Điêu đứng vì tin đồn ác ý
Ngược trở lại mấy năm trở về trước (năm 2008), khi tin đồn về sữa nhiễm Melamine đã có ở Việt Nam xuất hiện đã làm điêu đứng các hãng sản xuất sữa trong nước. Doanh số bán hàng của các doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước khi ấy đã giảm 30-50%, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 80% khiến nhiều nơi phải đổ bỏ sữa.
Chống đỡ trước “cơn bão” này, nhiều doanh nghiệp đã phải thực hiện các chiến dịch truyền thông với những thông điệp như “Đảm bảo sữa 100% không nhiễm Melamine”. Thế nhưng, người tiêu dùng vẫn không tin vì cho rằng, đó chỉ là sự tự quảng cáo của doanh nghiệp. Chỉ đến khi, Bộ Y tế có văn bản thông báo chính thức, sữa nhiễm Melamine không có mặt ở Việt Nam, người tiêu dùng mới tin, chấp nhận. Song thiệt hại mà các doanh nghiệp phải gánh chịu cũng không phải là nhỏ.
Cách đây ít năm, một doanh nghiệp sản xuất sữa tươi cũng bị dính vào tin đồn, trong sữa có đỉa, ròi, giun, dế… những thứ mà nếu có đầy đủ thông tin, có thể dễ dàng nhận thấy đó là điều vô lý, nhưng khi là tin đồn và chưa có cơ quan nào lên tiếng, thì mặc nhiên người tiêu dùng cứ coi đó là thông tin chính xác.
Ông giám đốc doanh nghiệp đó từng cay đắng nói, chỉ vì mỗi tin đồn không thực tế đó, mà doanh số bán hàng của chúng tôi bị sụt giảm tới 2/3. Để chứng minh sản phẩm của mình không thể nào có những con côn trùng đó, ông đã phải công bố công khai dây chuyền sản xuất của công ty, rồi mời các phóng viên đến tận nơi xem và chứng kiến dây chuyền sản xuất của mình, rồi thông tin bất lợi mới dần được đẩy lùi.
Một chuyên gia từng làm truyền thông cho một hãng bia nổi tiếng cũng tiết lộ, đối với các hàng tiêu dùng nhanh, những tin đồn không có thật có thể ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp. Chuyên gia này cho biết, đã có rất nhiều vụ các cá nhân cạy nắp chai bia một cách tinh vi rồi bỏ các dị vật, từ khuy áo đến tăm, thậm chí cả… bao cao su để được đổi quà tặng hoặc cái gì đó. Nhìn bằng mắt thường sẽ rất khó có thể phân biệt được, mà doanh nghiệp thường phải nhờ đến cơ quan giám định độc lập giám định và kết luận.
Cần kết luận khẩn trương của cơ quan có thẩm quyền
Những sự việc trên không phải là cá biệt, đã xảy ra nhiều, nhưng nhìn chung phản ứng của các cơ quan nhà nước thường chậm trễ. Như trường hợp của THP, cho đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức về sản phẩm.
Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng cho biết: “Trường hợp này, tôi không dám có nhận xét đánh giá về cơ quan nhà nước có chậm trễ hay không, vì vụ việc đã một cơ quan nhà nước đã thụ lý do có dấu hiệu hình sự rồi, thì các cơ quan khác nếu cũng vào cuộc sẽ dễ dẫn đến chồng chéo. Cho nên, cũng không thể đánh giá được họ là có chậm trễ hay không, bởi việc này cơ quan chức năng đã vào cuộc rồi”.
Còn về vụ việc của THP, để chấm dứt tình trạng thông tin gây nhiễu, thông tin không đúng về sản phẩm của doanh nghiệp, theo các chuyên gia thì cần có kết luận của ngành y tế. (Thực tế thì cơ quan này cũng đã thành lập đoàn thanh tra để thanh tra toàn diện THP). Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Quốc Tuấn- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ Khoa học công nghệ) cho biết: “Chúng tôi không có thẩm quyền và trách nhiệm xử lý những vụ việc như trên. Song tôi được biết hiện Thanh tra Bộ Y tế đang làm toàn diện THP và khi có kết luận chắc chắn, đủ cơ sở mới có thể công bố được”. Theo ông Tuấn, đối với vụ việc nào cũng thế cần phải có thông tin rõ ràng.
Theo ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, kể cả nói xấu, gièm pha trên mạng giữa các doanh nghiệp hiện nay là có, thậm chí có hiện tượng trâu buộc ghét trâu ăn. Trả lời câu hỏi về trường hợp của THP, khi doanh nghiệp này cho rằng họ đang là nạn nhân của chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh, chơi xấu của đối thủ khác, ông Phú cho biết: “Nếu doanh nghiệp thấy có đủ chứng cứ, thông tin chính xác thì hoàn toàn có thể nhờ các cơ quan bảo vệ pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho mình. Thông tin (trên mạng xã hội - PV) dù đúng hay không, cũng cần sớm được công bố”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Anh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết: “Thực tế là có trường hợp doanh nghiệp nói xấu nhau trên mạng rồi và trong Luật Cạnh tranh, cũng có điều nói về hành vi gièm pha doanh nghiệp khác không lành mạnh”.
Theo ông Tuấn, trong trường hợp đó, nếu doanh nghiệp thấy nghi ngờ, phát hiện và đưa ra những thông tin liên quan ảnh hưởng đến doanh nghiệp mình mà không đúng sự thật, thì doanh nghiệp đó có thể nộp đơn lên cơ quan quản lý cạnh tranh.
Còn trong trường hợp, muốn tư vấn, Cục Quản lý Cạnh tranh có tổng đài 18006838, trong đó ấn phím 2 để được tư vấn về pháp luật cạnh tranh, còn trong trường hợp doanh nghiệp họ muốn tư vấn về nộp hồ sơ như thế nào, các bước đi tiếp theo ra sao thì cứ gọi theo số đó.
Trả lời câu hỏi về việc THP đã nộp đơn gửi Cục Quản lý Cạnh tranh, đến nay Cục đã nhận được chưa và sẽ xử lý thế nào, ông Trịnh Anh Tuấn cho biết: “Theo quy định của Luật Cạnh tranh, nếu doanh nghiệp có đơn và đầy đủ chứng cứ, cơ quan quản lý cạnh tranh buộc phải thụ lý để xử lý. Còn nếu chưa đầy đủ, cơ quan cạnh tranh sẽ yêu cầu doanh nghiệp bổ sung đầy đủ hồ sơ và nộp lại theo quy định”.
Về việc doanh nghiệp bị nói xấu trên mạng, cụ thể như trường hợp của THP, khi doanh nghiệp này nghi ngờ những người đứng đằng sau các fanpage tẩy chay THP chính là đối thủ cạnh tranh, ông Trịnh Anh Tuấn cho biết: “Trong trường hợp này, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải thực hiện theo quy định của pháp luật, trước tiên phải xác minh xem thông tin đó có đúng hay không.
Trong trường hợp không phải thẩm quyền của mình, thì phải yêu cầu các cơ quan liên quan tham gia vào cuộc và sau khi họ có kết luận rồi, mình mới căn cứ vào đó để làm, chứ không phải cứ nhìn thấy thế là xử lý ngay được. Còn theo quy định của Luật Cạnh tranh, hành vi tung tin để ảnh hưởng đến doanh nghiệp khác, chính là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Không phân biệt đối xử ngoại, nội nhưng cần tỉnh táo
Cũng có việc nghi ngại, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hiện nay đến từ chính các đối thủ nước ngoài, bởi họ có tiềm lực, có kinh nghiệm và cả những chiêu trò. Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng cho biết: “Tôi nghĩ việc cạnh tranh như một quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, tất nhiên cái mình đòi hỏi ở đây phải là cạnh tranh lành mạnh, nhưng vấn đề là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn diễn ra. Khi hội nhập, doanh nghiệp nước ngoài họ vào và tới đây khi Hiệp định Đối tác kinh tế Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, mở cửa rộng hơn, sâu hơn, cạnh tranh còn khốc liệt hơn. Cho nên, chúng ta phải hết sức tỉnh táo trước các diễn biến của thị trường để chống lại cạnh tranh không lành mạnh”.
Theo ông Hùng, chúng ta cũng không phân biệt đối xử, mà khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài vào làm ăn, đầu tư, nhưng làm ăn trên đất nước Việt Nam, thì phải đảm bảo tuân thủ luật pháp Việt Nam. “Ý tôi muốn nói là, tất cả các động thái của chúng ta phải hết sức cẩn trọng, để phải làm sao những phản ứng của chúng ta mang tính tích cực. Hơn nữa, hiện nay chính ta đang thực hiện của vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nên càng phải hết sức thận trọng, tỉnh táo trước các động thái cạnh tranh của đối thủ”- ông Hùng nói rõ.