1. Bệnh đau mắt
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Khi bão lụt điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm. Hơn nữa mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho vi rút gây bệnh đau mắt.
Bệnh đau mắt đỏ dễ lây nên rất dễ bùng phát thành dịch. Bệnh lây khi người lành tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay, đặc biệt nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều vi rút.
2. Bệnh về da
Trong và sau mưa, lũ lụt, vô số vi sinh vật gây bệnh hòa vào nước tràn ra làm ô nhiễm môi trường, lây lan mầm bệnh. Nếu không xử lý kịp thời nguồn nước, môi trường sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhất là các bệnh về da bùng phát như: như nấm kẽ chân, nấm móng; viêm kẽ ngón tay, ngón chân (dân gian gọi là “nước ăn chân”); mẩn ngứa; viêm da.
3.Bệnh tiêu hóa
Mưa bão sẽ khiến môi trường, nguồn nước xung quanh bị nhiễm bẩn, từ đây phát sinh ra rất nhiều trường hợp người lớn trẻ nhỏ nhiễm bệnh về tiêu hóa. Nguyên nhân là do sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và hại trong đường ruột khiến nhiễm bệnh.
Mưa bão là điều kiện thuận lơi cho vi khuẩn dịch tả phát triển mạnh mẽ, đặc biệt ở những khu vực ô nhiễm, việc sinh hoạt, ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Người mắc bênh tả có biểu hiện đau bụng, đi ngoài phân lỏng thành nước, chuột rút... Ở mức độ nặng, có thể dẫn đến tiêu chảy cấp. Nếu không kịp thời chữa trị có thể nguy hiểm đến tính mạng.
4. Bệnh sốt vàng da
Bệnh sốt vàng da, chảy máu sau mưa, lũ, lụt do vi khuẩn Leptospira gây ra: Bệnh sốt vàng da chảy máu (xuất huyết) do vi khuẩn Leptospira gây ra có liên quan trực tiếp đến nước tiểu của các loài chuột mang mầm bệnh Leptospira. Chuột đào thải vi khuẩn này theo nước tiểu ra môi trường bên ngoài trôi vào dòng nước.
Trong và sau mưa, lũ lụt, nếu ngâm mình, chân tay với thời gian lâu trong nước thì vi khuẩn Leptospira rất dễ dàng chui qua da và niêm mạc để vào trong cơ thể con người.
5. Bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Tuy dịch sốt xuất huyết ở nước ta năm nay đã đang được dập tắt nhưng mọi người vẫn cần chú ý.
6. Thương hàn
Đây là một bệnh dễ lây lan trong mùa mưa qua thực phẩm và nước đã nhiễm độc với các dấu hiệu như sốt cao, đau đầu, biếng ăn, tiêu chảy hoặc táo bón…Do vậy trong mùa mưa bão cần đun sôi nước uống thêm 2 phút, chế biến kỹ thực phẩm, đậy điệm thức ăn để tránh ruồi và côn trùng khác.
7. Bệnh về hô hấp
Thời tiết ẩm thấp, mưa gió làm tăng khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó phải kể đến cảm cúm, cảm lạnh. Cúm là bệnh thường gặp, nhưng nếu không điều trị đúng cách có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, thậm chí tử vong. Các bệnh hô hấp thường có khả năng lây nhiễm cao, tạo thành dịch, gây khó khăn cho việc điều trị.
Trong thời tiết như hiện nay, người lớn đã dễ mắc, trẻ em còn là đối tượng dễ mắc hơn cả nên cha mẹ cần hết sức lưu ý tới tình trạng sức khỏe của trẻ.
8. Bệnh viêm gan A
Bệnh do một loại virus lây từ người sang người khi ăn phải các thực phẩm bị nhiễm độc bởi chất thải và nước tiểu của người đã bị viêm gan A. Tình trạng này rất dễ xảy ra trong mùa mưa bão khi virus từ nơi này dễ lây lan sang nơi khác.
Để phòng tránh viêm gan A cần rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến đồ ăn. Các loại hải sản có vỏ như sò, trai được bán khá rẻ trong mùa mưa vì dễ đánh bắt nhưng cần được nấu tối thiểu 4 phút để đảm bảo diệt hết vi khuẩn.
9. Bệnh về xương khớp
Cùng với những bệnh ngoài da, hô hấp, tiêu hóa, bệnh về xương khớp chiếm tỉ lệ khá cao số người bị mắc phải, đặc biệt ở những người có tuổi, có tiền sử mắc bệnh. Thời tiết thất thường, lúc nóng lúc lạnh, mưa nắng bất chợt khiến nhiều người bị đau mỏi cơ xương khớp, co cứng cơ vùng vai gáy, thắt lưng.
Để phòng bệnh xương khớp trong những ngày mưa bão, người bệnh nên tránh ra ngoài trời mưa lạnh, năng tập luyện thể thao trong nhà.
Nhằm phòng tránh các dịch, bệnh nguy hiểm sau mùa mưa lũ, Cục Y tế dự phòng luôn khuyến cáo người dân:
- Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.
- Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
- Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn…