30 bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn, biên giới

TPO - Đây là các bác sĩ trẻ được đào tại Trường Đại học Y dược - Đại học Huế theo dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn (Dự án 585), góp phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Ngày 7/12, tại Trường Đại học Y dược - Đại học Huế, Bộ Y tế tổ chức lễ bàn giao 30 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, xung kích về 24 huyện khó khăn, biên giới của 10 tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên theo dự án 585.

Các bác sĩ trẻ được đào tạo tại Trường Đại học Y dược - Đại học Huế sẵn sàng về công tác tại vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Các bác sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Theo đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn (dự án 585) góp phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.

Qua đó, tạo cơ hội cho nhiều người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức phát biểu tại buổi lễ.

Đến nay, dự án 585 đã tiếp nhận, đào tạo 803 bác sĩ chuyên khoa cấp I cho 155 huyện khó khăn, biên giới, hải đảo thuộc 39 tỉnh; trong đó, bàn giao 504 bác sĩ cho 117 huyện khó khăn, biên giới thuộc 34 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng ngày, tại Trường Đại học Y dược - Đại học Huế diễn ra lễ khai giảng khóa đào tạo chuyên khoa cấp I cho 32 bác sĩ trẻ lớp 13 thuộc 10 chuyên ngành hồi sức cấp cứu, ngoại khoa, nhi khoa, nội khoa, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, truyền nhiễm, sản khoa, kỹ thuật y học chuyên ngành xét nghiệm và y học cổ truyền. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, các bác sĩ trẻ sẽ công tác tối thiểu 5 năm tại các huyện đã cử đi đào tạo.