Ai không nên ăn nội tạng động vật?

Các loại tim, gan, thận... rất tốt cho trẻ em, phụ nữ có thai, cho con bú, song người bị gan nhiễm mỡ, gút, tiểu đường thì không nên ăn.
Nội tạng động vật có nhiều chất đạm, béo nhưng không phải ai ăn cũng tốt. Ảnh minh họa: P.N.

Phủ tạng động vật nhiều người hay ăn là tim, gan, thận (bầu dục), dạ dày… của lợn, gà, ngan, vịt. Về mặt dinh dưỡng, chúng chứa nhiều chất đạm, chất béo; các loại tim, gan chứa nhiều sắt và vitamin A. Nhược điểm là chúng chứa nhiều chất béo đặc biệt hàm lượng cholesterol rất cao, nhất là trong óc, gan và bầu dục. Chỉ cần ăn 100 g óc lợn có đến 2.500 mg cholesterol, gấp 8 lần nhu cầu hàng ngày. Một ngày mỗi người chỉ nên ăn khoảng 250-300 mg cholesterol.

Theo thạc sĩ Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng, tim, gan, bầu dục có tác dụng cung cấp sắt để chống thiếu máu thiếu sắt rất tốt cho trẻ em và phụ nữ mang thai, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ. Nó cung cấp nhiều vitamin A, có tác dụng bổ mắt, tăng cường sức đề kháng và tăng trưởng ở trẻ em.

Tuy nhiên vì chứa nhiều cholesterol nên chúng không phù hợp với người cao tuổi, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hoá như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh gút, bệnh thận, người thừa cân-béo phì...

Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cũng nhấn mạnh, người Việt có thói quen không tốt là ăn phủ tạng động vật mà không biết chúng có rất nhiều cholesterol. Cơ thể có thể tự tổng hợp cholesterol nên thức ăn không cần cung cấp nhiều. 

Vì thế, người cao tuổi nên hạn chế ăn. Người mắc các bệnh rối loạn chuyển hoá nói trên cũng không nên ăn các loại phủ tạng động vật. Trẻ em, phụ nữ có thai hay cho con bú, người thiếu máu thiếu sắt, thanh thiếu niên nên ăn các loại phủ tạng mỗi tuần 2-3 lần, mỗi lần ăn 50-70 g với người lớn, 30-50 g mỗi bữa với trẻ em.

Các chuyên gia cũng lưu ý, nội tạng động vật rất dễ nhiễm bẩn nên có thể là một ổ vi khuẩn gây bệnh tả, thương hàn, viêm gan... Chúng cũng có thể nhiễm nhiều loại ký sinh trùng như sán dây, sán chó, giun xoắn... Ăn nội tạng lợn chưa nấu chín kỹ cũng khiến bạn có nguy cơ nhiễm khuẩn liên cầu lợn. 

Vì thế, khi ăn các loại nội tạng cần chú ý khâu lựa chọn, sơ chế kỹ càng và nấu chín hoàn toàn. Khi mua nên chọn loại còn tươi, ấn vào mặt gan, tim dẻo còn đàn hồi tốt, bề mặt nhẵn; không mua các loại gan có màu vàng hoặc tím sẫm, có mùi hôi.

Theo Theo Vnexpress