16 tỉnh thành tăng viện phí

TPO - Ngày 16/8, liên Bộ Y tế - Tài Chính thông báo, việc điều chỉnh viện phí tính thêm chi phí tiền lương đã được áp dụng tại 16 tỉnh, thành phố từ 12/8.

Theo đó, 16 địa phương này hầu hết là các tỉnh vùng núi, có tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt trên 85% do được nhà nước hỗ trợ mua như: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La... Riêng Đà Nẵng là thành phố duy nhất nằm trong top này. 

Cụ thể, viện phí tại 16 tỉnh nói trên đã được tính thêm chi phí tiền lương từ ngày 12/8, tăng thêm khoảng 18% so với trước và chỉ áp dụng cho các bệnh nhân có thẻ BHYT. Những bệnh nhân chưa có thẻ vẫn áp dụng theo mức giá cũ.

Bộ Y tế cho biết thêm, riêng 9 bệnh viện tuyến trung ương đã thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn gồm: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Phụ sản T.Ư, Nội tiết T.Ư, Mắt T.Ư, Tai mũi họng T.Ư, Răng hàm mặt T.Ư, Răng hàm mặt TP.HCM đã được Bộ Y tế cho phép tính tiền lương vào viện phí từ 1/3/2016.

Theo Bộ Y tế, đúng lộ trình viện phí tính thêm chi phí tiền lương đã được áp dụng từ 1/7 trên toàn quốc nhưng sau cuộc họp với Ban chỉ đạo điều hành giá, liên Bộ Y tế - Tài Chính đã thống nhất chia nhỏ thành 4 đợt để bảo đảm tác động vào CPI dưới 0,6% mỗi đợt. 

Văn bản Bộ Y tế nói rõ: “Liên Bộ lựa chọn tăng viện phí thời điểm này vì giá xăng dầu đang tiếp tục giảm, lại chưa vào năm học mới nên tránh được tác động cộng hưởng đến CPI của giá dịch vụ giáo dục, hơn nữa CPI hiện đang ở mức thấp (có khả năng âm) nên tăng viện phí chỉ tác động CPI khoảng 0,3%, đảm bảo giữ được lạm phát trong mức cho phép”.

Dự kiến, 3 đợt điều chỉnh còn lại, Bộ Y tế sẽ đề xuất trình Chính phủ và có thông báo sau. Bộ Y tế khẳng định, việc tính thêm lương vào giá gần 1.900 dịch vụ y tế về cơ bản không làm ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số. 

Bộ Y tế cho biết, khi tăng viện phí, quỹ BHXH vẫn có khả năng cân đối được đến năm 2017. Sau đó từ 2018 sẽ xem xét việc cân đối quỹ để điều chỉnh mức đóng cho phù hợp. Luật pháp quy định tối đa 6%, nhưng hiện nay mới đóng 4,5% lương.

Bộ Y tế cũng đưa ra một số giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực đến người dân khi tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Cụ thể, đề nghị các tỉnh nếu chưa thành lập lại Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo quy định tại Quyết định số 14/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg thì phải khẩn trương thành lập để huy động nguồn lực hỗ trợ người nghèo của địa phương khi đi khám, chữa bệnh. 

Chỉ đạo các bệnh viện tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới, mở rộng mô hình bệnh viện vệ tinh, thực hiện luân phiên người hành nghề từ tuyến trên về tuyến dưới, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ nhằm vừa nâng cao trình độ chuyên môn các tuyến, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ; đồng thời chỉ đạo các bệnh viện có chênh lệch thu lớn hơn chi phải trích Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Nghị định 85/2012/NĐ-CP để có nguồn hỗ trợ cho người bệnh trong trường hợp khó khăn, không đủ khả năng chi trả chi phí khám chữa bệnh.

Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh có giải pháp quyết liệt để tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT, các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn hợp pháp khác và Bộ Y tế cũng sẽ huy động một số dự án ODA để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT. Các tỉnh khẩn trương hỗ trợ người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT.