Gia tăng lạm dụng thuốc kháng sinh
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thừa nhận: “Chưa có nước nào mà kháng sinh lại mua dễ như ở Việt Nam. Bộ Y tế đã có quy định yêu cầu các nhà thuốc chỉ bán kháng sinh khi có đơn của bác sĩ, tuy nhiên nhiều nơi không thực hiện, trong khi chế tài xử phạt thấp”.
Dùng kháng sinh không đúng bệnh, không đúng liều, không đủ thời gian, tùy tiện… lạm dụng kháng sinh cũng phổ biến ở trong các bệnh viện, cán bộ, nhân viên y tế. Theo một khảo sát tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội cho thấy, số thuốc được kê trung bình một đơn là 7,06 loại, nhiều đơn có tới 10-20 loại. Ðáng chú ý, kháng sinh được sử dụng ở rất nhiều đơn thuốc, có khoa thuốc kháng sinh được sử dụng ở 100% số người bệnh. Tình trạng kết hợp nhiều kháng sinh cũng rất phổ biến, với gần 42%, thậm chí có đơn thuốc dùng đến bốn loại. Trong khi đó, theo đánh giá của Hội đồng thuốc và điều trị thì có một nửa số thuốc kháng sinh trong những đơn này không cần thiết.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, trẻ em thường bị viêm đường hô hấp và được bác sĩ kê đơn kháng sinh. Do đường uống hiện không còn mấy hiệu quả nên nhiều trẻ phải tiêm. Trẻ ốm đi ốm lại nhiều lần phải dùng nhiều kháng sinh, gây nhờn thuốc. Lúc đó, thuốc chẳng những không trị được bệnh mà còn tăng sức công phá của vi khuẩn gây các bệnh khác. Trẻ sử dụng nhiều kháng sinh còn có nguy cơ mắc hen cao hơn 16% so với trẻ khác.
Chỉ có bác sĩ mới xác định được nguyên nhân gây bệnh là virus hay vi khuẩn. Thế nhưng nhiều cha mẹ hễ thấy con ho, sốt là tự ý mua kháng sinh cho con uống mà không cần đơn của bác sĩ. Đặc biệt, hầu hết các hiệu thuốc sẵn sàng bán thuốc kháng sinh cho người bệnh mà không cần có kê đơn của bác sĩ, thậm chí còn thực hiện vai trò của bác sĩ để kê đơn cho bệnh nhân.
Hậu quả nặng nề
Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, qua kiểm tra, đánh giá việc sử dụng thuốc trong bệnh viện cho thấy, chi phí cho thuốc chiếm 48% tổng chi phí khám chữa bệnh, trong đó chi phí cho thuốc kháng sinh chiếm 17%.
Đứng đầu nguy cơ kháng thuốc là lĩnh vực phòng, chống và điều trị lao. Các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy ở Việt Nam tỷ lệ lao kháng đa thuốc là 2,7% trong số người bệnh lao mới và chiếm 19% số người bệnh lao điều trị lại. Chi phí điều trị lao kháng đa thuốc tăng lên hàng trăm lần so với lao không kháng thuốc và ở một số trường hợp còn không thể điều trị được.
Đáng báo động là ở Việt Nam đã xuất hiện nhóm vi khuẩn kháng thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ kháng với kháng sinh carbapenem, loại kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 30%, nhất là các vi khuẩn gram âm. Tại Việt Nam ghi nhận không chỉ một mà một số loại siêu vi khuẩn kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột. WHO xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới. Thậm chí có loại vi khuẩn gây bệnh viêm phổi đã kháng cả các kháng sinh thế hệ 3 là thế hệ mới nhất.
Việc quá lạm dụng loại vũ khí tối thượng là kháng sinh đang khiến thế giới đứng trước nguy cơ bị mất dần các loại thuốc điều trị. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ 70 năm sau khi giới thiệu thuốc kháng sinh, thế giới đang đối mặt với khả năng của một tương lai không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả đối với một số bệnh nhiễm trùng. Ngoài ra kháng thuốc gây ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt ở bệnh nhân bị nhiễm trùng do sinh vật đa kháng.
Theo kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn. Trong tổng số 2.953 nhà thuốc được điều tra: có 499/2.083 hiệu thuốc ở thành thị và 257/870 hiệu thuốc ở nông thôn có bán đơn thuốc kê kháng sinh. Phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn 88% (thành thị) và 91% (nông thôn)…