7 ngày sinh tồn của người phụ nữ ngã xuống vực sâu núi Yên Tử

TP - Ðể duy trì sự sống, mỗi ngày bà Liên chỉ ăn một mẩu bánh gạo bằng 2 đốt ngón tay, ăn rễ cây dương xỉ, lá cây ngải cứu rừng, củ cây lạc tiên và uống nước từ những vỏ chai nhựa trong đống rác.
Bà Liên bật khóc sau khi được đội cứu hộ của Ban Quản lý di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử đưa về trụ sở

3 lần ngã xuống vực sâu

Nhiều ngày nay, câu chuyện một phụ nữ sống sót sau 7 ngày bị rơi xuống vực sâu ở núi Yên Tử (Quảng Ninh) khiến nhiều người không khỏi tò mò. Nhiều người đặt ra nghi vấn câu chuyện có phần được dàn dựng hoặc nhân vật có thể bị chứng hoang tưởng.

Tìm hiểu rõ về câu chuyện này, ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử, khẳng định, câu chuyện bà Liên bị rơi xuống vực ở chùa Đồng - Yên Tử là có thật. Việc bà sống sót qua 7 ngày dưới vực sâu trước khi được đội cứu hộ của Ban giải cứu cũng là thật 100%. “Lấy tư cách là Trưởng Ban, tôi khẳng định câu chuyện này là có thật. Mặc dù rất hy hữu nhưng điều kỳ diệu này đã xảy ra với bà Liên. Bà sống được cũng nhờ ý chí kiên cường và kỹ năng sinh tồn của bà quá tốt”, ông Dũng nói.

Đó là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Bích Liên, 59 tuổi, trú tại Khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) sống khỏe mạnh 7 ngày, 6 đêm ở vực sâu núi Yên Tử. Không phải dùng đến cáng hay sự can thiệp tích cực từ đội ngũ y tế, ngay khi vừa được đội cứu hộ đưa lên khỏi vực sâu, bà Liên đã rành mạch kể lại câu chuyện ly kỳ của mình. Bà nhớ từng chi tiết nhỏ trong 7 ngày vừa qua và sắp xếp logic từng sự việc về thời gian xảy ra khiến nhiều người nhầm tưởng bà không phải vừa được cứu từ dưới vực.

Bà Liên kể lại, hôm 27/4 bắt xe từ Hà Nội tới TP Hạ Long (Quảng Ninh) để lấy thuốc trị bệnh đau khớp. Tuy nhiên, khi đến ngã ba Dốc Đỏ (QL18), người phụ nữ 59 tuổi này lại nảy ý định lên núi Yên Tử để cầu an. Trưa cùng ngày, sau khi mua vé cáp treo và vé thắng cảnh, bà Liên bắt đầu hành trình lên núi Yên Tử. Sau khi lễ Phật tại chùa Đồng, bà xuống núi được vài chục mét, thấy trong người mệt mỏi nên dựa vào lan can cạnh bờ vực để nghỉ ngơi.

Thân thể bà Liên đầy vết trầy xước, bầm dập và chi chít vết muỗi, côn trùng cắn

Lúc đứng dậy để tiếp tục xuống núi, bà bị choáng, loạng choạng và ngã xuống vực. Lúc vừa gặp nạn, bà Liên kêu cứu và tìm cách bám vào cây nhưng không ai trông thấy.

“Tôi vốn có lịch sử bị tiền đình, nên khi mệt mỏi hay bị chóng mặt. Sau khi bị trượt ngã, một là do hoảng loạn, hai là do va chạm nên bị ngất đi không biết gì. Lúc tỉnh dậy thì đang nằm trên mỏm đá, chân tay thì vẫn cử động được nhưng đau nhức khắp người”, bà Liên kể.

Sau cú ngã đầu tiên, bà bị ngất không biết bao lâu, lúc tỉnh dậy thấy trời đã nhá nhem tối. Mặc dù vẫn còn nghe tiếng mọi người nói chuyện phía bên trên nhưng khi bà cố đứng dậy kêu cứu thì vô tình dẫm phải túi rác dẫn đến trượt chân một lần nữa. Chưa dừng lại ở đó, sau cú trượt chân lần thứ 2, trong lúc cố tìm cách để trèo lên, bà Liên dẫm phải cành cây khô lại ngã xuống một khoảng sâu hơn.

“Lần bị trượt chân thứ 3 tôi nghĩ mình chắc chết rồi nhưng lại rơi vào đúng bãi rác to nên cơ thể không bị va chạm mạnh. Nhưng khi nhìn xuống dưới là bờ vực sâu hun hút hơn 100 m. Nếu rơi 1 lần nữa thì chắc mình hết hi vọng sống sót”, bà nói.

Khát vọng sống và ý chí kiên cường

Sau cú ngã lần thứ 3, bà Liên cố giữ bình tĩnh để quan sát mọi vật xung quanh. Chiếc túi bà mang theo đã bị thất lạc sau 3 lần ngã. Trong túi có chiếc điện thoại là tia hy vọng mong manh nhưng để tìm được túi trong hoàn cảnh đấy không phải chuyện dễ dàng.

“Khi đã định thần, tôi định một lần nữa tìm cách trèo lên nhưng sau 3 cú ngã liên tiếp và vực sâu hơn trăm mét dưới chân làm tôi chùn bước. Tôi quan sát có một phiến đá gần đấy và quyết định trèo qua phiến đá để đợi chờ tia hy vọng”, bà Liên kể.

“Thời tiết tại đỉnh Yên Tử rất khắc nghiệt, ngày nắng đêm lạnh và thường xuyên có mây mù che phủ nên tầm nhìn bị hạn chế. Hơn nữa, những ngày nghỉ lễ vừa qua, tại Yên Tử có gió thổi mạnh kèm theo mưa lớn. Việc bà Liên sống sót sau 7 ngày ở dưới vực này quả thực là điều kỳ diệu”, anh Phạm Văn Anh, người đầu tiên đu dây để giải cứu bà Liên, nói.

Đêm đầu tiên trên núi, để chống chọi với giá lạnh, bà cố lấy hết sức bình sinh bò ra vách đá nhặt bốn chiếc áo mưa tiện lợi còn mắc trên cây để mặc vào người cho ấm. Bà quấn chặt đầu để khỏi bị ướt và cho chân vào hốc đá cho đỡ lạnh. Vì vách đá rất hẹp nên bà chỉ có thể ngủ ngồi.

Ngày tiếp theo, trời có vẻ sáng hơn và bớt mây mù, trong lờ mờ sương sớm, bà nhìn thấy chiếc túi của mình rơi cạnh nhưng trong túi không còn điện thoại, chỉ còn mấy chiếc bánh gạo và một mẩu cơm cháy còn sót lại và hơn nửa chai nước bà uống dở trước đó.

Xác định không thể tự mình thoát khỏi vực sâu, bà Liên chọn phương án cố sống sót để chờ cơ hội được cứu. Sau khi lên kế hoạch, bà chia nhỏ khẩu phần ăn ra từng bữa, mỗi bữa chỉ một miếng bánh gạo hoặc cơm cháy bằng 2 đốt ngón tay. Nước thì phải thật khát mới uống một ngụm.

Những ngày tiếp theo, khi trời nắng dần lên, bà Liên dùng chiếc kính lão mang theo phản chiếu ánh mặt trời vào lá khô để tạo lửa với mục đích vừa sưởi ấm, vừa phát khói hiệu cầu cứu xung quanh, nhưng thời tiết ẩm ướt, lá cây chỉ bị sém mà không cháy được.

Vé cáp treo sót lại trên người bà Liên đều thể hiện ngày 27/4, ngày bà bị rơi xuống vực

“Dưới vực là bãi rác có những chai nước của du khách ném xuống hoặc bị rơi lại nên tôi đã cố gom lại để uống. Tôi may mắn nhặt được một chai chanh muối có hạn từ năm 2019 nên uống được hơn một ngày. Ngoài ra, sau khi hết bánh gạo thì tôi hái lá và cả rễ cây dương xỉ, củ lạc tiên và cả cây ngải cứu rừng để ăn”, bà Liên kể.

Trong một lần tìm trong đống rác, bà còn tìm thấy 2 cái bật lửa nhưng đều bị hỏng không dùng được. Có lẽ điều may mắn nhất là bà tìm được một chiếc ấm nấu nước bằng kim loại bị vứt bỏ. Đây cũng là chìa khóa để bà được giải cứu. “Khi tìm được chiếc ấm, tôi mừng lắm. Tôi nhặt ngay que củi để ngay cạnh người, lúc nào nghe tiếng người bên trên tôi sẽ gõ ra âm thanh để mọi người chú ý. Trước đó, tôi đã dùng chai nhựa để làm loa kêu cứu nhưng không hiệu quả”, bà Liên kể.

Theo bà Liên, bí quyết để sống sót trong những trường hợp như trên phụ thuộc vào ý chí của nạn nhân. Càng kiên cường thì càng có thêm động lực để sống và động lực sống của bà chính là gia đình. Trong tâm niệm của bà lúc nào cũng muốn gặp được gia đình dù chỉ là một lần trước khi chết.