Sputnik dẫn lời phát thanh viên đài truyền hình 1TV của Afghanistan hôm 30/8 cho biết, 12 dân thường thiệt mạng và 16 người khác bị thương trong một cuộc không kích của Mỹ ở Dasht-e-Bari, khu vực thuộc thành phố Pul-e-Alam, thủ phủ tỉnh Logar.
Các phương tiện truyền thông của Mỹ thời điểm đó cũng báo cáo về chi tiết vụ việc.
Cụ thể, tờ New York Times đưa tin, các lực lượng Afghanistan và Mỹ bị Taliban tấn công khi một trực thăng của Mỹ cố thực hiện “một cuộc hạ cánh thận trọng vì vấn đề bảo dưỡng”, theo Đại úy Bill Salvin, phát ngôn viên quân đội Mỹ ở Afghanistan.
Trong hoàn cảnh đó, các lực lượng đồng minh đã yêu cầu hỗ trợ và sau đó một máy bay chiến đấu khác xuất hiện, ném bom vào căn nhà ở khu vực Taliban tấn công trực thăng Mỹ.
“Ba gia đình sống trong nhà đã bị trúng bom. 11 người, trong đó có 8 phụ nữ, đã thiệt mạng. Chúng tôi đã tìm thấy toàn bộ các thi thể trên bằng máy xúc sau vài giờ. Nhưng hai đứa trẻ vẫn chưa rõ tung tích”, Hawas Khan Kochai, người dân ở Dasht-e-Bari, thông tin qua điện thoại với New York Times.
Được biết, vụ việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi 13 thường dân thiệt mạng trong một cuộc không kích ở tây Herat.
Tin tức trên gây xôn xao dư luận ở quốc gia Nam Á này những ngày qua. Một số chuyên gia chính trị trong nước đã đưa ra bình luận về vụ việc.
Haji Ullah Gol Mujahid, nhà phân tích quân sự và là thành viên Quốc hội Afghanistan ở tỉnh Kabul, cho hay, người dân sống trong khu vực xung đột lo sợ quân đội Mỹ, các hoạt động quân sự của NATO nhiều hơn Taliban.
“Sau thất bại của Taliban, người dân Afghanistan không muốn chiến tranh tiếp diễn, nhưng điều đó vẫn xảy ra vì các hoạt động của Mỹ: Họ phá hủy các ngôi nhà, ném bom những khu tái định cư, thậm chí cả đám cưới rồi đổ lỗi cho Taliban”, ông Mujahid chia sẻ với Sputnik.
Chuyên gia còn đưa ra các dẫn chứng như vụ 150 thường dân thiệt mạng tại tỉnh Nangarhar, cùng với các trường hợp tương tự ở tỉnh Helmand.
“Không ai muốn sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở Afghanistan. Người Afghanistan không thấy điều gì tốt đẹp từ người Mỹ và họ không muốn người Mỹ ở lại trên đất nước họ nữa”, ông kết luận.
Trong khi, Obaid Kabir, một trong các lãnh đạo của đảng Đoàn kết Afghanistan, ví đất nước của ông đang “trong một cái máy nghiền, bị mắc kẹt giữa 3 thớt cối”.
Theo ông Kabir, “ba thớt cối” đang giày xéo đất nước Nam Á này lần lượt là quân đội Mỹ, chính phủ bù nhìn ở Kabul và khủng bố với đại diện là Taliban và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
“Taliban là sản phẩm của tình báo Mỹ và Pakistan, nên chúng sẽ chỉ tiếp tục lớn mạnh. Phong trào này hiện tại đã tìm được các nhà bảo trợ khác. Tuy nhiên, người dân Afghanistan không thấy có sự khác biệt nào giữa Mỹ và Taliban: Cả hai đều ăn thức ăn trên một đĩa và chỉ có người dân vô tôi phải chịu đựng”, Kabir nhận định.
Một báo cáo gần đây của Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) ghi nhận, số thương vong của dân thường Afghanistan tăng 43% do các hoạt động quân sự trên không trong 6 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, 232 thương vong dân sự (95 người chết và 137 người bị thương, với sự gia tăng đáng kể số trường hợp tử vong ở phụ nữ và trẻ em.