danh là NATO của châu Á.

Ở tầm vĩ mô, SCO hình thành trên cơ sở tầm nhìn chung và sự tin cậy lẫn nhau với các tổ chức tương tự, ví dụ như Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể. 

Theo Theo RIA Novosti