Ám ảnh nhóm khủng bố bắt cóc, bán gần 300 nữ sinh

Liên tục gây ra những vụ đánh bom đẫm máu, sát hại hàng trăm thanh thiếu niên sau khi thừa nhận đã bắt cóc và đem bán gần 300 nữ sinh, phiến quân Hồi giáo Boko Haram đang nổi lên là nhóm khủng bố vô cùng nguy hiểm ở Nigeria thời gian gần đây.
Các thành viên Boko Haram.

Điên cuồng và cực đoan

Ngày 14/4, Boko Haram đã bắt cóc 276 nữ sinh (không tính 53 em đã trốn thoát) ở một trường trung học thuộc làng Chibok, bang Borno, Đông Bắc Nigeria. Hành động táo bạo này đã gây chấn động, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Bất chấp tất cả, Boko Haram ngày 8-5 tiếp tục bắt cóc thêm 8 nữ sinh ở làng Warabe, gần biên giới với Cameroon, nơi đóng quân của lực lượng này. Chúng không chỉ xông vào làng bắt người mà còn lấy đi nhiều lương thực, thực phẩm trong làng.

Thủ lĩnh của nhóm phiến quân trên là Abubakar Shekau đã ngang nhiên xuất hiện trong một đoạn video (sau đó được CNN đăng tải), nói bằng tiếng địa phương Hausa. Tên này khẳng định chính nhóm của mình đã bắt cóc các em gái và cho biết sẽ bán các em sang các quốc gia láng giềng như Cameroon, Chad hoặc gả cho các thành viên của nhóm phiến quân này với giá 12 USD mỗi em.

Theo thông tin mới nhất từ các cơ quan tình báo Mỹ thì các nữ sinh đã bị chia thành nhiều nhóm nhỏ, chuyển đến nhiều khu vực khác nhau. Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, đặc phái viên của LHQ về giáo dục toàn cầu, nói với CNN rằng: “Thời gian để tìm kiếm các nạn nhân là rất gấp rút. Nhiều khả năng các em đã được đưa ra khỏi khu vực châu Phi”.

Những ngày qua, người nhà của các nữ sinh không ngừng xuống đường tuần hành kêu gọi chính phủ có hành động kịp thời để cứu con gái của họ. Sự vô vọng ngày càng hiện rõ trên những gương mặt của những phụ huynh này.

Người dân chưa hết hoang mang thì lại liên tiếp đón nhận tin tức hàng loạt vụ đánh bom trên khắp lãnh thổ Nigeria, khiến hàng trăm người thương vong. Chúng còn không ngần ngại xả súng tấn công các cảnh sát trên đường phố. Ngày 5/5 vừa qua, Boko Haram đã tràn vào bang Gamboru Ngala ở khu vực hẻo lánh ở gần biên giới Nigeria với Cameroon để phóng hỏa, thiêu sống ít nhất 310 người dân vô tội.

Mẹ của các nữ sinh Nigeria xuống đường kêu gọi chính phủ nước này dốc hết sức để cứu con gái họ.

Theo CNN, ông Shehu Sani, cựu chuyên gia hòa giải giữa Boko Haram và Chính phủ Nigeria cho rằng, mục tiêu của sự hung hăng lần này là vì chúng muốn thương lượng với Nigeria khả năng thả những thành viên của chúng đang bị giam giữ.

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đang gấp rút triển khai lực lượng hỗ trợ chính quyền Nigeria đối phó với các đối tượng cực đoan này. Mỹ là một trong những quốc gia lên tiếng và có hành động để hỗ trợ Nigeria (dù dư luận cho rằng Mỹ có phần phản ứng khá chậm trễ). Mỹ đang cử một nhóm chuyên gia thực thi pháp luật và tổ tư vấn quân sự đến Nigeria. Chính phủ Anh cũng khẳng định sẽ gửi một nhóm chuyên viên sang hỗ trợ, đồng thời cung cấp thông tin vệ tinh để tìm kiếm các nữ sinh.

Lớn mạnh ngoài vòng pháp luật

Trước sự điên cuồng của Boko Haram lần này, Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan đã thề sẽ mang các nữ sinh về nhưng dường như chính quyền ông đã không có bất cứ động thái nào được cho là đủ mạnh mẽ để thực hiện cam kết trên. Cảnh sát Nigeria đã treo giải thưởng 500.000USD cho bất cứ ai chỉ điểm được nơi mà Boko Haram đang giam giữ các nữ sinh vô tội. 

Song song đó, theo Mirror, một số nhà hoạt động xã hội, những nhân vật nổi tiếng đang phát động chiến dịch “Bring Back Our Girls” (Hãy trả lại các cô gái chúng tôi!). Chiến dịch này do luật sư Ibrahim M. Abdullahi, người Nigeria phát động từ ngày 23-4 vừa qua, đến nay đã thu hút rất nhiều người cùng tham gia.

Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, nhà hoạt động vì nữ quyền Malala Yousafzai người Pakistan (14 tuổi) - từng nhiều lần bị Taliban ám sát hụt cũng tham gia chiến dịch trên. Trong khi đó, Quỹ DNA (do nam diễn viên Ashton Kutcher cùng vợ cũ là Demi Moore sáng lập) đã lập ra chiến dịch “Real Men Don’t Buy Girls” (Những người đàn ông chân chính không mua những cô gái để phục vụ mình) để ủng hộ cho các nữ sinh.

Nhiều ngôi sao nổi tiếng, trong đó có ca sĩ Justin Timberlake, diễn viên Bradley Cooper và Sean Penn cũng đã đăng ký tham gia bằng cách thu những đoạn clip ngắn để chia sẻ quan điểm về thực trạng trên.

Boko Haram ra đời vào năm 2000, nghĩa là “Giáo dục theo kiểu phương Tây là tội lỗi”. Boko Haram lợi dụng sự bất mãn của người dân ở miền Bắc Nigeria về tình trạng đói nghèo và bất công trong xã hội, cũng như tình trạng lạm quyền của lực lượng an ninh chính phủ để trở nên lớn mạnh và thu hút thêm nhiều lực lượng.

Tháng 7/2009, Boko Haram lần đầu tiên tấn công bạo lực vào một đồn cảnh sát. Lực lượng an ninh đã đáp trả bằng một vụ trả đũa đẫm máu. Tháng 8/2011, Boko Haram tấn công bom xe vào trụ sở LHQ ở thủ đô Abuja làm hơn 20 người thiệt mạng.

Một trong những mục tiêu của Boko Haram ngày nay là trả thù cho lực lượng Hồi giáo và Mỹ cũng là kẻ thù không đội trời chung của nhóm khủng bố này. Washington đã liệt Boko Haram vào danh sách nhóm khủng bố nguy hiểm, sau Taliban và Al Qaeda. Từ khi ra đời đến nay, chúng đã cướp đi mạng sống của hơn 2.000 người.

Mỹ cũng đã treo giải thưởng 7 triệu USD cho người nào cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ hoặc tiêu diệt tên thủ lĩnh Abubakar Shekau. 

Theo Như Quỳnh
Theo Sài Gòn giải phóng