Đó là dự báo của tạp chí The Economist uy tín của Anh. Các quan điểm sau đây là của các chuyên gia quan hệ quốc tế, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiền Phong.
Quan hệ Mỹ-Trung sẽ ra sao trong năm 2021?
Một Trung Quốc cảnh giác sẽ cố gắng xoa dịu căng thẳng nhưng không ảo tưởng về việc thiết lập lại hoàn toàn các mối quan hệ. Sẽ không quay trở lại những ngày trước năm 2016, khi tổng thống Mỹ của cả hai đảng phái chính lập luận rằng sự can dự có thể khiến Trung Quốc mở cửa nền kinh tế - và có lẽ cả xã hội - với thế giới. Thay vào đó, ông Biden sẽ đưa ra một lời chỉ trích khác đối với ông Trump: rằng, dù hành động khá “hoang dã” trước một Trung Quốc quyết đoán của thời ông Tập, ông Trump đã không thể tung ra những đòn quyết định.
Mặc dù ông Biden thường ủng hộ các hiệp định thương mại tự do trong suốt bốn thập kỷ làm việc tại thượng viện, nhưng ông lại lãnh đạo một Đảng Dân chủ hoài nghi hơn bao giờ hết về toàn cầu hóa. Với tư cách là phó tổng thống, ông Biden cổ vũ các liên minh thương mại tự do được thiết kế để chống lại đường lối trọng thương của Trung Quốc, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với tư cách là tổng thống, ông Biden sẽ không vội vàng tham gia bất kỳ hiệp ước nào như vậy.
Trung Quốc sẽ thấy một số thay đổi đối với họ là dễ chịu. Nhà Trắng thời Biden sẽ có nhân sự là các nhà kinh tế chính thống, những người tin rằng áp dụng thuế quan thương mại chủ yếu là tự hại mình. Họ cũng nhìn thấy rủi ro nghiêm trọng trong việc sử dụng hệ thống tài chính bằng đồng đô la như một công cụ để kìm hãm Trung Quốc - trò chơi hấp dẫn của một số trợ lý cấp cao bên cạnh ông Trump. Cánh cửa của Phòng Bầu dục thời Biden sẽ rộng mở hơn cho các ông chủ công nghệ đến từ Thung lũng Silicon. Họ sẽ cầu xin chính phủ cân nhắc nhiều hơn trong việc tuyên bố rằng một số sản phẩm công nghệ cao và chuỗi cung ứng là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và không được liên quan đến Trung Quốc.
Tuy nhiên, một chính quyền Biden hiểu biết hơn về công nghệ sẽ khiến Trung Quốc khó khăn hơn. Ông Biden sẽ kêu gọi Mỹ duy trì ưu thế về công nghệ nền tảng của tương lai trước Trung Quốc, từ trí tuệ nhân tạo đến điện toán lượng tử, với các khoản đầu tư lớn vào khoa học cơ bản. Ông sẽ ít lo lắng hơn trước những thứ như TikTok.
Phòng ngừa rủi ro, cân bằng và khoanh vùng dựa trên một giả định lớn: cả Mỹ và Trung Quốc đều không thực sự có ý định tách rời hoàn toàn hai nền kinh tế của họ. Mặc dù vậy, đó là một canh bạc, và các rủi ro khác luôn rình rập. Không kém phần quan trọng là duy trì sự đoàn kết của ASEAN. Có lẽ rủi ro đáng sợ nhất là một cuộc đụng độ ngoài ý muốn giữa Trung Quốc và Mỹ trên biển Ðông.
ASEAN mắc kẹt
Không khu vực nào trên thế giới có nguy cơ hứng chịu nhiều hậu quả của sự cạnh tranh kinh tế, chiến lược và quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc hơn 11 quốc gia Đông Nam Á. Và sự cạnh tranh đó sẽ gia tăng trong năm 2021.
Một mặt, nhiều người trong khu vực cảnh giác với sứ mệnh của Chủ tịch Tập Cận Bình là giành lại cho Trung Quốc vị trí trung tâm mà nước này được hưởng ở Đông Á trước khi bị phương Tây và Nhật Bản phế truất vào thế kỷ 19 và 20. Không chỉ là Trung Quốc đang gây hấn thách thức các tuyên bố chủ quyền hàng hải và lãnh thổ của Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam ở biển Đông, nơi phần lớn dòng thương mại đường biển của Trung Quốc đi qua. Đó cũng là lời kêu gọi của ông Tập về việc "Người châu Á điều hành các công việc của châu Á". Một bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã từng phát biểu trong cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN): “Trung Quốc là một nước lớn còn các anh là các nước nhỏ, và đó là một sự thật”.
Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đông Nam Á và là nhà đầu tư lớn thứ hai, sau Nhật Bản. Sự thịnh vượng của ASEAN gắn liền với Trung Quốc cũng như các chuỗi cung ứng của họ. Và như Sebastian Strangio, một nhà quan sát nhạy bén, đã chỉ ra trong cuốn sách “In the Dragon’s Shadow” (Dưới cái bóng của con rồng), Đông Nam Á gắn liền với sự tăng trưởng và ổn định của Trung Quốc và ngược lại: trong lịch sử, tình trạng hỗn loạn ở Trung Quốc đã từng khiến bất ổn lan rộng xuống phía nam.
Vì vậy, làm thế nào để không bị mắc kẹt giữa hai người khổng lồ? Các chiến lược gia của khu vực nhắc nhở bản thân rằng, khi các cường quốc đối đầu, mọi thứ còn tồi tệ hơn.
Đối với năm 2021, kinh nghiệm của khu vực ASEAN trong việc quản lý sự cạnh tranh giữa các cường quốc sẽ trở nên nổi bật. Bilahari Kausikan, trước đây là nhà ngoại giao hàng đầu của Singapore, cho rằng cách tiếp cận cho các nước nhỏ sẽ là “rào cản, cân bằng và hợp lực”. Sinh viên quan hệ quốc tế thường được dạy rằng chỉ có thể thực hiện một trong ba cách tiếp cận này dù ở bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, ông Kausikan lập luận, những người Đông Nam Á thực dụng có sở trường làm cả ba điều này. Một ví dụ vào năm 2021: Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ tiếp tục thu hút đầu tư của Trung Quốc, đồng thời mong đợi cải thiện nhanh chóng trong quan hệ quân sự từng căng thẳng với Mỹ. Đông Nam Á vào năm 2021 cũng sẽ làm nhiều hơn nữa để mời gọi các cường quốc khác, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ, cùng chia sẻ cả sự thịnh vượng và an ninh trong khu vực.