Trả lời đài phát thanh RTL của Pháp về quyết định nói trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Olivier Véran cho biết: “Đa số các quyết định đình chỉ làm việc chỉ mang tính tạm thời”, đồng thời cho biết rất nhiều nhân viên y tế trong số này đã đồng ý tiêm vắc-xin COVID-19 sau khi họ chấp nhận thực tế rằng “việc tiêm phòng COVID-19 là bắt buộc” để có thể được làm việc.
Bên cạnh đó, ông Véran cho biết thêm mặc dù một số dịch vụ như chụp cộng hưởng từ (MRI) bị ảnh hưởng trong vài giờ đồng hồ nhưng “sự an toàn, chất lượng, cùng với đó là tính liên tục của các hoạt động chăm sóc bệnh nhân” vẫn được đảm bảo tại tất cả các bệnh viện và những cơ sở y tế-xã hội.
Được biết quyết định bắt buộc tiêm vắc-xin COVID-19 đối với 2,7 triệu nhân viên thuộc các lực lượng y tế, điều dưỡng và cứu hỏa tại Pháp chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/9. Trước đó, trong một thông báo lần đầu tiên được đưa ra vào ngày 12/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhấn mạnh các nhân viên thuộc các lực lượng nói trên cần phải tiêm ít nhất một mũi vắc-xin trước 15/9 hoặc sẽ phải từ bỏ công việc mà mình đang đảm nhiệm.
Sau thông báo nói trên của ông Macron, trang web được sử dụng để đặt lịch tiêm vắc-xin COVID-19 tại Pháp (Doctolib) đã bị quá tải sau khi có một số lượng khổng lồ người dân truy cập nhằm đảm bảo việc có được một lịch hẹn tiêm phòng cho bản thân.
Mặc dù vậy, việc vẫn còn hàng nghìn người nằm trong danh sách bắt buộc tiêm vắc-xin COVID-19 từ chối đi tiêm, một số ý kiến cho rằng rất nhiều dịch vụ y tế Pháp đang đứng trước nguy cơ bị gián đoạn nghiêm trọng trong thời gian tới.
Tại một bệnh viện tại thành phố Nice ở miền Nam nước Pháp, rất nhiều y bác sĩ đã tổ chức biểu tình bên ngoài bệnh viện sau khi 450 nhân viên của bệnh viện này đã bị đình chỉ do chưa đi tiêm vắc-xin COVID-19.
Cũng tại miền nam của đất nước hình lục lăng, một bệnh viện tại khu đô thị Montélimar thuộc tỉnh Drôme cho biết đã buộc phải hủy bỏ một số ca phẫu thuật không khẩn cấp vì không có đủ bác sĩ gây mê đã được tiêm phòng COVID-19.
Vào thời điểm các mẫu vắc-xin COVID-19 bắt đầu được phê duyệt lưu hành khẩn cấp trên toàn cầu, Pháp được xem là một trong những quốc gia bày tỏ sự nghi ngại nhất về tính hiệu quả của các mẫu vắc-xin này và từng có thời điểm chỉ 40% số người đủ điều kiện tiêm chủng ở nước này khi được hỏi cho biết sẽ đi tiêm vắc-xin COVID-19.
Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu triển khai "Hộ chiếu vắc-xin" hồi tháng 7, Pháp đã và đang trở thành một trong những quốc gia có số lượng người được tiêm vắc-xin COVID-19 nhiều nhất trên thế giới.
Theo thống kê, khoảng 90% dân số từ độ tuổi trưởng thành trở lên tại đất nước hình lục lăng đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin. Bên cạnh đó, nước này cũng bắt đầu triển khai chương trình tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em trên 12 tuổi và tiêm nhắc lại cho những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương.