Các đoàn tranh tài tại 13 môn thi hợp xướng nam, nữ và hợp xướng nam nữ, với 8 hạng, gồm hạng A (mức độ khó 1), hạng B (mức độ khó 2), hạng C (hợp xướng Thính phòng - tốp ca), hạng G (hợp xướng thiếu nhi - hợp xướng thanh niên), hạng SE (hợp xướng trung niên, trên 55 tuổi), hạng S (hợp xướng thánh ca), hạng SP (hợp xướng tôn giáo), hạng F (hợp xướng dân ca). Các đoàn hợp xướng thi theo các chuyên ngành đã đăng ký, theo thể loại âm nhạc, lứa tuổi và giới tính.
Ban giám khảo hội thi là các chuyên gia quốc tế về Hợp xướng do Interkultur lựa chọn, trong đó có một giám khảo người Việt Nam. Ban tổ chức sẽ trao 3 giải chính gồm vàng, bạc và đồng cho các đội tham gia theo điểm số chung cuộc.
Theo ông Johan Rooze - Giám đốc nghệ thuật Interkultur, thành phố Hội An được Interkultur và các đoàn yêu mến đặt tên là “nơi gặp gỡ bình yên”, nơi giao lưu âm nhạc, kết nối giữa các nền văn hóa để truyền thông điệp về lòng nhân ái, tình hữu nghị, hợp tác quốc tế.
Di sản Văn hoá thế giới Hội An với không gian kiến trúc cổ kính, văn hóa đa dạng là nơi lý tưởng để cất lên lời ca, tiếng hát cùng hướng đến một thế giới hòa bình, cùng hợp tác và phát triển.
“Hội thi năm nay chắc chắn là bức tranh mang nhiều màu sắc của nhiều quốc gia trên thế giới, chúng tôi mong muốn sẽ khơi gợi niềm cảm hứng và cảm xúc thẩm mỹ của cộng đồng”, ông Johan Rooze nhấn mạnh.
Cùng với các nội dung thi, những ngày đến, các nghệ sĩ, diễn viên sẽ tham gia phần trình diễn đường phố với chủ đề Giai điệu quốc tế, tại khu vực Chùa Cầu và cổng Chùa Bà Mụ, thành phố Hội An phục vụ người dân và du khách. Dịp này, thành phố Hội An tổ chức các hoạt động văn hóa như trình diễn nghệ thuật Hội An - Sắc màu của Lụa, tái hiện Đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX, trưng bày và bán các sản phẩm OCOP...